Trả lời câu hỏi in nghiêng trang 60 – Bài 14 - SGK môn Địa lý lớp 12

Hãy nêu các biểu hiện suy thoái tài nguyên đất ở nước ta. Nêu các biện pháp bảo vệ đất đồi núi và cải tạo đất đồng bằng.

Lời giải:
Biểu hiện suy thoái tài nguyên đất
 
   + Trong số 5,35 triệu ha đất chưa sử dụng thì đất bằng chỉ có khoảng 350 nghìn ha, còn lại 5 triệu ha là đất đồi núi đang bị thoái hóa.
 
   + Hiện nay cả nước có khoảng 9,3 triệu ha đất bị đe dọa hoang mạc hóa (chiếm 28% diện tích đất đai).
 
   + Ở miền núi: đất bị bạc màu, xói mòn trơ sỏi đá,…
 
   + Ở đồng bằng: đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn; đất bạc màu; đất bị ô nhiễm.
 
Các biện pháp bảo vệ tài nguyên đất đồi núi và cải tạo đất đồng bằng.
   
 - Đối với vùng đồi núi:
 
      + Phải áp dụng tổng thể các biện pháp thuỷ lợi, canh tác như: làm ruộng bậc thang, đào hố vảy cá, trồng cây theo băng.
 
      + Cải tạo đất hoang đồi trọc bằng các biện pháp nông - lâm kết hợp.
 
      + Bảo vệ rừng và đất rừng, tổ chức định canh, định cư cho dân cư miền núi.
 
   - Đối với đồng bằng:
 
      + Quản lí chặt chẽ và có kế hoạch mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Thâm canh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cần canh tác sử dụng đất hợp lí, chống bạc màu, glây, nhiễm mặn, nhiễm phèn. Bón phân cải tạo đất thích hợp.
 
      + Cần có biện pháp chống ô nhiễm đất do chất độc hóa học, thuốc trừ sâu, nước thải công nghiệp chứa chất độc hại có nhiều vi khuẩn gây bệnh cho cây trồng.
 
Ghi nhớ:

- Sự suy giảm tính đa dạng sinh học biểu hiện ở 3 mặt: số lượng thành phần loài, nguồn gen quý hiếm, các kiểu hệ sinh thái. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tác động của con người.
 
- Tài nguyên đất ở nước ta đang bị suy thoái, phần lớn đang bị thoái hóa, hoang mạc hóa. Cần có các biện pháp cải tạo, bảo vệ hợp lý.
 
- Tài nguyên rừng vẫn đang bị suy thoái, khoảng 70% là rừng nghèo. Cần có các biện pháp bảo vệ tài nguyên rừng như nâng cao độ che phủ, quản lí sử dụng và phát triển rừng một cách hợp lý.
 
- Tài nguyên nước, khoáng sản, du lịch, khí hậu, biển cũng cần được sử dụng hợp lí và bảo vệ, tránh làm ô nhiễm.