Soạn bài Chiếu cầu hiền Ngô Thì Nhậm

1. Anh (chị) hãy cho biết bài chiếu gồm mấy phần và nội dung của mỗi phần. Từ đó hãy khái quát nội dung chính của một văn bản “cầu hiền”.


2. Hãy cho biết: Bài chiếu được viết nhằm đối tượng nào? Các luận điểm đưa ra để thuyết phục là gì? Có phù hợp với đối tượng không? Nhận xét về nghệ thuật lập luận của bài chiếu.


3. Qua bài chiếu anh (chị) nhận xét về tư tưởng và tình cảm của vua Quang Trung

Lời giải:

I. Tìm hiểu tác phẩm
 
1. Tác giả
- Ngô Thì Nhậm (1746-1803) hiệu lầ Hi Doãn, người huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội)
- Sau khi nhà Lê – Trịnh sụp đổ, ông theo phong trào Tây Sơn và làm Lại bộ Tả thị lang sau là Binh bộ thượng thư.
2. Tác phẩm
- “Chiếu cầu hiền” được Ngô Thì Nhậm viết thay vua Quang Trung nhằm thuyết phục sĩ phu Hà Bắc, tức các trí thức của triều đại cũ (Lê- Trịnh) ra cộng tác với triều đại Tây Sơn.
 
II. Hướng dẫn học bài
 
Câu 1. Anh (chị) hãy cho biết bài chiếu gồm mấy phần và nội dung của mỗi phần. Từ đó hãy khái quát nội dung chính của một văn bản “cầu hiền”.
 
Trả lời:
* Bố cục:
- Phần mở đầu (từ đầu đến "... ý trời sinh ra người hiền vậy"): Nêu sứ mệnh của kẻ hiền tài.
- Phần nội dung (tiếp theo đến "... vì mưu lợi mà phải bán rao."): Lời kêu gọi người hiền và những hứa hẹn về chính sách trọng dụng người hiền của nhà nước.
 - Phần kết (còn lại): Lời bố cáo.
* Nội dung chính của bài: Kể về việc Quang Trung lên ngôi và mong người hiền giúp nước. Chiếu cầu hiền là một văn kiện quan trọng thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn. 
 
Câu 2: Hãy cho biết: Bài chiếu được viết nhằm đối tượng nào? Các luận điểm đưa ra để thuyết phục là gì? Có phù hợp với đối tượng không? Nhận xét về nghệ thuật lập luận của bài chiếu.
 
Trả lời:
* Đối tượng của bài viết là các sĩ phu Bắc Hà, nhằm kêu gọi nhân tài ra giúp nước, giúp vua trong công cuộc tái thiết xây dựng triều đại mới.
* Các luận điểm:
- Người hiền xưa nay bao giờ cũng cần thiết cho công cuộc trị nước.
- Cho phép tiến cử người hiền.
- Cho phép người hiền tự tiến cử.
* Bài viết mở đầu bằng những câu văn khích lệ nói lên vai trò và sứ mệnh của người hiền. Lập luận tiếp theo là thái độ cầu thị, trọng dụng người tài của Quang Trung. Cuối cùng chính sách tuyển dụng và ưu đãi của nhà nước đối với người hiền.
- Bài chiếu này có tính mẫu mực, thể hiện trong sự chặt chẽ và tính chất logic của các luận điểm, trong sự thuyết phục khéo léo, trong cách bày tỏ thái độ khiêm tốn của người viết (cũng là người có tư tưởng chỉ đạo – vua Quang Trung)
- Các từ ngữ dùng trong bài tạo cảm giác trang trọng, thiêng liêng.
Câu 3: Qua bài chiếu anh (chị) nhận xét về tư tưởng và tình cảm của vua Quang Trung
 
Trả lời:
* Tư tưởng và tình cảm của vua Quang Trung qua bài chiếu là:
- Mọi tầng lớp nhân dân từ quan đến dân, từ quan nhỏ đến quan lớn đều có thể dâng thư bày tỏ công việc. Đó chính là chính sách lấy dân làm trọng.
- Cách tiến cử người tài hết sức thông thoáng với việc có thể tự mình bày tỏ công việc, quan tiến cử hoặc dân thư tự tiến cử.
- Lời kêu gọi chân thành những người có đức có tài hay ra phụng sự đất nước và hưởng phúc lâu dài.
=> Chiếu cầu hiền thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của vua Quang Trung trong công cuộc xây dựng đất nước sau thời phân li.