Soạn bài Tương tư Nguyễn Bính

1. Anh (chị) cảm nhận như thế nào về nỗi nhớ mong, những lời kể lể, trách móc của chàng trai trong bài thơ?
Tình cảm của chàng trai đã được đền đáp chưa?
 

2.  Theo anh (chị) cách bày tỏ tình yêu, giọng điệu thơ, cách so sánh ví von… ở bài này có đặc điểm gì đáng lưu ý?
 

3. Hoài Thanh cho rằng, thơ Nguyễn Bính có “hồn xưa của đất nước”. Qua bài Tương tư anh (chị) có đồng ý với nhận xét đó không? 

Lời giải:
I. Tìm hiểu chung
 
1. Tác giả
    - Nguyễn Bính (1918 – 1966) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, ở làng Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
  - Thơ Nguyễn Bính đem đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương, đất nước và tình người đằm thắm, thiết tha. Vì thế, Nguyễn Bính được coi là “thi sĩ của đồng quê” và có nhiều tác phẩm được truyền tụng khắp.
 
2. Tác phẩm
    - Bài Tương tư rút ra trong tập Lỡ bước sang ngang, rất tiêu biểu cho phong cách thơ “chân quê” của Nguyễn Bính.
 
II. Hướng dẫn học bài
 

Câu 1 trang 50 - SGK Ngữ văn 11 tập 2: Anh (chị) cảm nhận như thế nào về nỗi nhớ mong, những lời kể lể, trách móc của chàng trai trong bài thơ?
Tình cảm của chàng trai đã được đền đáp chưa?

Trả lời:
* Nỗi nhớ mong của chàng trai được thể hiện bằng cách nói bóng gió, xa xôi:
- Nỗi nhớ chàng dành cho nàng được xác định trong một khoảng không gian “Thôn Đoài, thôn Đông” , khi người ta tương tư, cảnh vật cũng tương tư, không gian ngập tràn nhung nhớ. Cách nói như vậy thể hiện sự ý nhị, sâu sắc của chàng trai.
- Nhà thơ sử dụng thành ngữ “chín nhớ mười mong” để tăng cấp về mức độ cảm xúc, tình cảm từ một thứ vô hình trở nên hữu hình, cụ thể.
- Khẳng định tương tư là lẽ dĩ nhiên, là tất yếu của tình yêu cũng như chuyện nắng mưa là chuyện bình thường, tất yếu của trời.
* Những lời kể, trách móc của chàng trai:
“Bảo rằng cách trở đò ngang
....
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?”.

- Nhà thơ phủ định tất cả: không xa, không cách trở, vậy mà người ấy không sang. Lời trách móc như quy kết, làm cho người con gái khó lòng chạy tội.
- Điệp từ phiếm chỉ “ai” tạo âm hưởng trùng điệp, não lòng: trạng thái quen thuộc của tương tư: suy tư, sầu muộn đến không ngủ được. Nhân vật trữ tình vừa trách móc, vừa ngẩn ngơ chờ đợi ngày được gặp người mình nhớ thương.
=> Do quá mong nhớ, tưởng mình bị hờ hững nên sinh ra ngờ vực, hờn trách.
* Nỗi nhớ da diết của chàng trai trải dài suốt tới tận cuối cùng của bài thơ nhưng tình cảm của chàng trai vẫn chưa được đền đáp.

 

Câu 2 trang 50 - SGK Ngữ văn 11 tập 2: Theo anh (chị) cách bày tỏ tình yêu, giọng điệu thơ, cách so sánh ví von… ở bài này có đặc điểm gì đáng lưu ý?

Trả lời:
* Cách bày tỏ tình yêu, giọng điệu thơ, cách so sánh, ví von,... ở bài này có những điểm đáng lưu ý:
- Cách bày tỏ tình yêu của nhân vật trữ tình kín đáo, ý nhị và có ý vị chân thành mộc mạc của chàng trai quê.
- Ngôn ngữ thơ dung dị hồn nhiên, dân dã nhưng vẫn pha chất lãng mạn mộng mơ.
- Sử dụng hệ thống ẩn dụ - hoán dụ - ước lệ một cách đặc sắc và sáng tạo.
- Hình ảnh ví von, chất liệu ngôn từ chân quê, đậm màu sắc dân gian: thôn Đoài - thôn Đông, bến – đò, hoa – bướm, trầu – cau,...→ quan niệm, ước mong về một tình yêu gắn bó, chung thủy.
- Giọng điệu nhẹ nhàng, chân thành, tha thiết.

 

Câu 3 trang 11 - SGK Ngữ văn 11 tập 2: Hoài Thanh cho rằng, thơ Nguyễn Bính có “hồn xưa của đất nước”. Qua bài Tương tư anh (chị) có đồng ý với nhận xét đó không? Vì sao?
 

Trả lời:
- Hoài Thanh cho rằng trong thơ Nguyễn Bính có “hồn xưa đất nước”. Nhận định đó rất đúng với bài Tương tư. Nó được thể hiện ở những câu thơ bình dị nhất nhưng vẫn có sức lôi cuốn.
- Bên cạnh đó, bài thơ cũng được thể hiện ở cách: bày tỏ cảm xúc, cách dùng ngôn ngữ, chất liệu, màu sắc dân gian, giàu chất “chân quê”.