Soạn bài Mùa xuân nho nhỏ

1. Đọc nhiều lần bài thơ và tìm hiểu mạch cảm xúc trong bài (gợi ý : từ cảm xúc về thiên nhiên, đất nước dẫn đến suy nghĩ, ước nguyện của tác giả). Từ việc nhận ra mạch cảm xúc, hãy nêu bố cục của bài thơ.

2. Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước đã được miêu tả như thế nào qua những hình ảnh, màu sắc, âm thanh trong hai khổ thơ đầu ? Cảm xúc của tác giả trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân đất nước như thế nào ? 

3. Phân tích đoạn thơ “Ta làm con chim hót… Dù là khi tóc bạc” (chú ý những hình ảnh biểu tượng, từ ngữ và cách diễn đạt rất gợi cảm thể hiện một ước nguyện chân thành của tác giả). Đoạn thơ ấy gợi cho em những cảm nghĩ gì về cuộc sống của mỗi con người ?

4. Bài thơ có nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gợi cảm, gần gũi với dân ca. Những yếu tố như thể thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần, điệp ngữ, … đã được sử dụng như thế nào để tạo được nhạc điệu ấy ?

5. Em hiểu thế nào về nhan đề Mùa xuân nho nhỏ ? Hãy nêu chủ đề của bài thơ.

Lời giải:
I. Đọc - Hiểu văn bản
Câu 1 trang 57 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2 : Đọc nhiều lần bài thơ và tìm hiểu mạch cảm xúc trong bài (gợi ý : từ cảm xúc về thiên nhiên, đất nước dẫn đến suy nghĩ, ước nguyện của tác giả). Từ việc nhận ra mạch cảm xúc, hãy nêu bố cục của bài thơ.
Trả lời :
- Mạch cảm xúc : Từ cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên đến mùa xuân của mỗi con người trong mùa xuân lớn của đất nước, thể hiện khát vọng được cống hiến cho đất nước.
- Bố cục :
+ Khổ 1 (gồm 6 dòng thơ) : Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên, đất trời.
+ Khổ 2, 3 : Cảm xúc về mùa xuân đất nước.
+ Khổ 4,5 : Suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ.
+ Khổ 6 : Lời ngợi ca quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.
 
Câu 2 trang 57 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2 : 
Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước đã được miêu tả như thế nào qua những hình ảnh, màu sắc, âm thanh trong hai khổ thơ đầu ? Cảm xúc của tác giả trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân đất nước như thế nào ? 
Trả lời :
Bức tranh mùa xuân thiên nhiên được hiện lên thật đẹp :
- Đó là những hình ảnh giản dị, tươi tắn.
- Âm thanh tươi vui, rộn rã của tiếng chim chiền chiện.
- Không gian cao rộng, với dòng sông, mặt đất và bầu trời bao la.
- Nhà thơ hướng tình cảm của mình đến những con người làm nên lịch sử người cầm súng -  người ra đồng.
Mùa xuân như tiếp thêm khí thế, nghị lực cho con người trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và chính họ đã làm nên mùa xuân đất nước.
Qua hai khổ thơ đầu, Thanh Hải đã thể hiện niềm trân trọng và say sưa ngây ngất của mình trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân đất nước.
 
Câu 3 trang 57 - SGK Ngữ văn 9 tập 2 : Phân tích đoạn thơ “Ta làm con chim hót… Dù là khi tóc bạc” (chú ý những hình ảnh biểu tượng, từ ngữ và cách diễn đạt rất gợi cảm thể hiện một ước nguyện chân thành của tác giả). Đoạn thơ ấy gợi cho em những cảm nghĩ gì về cuộc sống của mỗi con người ?
Trả lời :
Điều tâm niệm của nhà thơ là khát vọng hoà nhập và dâng hiến cho đời. 
- Ước nguyện ấy được thể hiện bằng những hình ảnh thơ giản dị.
- Điệp ngữ ta làm đã nhấn mạnh ước nguyện được cống hiến một cách chân thành và tha thiết. 
- Đó là khát vọng sống được hoà nhập, được cống hiến phần nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung. 
 
Câu 4 trang 57 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2 : Bài thơ có nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gợi cảm, gần gũi với dân ca. Những yếu tố như thể thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần, điệp ngữ, … đã được sử dụng như thế nào để tạo được nhạc điệu ấy ?
Trả lời :
Bài thơ có nhịp điệu trong sáng, thiết tha, gợi cảm, gần gũi với dân ca. 
- Thể thơ năm chữ gắn liền với dân ca miền Trung, có âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết. 
- Kết hợp những hình ảnh tự nhiên, giản dị với các hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát.
- Tứ thơ xoay quanh hình ảnh mùa xuân, từ mùa xuân của đất trời đến mùa xuân của quê hương đất nước. 
- Giọng điệu của bài thơ vui, say sưa ở đoạn đầu, trầm lắng, thiết tha khi bộc bạch tâm niệm, sôi nổi, tha thiết ở đoạn kết.
 
Câu 5 trang 57 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2 : Em hiểu thế nào về nhan đề Mùa xuân nho nhỏ ? Hãy nêu chủ đề của bài thơ.
Trả lời :
- “Mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tạo độc đáo, một phát hiện mới mẻ của nhà thơ. 
- Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đẹp, là biểu tượng cho những gì tinh tuý của mỗi con người.
- Thể hiện quan điểm về sự thống nhất giữa cái riêng với cái chung.
- Thể hiện ước nguyện của nhà thơ muốn làm một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước.
 
II. Luyện tập
Câu 1 trang 58 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2 : Học thuộc lòng bài thơ
 
Câu 2 trang 58 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2 : Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích.
Đoạn văn tham khảo :
                                              Một mùa xuân nho nhỏ
                                              Lặng lẽ dâng cho đời
                                              Dù là tuổi hai mươi
                                              Dù là khi tóc bạc.
Mùa xuân nho nhỏ là tác phẩm được nhà thơ Thanh Hải sáng tác vào những ngày cuối đời mình, khi ông đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ là những gửi gắm về khát vọng được sống có ích, được cống hiến cho xã hội. Đoạn thơ chính là lời tác giả bộc bạch về khát vọng của bản thân. Trong khung cảnh mùa xuân của thiên nhiên và đất nước, Thanh Hải muốn được dâng hiến “mùa xuân nho nhỏ” của bản thân mình vào mùa xuân chung của cuộc đời. Tính từ “nho nhỏ” và “lặng lẽ” đã thể hiện được đức tính khiêm tốn tốt đẹp của tác giả, ông muốn được cống hiến mà không cần được biết tới, chỉ muốn lặng lẽ đem những gì tốt đẹp nhất cho cuộc sống. Khát vọng ấy luôn luôn nguyên vẹn, cháy hừng hực nhiệt huyết cho dù là khi còn trẻ hay là khi về già. Đây chính là một thông điệp sống cao đẹp, có ý nghĩa gửi tới chúng ta.


 
+ Mở rộng xem đầy đủ