Soạn bài Làng trích

1. Truyện ngắn Làng đã xây dựng được một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở nhân vật ông Hai. Đó là tình huống nào?
2. Thuật lại diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tin làng mình theo giặc đến kết thúc truyện.
Vì sao ông Hai lại thấy đau đớn, tủi hổ khi nghe tin làng mình theo giặc? Tâm trạng ấy của nhân vật đã được biểu hiện như thế nào?
3. Em hãy đọc lại đoạn ông Hai trò chuyện với đứa con út (“Ông lão ôm thằng con út lên lòng… cũng vợi đi được đôi phần”). Vì sao ông Hai lại trò chuyện như thế với đứa con nhỏ? Qua những lời trò chuyện ấy, em cảm nhận được điều gì trong tấm lòng của ông Hai với làng quê, đất nước, với cuộc kháng chiến?
Tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở ông Hai có quan hệ như thế nào?
4. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật ông Hai của tác giả.
Lời giải:
I. TÓM TẮT
Ông Hai là người nông dân yêu và tự hào về làng chợ Dầu của mình nhưng vì chiến tranh và hoàn cảnh gia đình nên ông phải đi tản cư. Một hôm nghe ngóng được tin làng Dầu theo Tây. Tin dữ bất ngờ, ông xúc động nghẹn lời rồi chỉ biết cúi gằm mặt xuống mà đi về. Về nhà, ông nằm vật ra, ai nói gì cũng tưởng họ bàn tán về làng mình. Khi cùng đường, ông chớm có ý định quay về làng nhưng rồi ông lại xác định “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Khi chủ tịch xã lên cải chính làng Dầu không theo Tây, ông sung sướng đi khoe với tất cả mọi người.
II. BỐ CỤC
– Phần 1 (từ đầu đến “ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!”): Ông Hai khi nghe tin tức chiến đấu của quân ta, trước khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.
– Phần 2 (tiếp theo đến “cũng vợi đi được đôi phần”): Tâm trạng phức tạp của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.
– Phần 3 (đoạn còn lại): Niềm vui, niềm tự hào, xúc động của ông Hai khi nghe nghe tin làng chợ Dầu theo giặc được cải chính.
III. ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN:
Câu 1 trang 174 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Truyện ngắn Làng đã xây dựng được một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở nhân vật ông Hai. Đó là tình huống nào?
Trả lời:
- Truyện ngắn “Làng” đã xây dựng được một tình huống truyện đặc sắc: Tác giả đặt ông Hai vào một tình huống gay cấn để làm bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng, yêu nước của ông.
- Tác dụng: Đặt nhân vật vào tình huống thử thách bên trong để bộc lộ chiều sâu tâm trạng, góp phần khắc hoạ nổi bật chủ đề của truyện: Lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến lớn rộng, bao trùm lên tình yêu làng.
Câu 2 trang 174 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Thuật lại diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tin làng mình theo giặc đến kết thúc truyện.
Vì sao ông Hai lại thấy đau đớn, tủi hổ khi nghe tin làng mình theo giặc? Tâm trạng ấy của nhân vật đã được biểu hiện như thế nào?
Trả lời:
Diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tin làng mình theo giặc đến kết thúc truyện: tác giả đã đặt ông Hai vào một tình huống gay gắt để làm bộc lộ tình yêu làng, tình yêu nước của ông: (cái tin làng ông theo giặc mà chính ông nghe được từ miệng những người tản cư qua vùng.)
- Khi nghe tin dữ quá đột ngột: Nỗi đắng cay, chua chát, sững sờ xấu hổ và uất ức: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân”.
- Khi trấn tĩnh lại được phần nào: ông còn cố chưa tin nên đã hỏi để kiểm nghiệm lại: “liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ tại…”. Nhưng rồi những người dân tản cư đã kể lại rành rọt quá, niềm tự hào làng quê thế là sụp đổ tan tành trước cái tin sét đánh ấy. Ông lảng chuyện cười nhạt thếch và đi về: “cúi gằm mặt xuống mà đi”. Từ lúc ấy, trong tâm trí ông Hai là một mối ám ảnh day dứt. 
- Khi trò chuyện với vợ,  thái độ ông Hai vừa bực bội vừa đau đớn, cố kìm nén ông gắt bà vô cớ,…rồi trằn trọc, thở dài, rồi lo lắng đến mức chân tay rủn ra, nín thở, lặng nghe, không nhúc nhích, nằm im chịu trận…
- Suốt mấy ngày sau, ông không dám đi đâu. Tình yêu làng, yêu nước, yêu kháng chiến đã dẫn đến một cuộc xung đột nội tâm khi ông phải lựa chọn theo kháng chiến hay trở về làng. Cuối cùng ông đã quyết định một cách đau đớn nhưng dứt khoát: “Không thể được! Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.” Như vậy tình yêu làng dù có thiết tha mãnh liệt đến đâu, cũng không thể mạnh hơn tình yêu đất nước. 
- Khi tin dữ được cải chính: làng Dầu yêu quý của ông không phải là làng Việt gian, ông sung sướng đi khoe với mọi người việc Tây đốt nhà mình bởi ông biết làng mình vẫn là làng yêu nước, làng kháng chiến.

Câu 3 trang 174 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Em hãy đọc lại đoạn ông Hai trò chuyện với đứa con út (“Ông lão ôm thằng con út lên lòng… cũng vợi đi được đôi phần”). Vì sao ông Hai lại trò chuyện như thế với đứa con nhỏ? Qua những lời trò chuyện ấy, em cảm nhận được điều gì trong tấm lòng của ông Hai với làng quê, đất nước, với cuộc kháng chiến?
Trả lời:
Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc, ông chỉ còn biết trút nỗi lòng của mình vào những lời thủ thỉ tâm sự với đứa con nhỏ còn rất ngây thơ. Yêu làng Chợ Dầu, ông muốn khắc sâu vào trái tim bé nhỏ của con mình tình cảm với làng, với kháng chiến, với cụ Hồ, đó cũng chính là tấm lòng thuỷ chung trước sau như một với cách mạng của ông. Tính cách của ông rõ ràng là tính cách của một người ngay thẳng, trước sau như một không bao giờ có sự đơn sai: “Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai"
- Qua đoạn ông Hai trò chuyện với đứa con út  ta thấy tác giả đã bộc lộ một cách cảm động tâm trạng của ông Hai về tình yêu sâu nặng với cái làng Chợ Dầu, về tấm lòng thủy chung đối với kháng chiến, với Cụ Hồ. Có thể nói, tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở ông Hai có mối quan hệ khăng khít, bền chặt và không thể tách rời.

Câu 4 trang 174 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật ông Hai của tác giả.
Trả lời:
Tác giả rất am hiểu tâm lí của người nông dân, đặc biệt là tình cảm với làng quê. Tâm lí nhân vật ông Hai được thể hiện từ ngoại hình, cử chỉ đến ngôn ngữ, hành động, quá trình chuyển biến râm trạng nhân vật.
Ngôn ngữ nhân vật mang tính khẩu ngữ, gần gũi đều là lời ăn tiếng nói, cách nghĩ của một người nông dân gắn bó tha thiết với làng quê, thành tâm với cách mạng, kháng chiến.
IV. LUYỆN TẬP: 
Câu 1 trang 174 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Phân tích đoạn miêu tả tâm lí nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc:
- Khi nghe tin làng mình theo giặc, ông Hai cảm thấy  quá đột ngột. Nỗi đắng cay, chua chát, sững sờ xấu hổ và uất ức trào dâng: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân”. Ông còn cố chưa tin nên đã hỏi để kiểm nghiệm lại: “liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ tại…”. Nhưng rồi những người dân tản cư đã kể lại rành rọt quá, niềm tự hào làng quê thế là sụp đổ tan tành trước cái tin sét đánh ấy. Ông lảng chuyện cười nhạt thếch và đi về: “cúi gằm mặt xuống mà đi”.
- Trong đoạn văn này, tác giả đã sử dụng ngôn ngữ đối thoại và miêu tả để bộc lộ tâm lí nhân vật.
Câu 2 trang 174 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Em có nhớ truyện ngắn hay bài thơ nào cũng viết về tình cảm quê hương, đất nước? Hãy nêu nét riêng của truyện ngắn Làng so với những tác phẩm ấy.
Trả lời:
Bài “Quê hương” của Tế Hanh cũng viết về đề tài tình yêu quê hương đất nước và để lại những ấn tượng sâu sắc trong người đọc bởi những kỉ niệm, những hình ảnh mộc mạc, bình dị của làng chài nơi ông sống. So với “Quê hương” của Tế Hanh, truyện “Làng” có một số điểm khác biệt:
- Tình yêu làng ở ông Hai trở thành niềm say mê, hãnh diện thành thói quen khoe làng mình.
- Tình yêu làng phải đặt trong tình yêu nước, thống nhất với tinh thần kháng chiến khi đất nước đang bị xâm lược và cả dân tộc đang tiến hành cuộc kháng chiến.
+ Mở rộng xem đầy đủ