Soạn bài Truyện Kiều của Nguyễn Du

1. Nêu những nét chính về thời đại, gia đình, cuộc đời Nguyễn Du đã có ảnh hưởng lớn đến sáng tác Truyện Kiều.

2. Kể tóm tắt Truyện Kiều theo ba phần của tác phẩm.

Lời giải:
I. Đọc - hiểu:
Câu 1 trang 80 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Nêu những nét chính về thời đại, gia đình, cuộc đời Nguyễn Du đã có ảnh hưởng lớn đến sáng tác Truyện Kiều.
Trả lời:
Những nét chính về thời đại, gia đình, cuộc đời Nguyễn Du có ảnh hưởng đến việc sáng tác Truyện Kiều:
- Thời đại:  Nguyễn Du sinh trưởng trong một thời đại có nhiều biến động dữ dội: Xã hội phong kiến Việt Nam bước vào thời kì khủng hoảng trầm trọng, phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra liên tục mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Những thay đổi kinh thiên động địa ấy đã tác động mạnh tới tình cảm, nhận thức của Nguyễn Du để ông hướng ngòi bút vào hiện thực.
- Gia đình: Thuộc dòng dõi đại quý tộc phong kiến, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học (danh vọng vào bậc nhất đương thời). Cha đỗ tiến sĩ từng làm quan tể tướng trong triều Lê và là người say mê nghệ thuật. Hoàn cảnh gia đình đã ảnh hưởng đến sự nảy nở thiên tài Nguyễn Du. Ông tiếp nhận được nhiều điều trong đó có truyền thống sáng tác văn chương và nhận thức được nhiều điều về thế giới quan lại đương thời.
-  Cuộc đời: Nhà thơ mồ côi cha năm 9 tuổi, mồ côi mẹ năm 12 tuổi. Trong những biến động dữ dội của lịch sử, nhà thơ đã sống nhiều năm lưu lạc, tiếp xúc với nhiều cảnh đời, con người khác nhau. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông làm quan bất đắc dĩ với triều nhà Nguyễn và từng được cử đi sứ Trung Quốc, qua nhiều vùng đất Trung Hoa rộng lớn với nền văn hoá rực rỡ. Nguyễn Du là người thông minh, tài trí, hiểu biết sâu rộng về văn hoá dân tộc và văn chương Trung Quốc. Sự từng trải trong cuộc đời đã tạo cho Nguyễn Du một vốn sống phong phú và một trái tim biết yêu thương, thông cảm sâu sắc với những đau khổ của nhân dân. 
Câu 2 trang 80 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Kể tóm tắt Truyện Kiều theo ba phần của tác phẩm.
Trả lời:
Tóm tắt Truyện Kiều
- Phần 1: Gặp gỡ và đính ước: Gia đình Vương viên ngoại thuộc tầng lớp trung lưu, có 3 người con: Thuý Kiều, Thuý Vân và Vương Quan. Thuý Kiều nổi tiếng tài sắc. Trong tiết thanh minh tảo mộ, nàng gặp Kim Trọng, một người hào hoa phong nhã. Sau đó hai người thề nguyện đính ước thuỷ chung với nhau suốt đời.
- Phần 2: Gia biến và lưu lạc: Khi Kim Trọng về hộ tang chú, gia đình Kiều mắc oan. Kiều phải dứt tình với Kim Trọng, bán mình cứu cha và em. Nàng rơi vào tay Mã Giám Sinh, Tú Bà, bọn trùm lầu xanh. Đau khổ, Kiều tự vẫn nhưng không chết. Nàng bị lừa trốn cùng Sở Khanh, bị bắt lại, bị đánh đập, nàng đành chịu tiếp khách. Ở lầu xanh, nàng gặp Thúc Sinh, một người buôn bán giàu có, chuộc nàng làm vợ lẽ. Nhưng chưa được một năm lại bị mẹ con Hoạn Thư – vợ cả bày mưu bắt về đánh đập và bắt làm con ở. Khi Thúc Sinh trở về, nàng bị bắt hầu đàn, hầu rượu rồi ra ở Quan Âm các. Lo sợ, Kiều lại bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư nhưng lại rơi vào lầu xanh khác. Ở đó, Kiều gặp Từ Hải, người anh hùng trí dũng. Nhờ uy danh Từ Hải, Kiều đã báo ân trả oán. Chẳng được bao lâu, Từ Hải mắc mưu Hồ Tôn Hiến chết đứng, Kiều bị làm nhục, ép gả cho Thổ Quan. Quá tủi nhục, Kiều tự vẫn ở sông Tiền Đường nhưng được sư Giác Duyên cứu sống.
- Phần 3: Đoàn tụ: Lại nói về Kim Trọng, khi biết Thuý Kiều đã bán mình, cho dù gia đình đã gả Thuý Vân cho nhưng chàng vẫn không nguôi nhớ Kiều. Sau khi đã đỗ đạt làm quan, Kim Trọng đã cất công đi tìm Kiều về. Đến sông Tiền Đường, biết nàng tự vẫn, Kim Trọng đã lập đàn giải oan. Tình cờ sư Giác Duyên ngang qua giúp Kiều đoàn tụ với gia đình. Gia đình lại ép Kiều nối lại duyên xưa với Kim Trọng. Từ chối không được nàng đành thuận tình nhưng xin Kim Trọng đổi tình vợ chồng thành tình bạn bè.
+ Mở rộng xem đầy đủ