Soạn bài Tôi và chúng ta trích cảnh ba - SGK môn Ngữ văn 9 tập 2
I. Hướng dẫn trả lời câu hỏi SGK
1. Đọc kĩ các chú thích để hiểu nội dung, chủ đề vở kịch, hiểu vị trí của các nhân vật.
2. Từ phần chú thích và đoạn trích này, em hiểu mâu thuẫn cơ bản mà vở kịch Tôi và chúng ta thể hiện là gì? Ý nghĩa của nó đối với thực tiễn phát triển của xã hội ta thời kì ấy như thế nào?
3. Muốn thể hiện sự phát triển của xung đột kịch, tác giả cần tạo được tình huống. Trong cảnh ba này, tình huống đó là gì? Mâu thuẫn cơ bản của tác phẩm đến đây bộc lộ như thế nào?
4. Qua đoạn trích, em hiểu như thế nào về tính cách của Giám đốc Hoàng Việt, kĩ sư Lê Sơn, Phó Giám đốc Nguyễn Chính, Quản đốc phân xưởng Trương?
5. Em có cảm nhận gì về xu thế phát triển và kết thúc của xung đột kịch?
II - Luyện tập
1. Tóm tắt sự phát triển của mâu thuẫn kịch trong đoạn trích trên
* Tóm tắt văn bản:
Đoạn trích thuộc cảnh 3 của vở kịch “Tôi và chúng ta”. Trong trích đoạn này, tác giả đã diễn tả cuộc xung đột trực tiếp đầu tiên giữa phái khát khao đổi mới (đại diện là Giám đốc Hoàng Việt) với phái bảo thủ (đại diện là Phó giám đốc Nguyễn Chính) khi họ công khai bộc lộ quan điểm về sự thay đổi phương thức tổ chức, lề lối hoạt động sản xuất ở xí nghiệp Thắng Lợi. Cuộc tranh luận về vấn đề này đã làm bật ra một thực tế đã từng tồn tại trong thời bao cấp: các chỉ tiêu, kế hoạch được đề ra theo những cách thức chủ quan, áp đặt, hoàn toàn không căn cứ vào thực tế sản xuất.
* Bố cục: 3 phần
- Phần 1: Cuộc họp trình bày kế hoạch mở rộng sản xuất và phương án làm ăn mới của xí nghiệp Thắng Lợi
- Phần 2: Cuộc đối thoại giữa Nguyễn Chính và Hoàng Việt.
I - Trả lời câu hỏi trong SGK:
Câu 1 - Trang 180 SGK ngữ văn 9 tập 2: Đọc kĩ các chú thích để hiểu nội dung, chủ đề vở kịch, hiểu vị trí của các nhân vật.
Trả lời:
Đọc kĩ các chú thích để hiểu nội dung và chủ đề vở kịch, hiểu vị trí của các nhân vật:
- Nội dung: Cuộc đấu tranh gay gắt giữa tư tưởng tiến bộ, mạnh dạn đổi mới với tư tưởng bảo thủ, lạc hậu.
- Chủ đề: Vở kịch đề cập đến vấn đề coi trọng thực tiễn, coi trọng hiệu quả thiết thực của công việc và quan tâm đến quyền lợi, cuộc sống của mỗi cá nhân con người trong xây dựng tập thể.
- Vị trí các nhân vật: chia làm 2 phái
+ Phái đổi mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của xí nghiệp và quyền lợi của người lao động (Giám đốc Hoàng Việt, Thanh, Lê Sơn, và đa số anh chị em công nhân)
+ Phái bảo thủ, khư khư giữ lấy các nguyên tắc, quy chế đã xơ cứng, lạc hậu (Nguyễn Chính, Trương, Trần Khắc)
Câu 2 - Trang 180 SGK ngữ văn 9 tập 2: Từ phần chú thích và đoạn trích này, em hiểu mâu thuẫn cơ bản mà vở kịch Tôi và chúng ta thể hiện là gì? Ý nghĩa của nó đối với thực tiễn phát triển của xã hội ta thời kì ấy như thế nào?
Trả lời:
Qua đối tượng cụ thể là xí nghiệp Thắng Lợi, vở kịch “Tôi và chúng ta” phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt để thay đổi phương thức quản lí, tổ chức, lề lối hoạt động sản xuất trên đất nước ta những năm đổi mới. Khi nhiệm vụ chính đã được xác định, các nguyên tắc, quy chế, các phương thức sản xuất cũ đã trở nên quá lạc hậu, lỗi thời. Để phát triển sản xuất, cần thay đổi tư duy, thay đổi phương thức quản lí, tổ chức,… từ đó đổi mới cách làm, đổi mới tư duy quản lí cũng như sản xuất.
Mâu thuẫn cơ bản của vở kịch “Tôi và chúng ta” trong đoạn trích chính là mâu thuẫn giữa những suy nghĩ, cách làm ăn mới mẻ với những cơ chế, cách làm ăn đã quá cũ kĩ, lỗi thời. Đây là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng và rất phổ biến bởi nó xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc. Không thay đổi cơ chế quản lí, không kích thích được người lao động nhiệt tình tham gia vào công việc và đóng góp công sức vào sự nghiệp chung.
Đặt trong tình hình đất nước ta những năm bấy giờ, vấn đề “Tôi và chúng ta” đặt ra có ý nghĩa thực tiễn thật lớn lao. Nó là vấn đề cấp thiết từ thực tế đời sống, thực tế xã hội và có ý nghĩa trực tiếp đối với sự phát triển của đất nước.
Câu 3 - Trang 180 SGK ngữ văn 9 tập 2: Muốn thể hiện sự phát triển của xung đột kịch, tác giả cần tạo được tình huống. Trong cảnh ba này, tình huống đó là gì? Mâu thuẫn cơ bản của tác phẩm đến đây bộc lộ như thế nào?
Trả lời:
Tình huống kịch và mâu thuẫn cơ bản ở đoạn trích: Tình trạng trì trệ trong sản xuất của xí nghiệp Thắng Lợi đã đến lúc phải giải quyết bằng các quyết định táo bạo và toàn diện. Giám đốc Hoàng Việt cùng kĩ sư Lê Sơn công bố kế hoạch mở rộng sản xuất và phương án làm ăn mới theo tinh thần năng động, tự chủ. Kế hoạch ấy được công nhân hưởng ứng nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của phái bảo thủ.
Mâu thuẫn của vở kịch ngày càng phát triển, tình huống căng thẳng dẫn đến xung đột:
- Phản ứng liên quan đến biên chế, quỹ lương
- Phản ứng liên quan đến hiệu quả tổ chức
- Phản ứng liên quan đến nguyên tắc, nghị quyết của xí nghiệp
Những xung đột gay gắt trên chứng tỏ muốn mở rộng quy mô sản xuất cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ và đồng bộ.
Câu 4 - Trang 180 SGK ngữ văn 9 tập 2: Qua đoạn trích, em hiểu như thế nào về tính cách của Giám đốc Hoàng Việt, kĩ sư Lê Sơn, Phó Giám đốc Nguyễn Chính, Quản đốc phân xưởng Trương?
Trả lời:
Tính cách của các nhân vật thể hiện qua đoạn trích:
- Giám đốc Hoàng Việt là một người lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, táo bạo, dám nghĩ dám làm vì sự nghiệp chung của nhà máy cũng như quyền lợi của anh em công nhân.
- Lê Sơn cũng là một kĩ sư có năng lực, có trình độ chuyên môn giỏi, từng gắn bó nhiều năm cùng xí nghiệp. Dù biết khó khăn nhưng anh vẫn chấp nhận, sẵn sàng cùng Hoàng Việt cải tiến toàn bộ hoạt động của đơn vị.
- Phó giám đốc Nguyễn Chính tiêu biểu cho loại người bảo thủ nhưng cũng rất khôn ngoan, nhiều mánh khóe. Anh ta luôn vin vào cơ chế, không muốn đổi thay những nguyên tắc dù đã rất lạc hậu.
- Quản đốc Trương là người suy nghĩ và làm việc như một cái máy, thiếu tình người, thích tỏ ra quyền thế, hách dịch với chị em công nhân.
Câu 5 - Trang 180 SGK ngữ văn 9 tập 2: Em có cảm nhận gì về xu thế phát triển và kết thúc của xung đột kịch?
Trả lời:
Cuộc đấu tranh trong “Tôi và chúng ta” là cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái cũ và cái mới. Đó là vấn đề nóng bỏng của thực tiễn đời sống sinh động. Tuy gay go nhưng cuối cùng phần thắng sẽ thuộc về cái mới, cái tiến bộ. Cách làm việc, những chủ trương đổi mới của Hoàng Việt, Lê Sơn, Thanh,… phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, với nguyện vọng của anh em trong xí nghiệp, bởi vậy, những chủ trương ấy luôn được mọi người ủng hộ.
II - LUYỆN TẬP:
Câu 1 - Trang 180 SGK ngữ văn 9 tập 2: Tóm tắt sự phát triển của mâu thuẫn kịch trong đoạn trích trên
Trả lời:
Tóm tắt sự phát triển của mâu thuẫn kịch trong đoạn trích:
Sau một năm về làm quyền Giám đốc xí nghiệp Thắng Lợi, Hoàng Việt đã quyết định củng cố xí nghiệp và thực thi phương án làm ăn mới, dứt khoát không tuân thủ theo những lối mòn, các nguyên tắc lạc hậu đã kìm hãm sự phát triển của xí nghiệp. Những ý kiến của Hoàng Việt về kế hoạch mở rộng sản xuất và phương án làm ăn mới của xí nghiệp không được sự đồng thuận và chia sẻ của những người bảo thủ đang là cộng sự của mình. Những mâu thuẫn đó đã tạo nên xung đột kịch, những mâu thuẫn dồn dập giữa hai tuyến nhân vật tiên tiến và bảo thủ đã làm cho cảnh diễn trở nên hấp dẫn.