Soạn bài Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự

I. TÌM HIỂU YẾU TỐ MIÊU TẢ NỘI TÂM TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ

1. Đọc lại đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, trang 93 và thực hiện các yêu cầu sau:

a) Tìm những câu thơ tả cảnh và những câu thơ miêu tả tâm trạng của Thúy Kiều.

b) Những câu thơ tả cảnh có mối quan hệ như thế nào với việc thể hiện nội tâm nhân vật?
c) Miêu tả nội tâm có tác dụng như thế nào đối với việc khắc họa nhân vật trong văn bản tự sự?
2. Đọc đoạn văn sau và nhận xét cách miêu tả nội tâm nhân vật của tác giả.
       Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít.
(Nam Cao, Lão Hạc)
 
II. LUYỆN TẬP
1. Thuật lại đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, trang 97 bằng văn xuôi, chú ý miêu tả nội tâm của nàng Kiều.
2. Hãy đóng vai nàng Kiều viết đoạn văn kể lại việc báo ân báo oán, trong đó bộc lộ trực tiếp tâm trạng của Kiều lúc gặp Hoạn Thư.
3. Ghi lại tâm trạng của em sau khi để xảy ra một chuyện có lỗi đối với bạn.
Lời giải:

Câu 1 trang 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Đọc lại đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, trang 93 và thực hiện các yêu cầu sau:

a) Tìm những câu thơ tả cảnh và những câu thơ miêu tả tâm trạng của Thúy Kiều.

b) Những câu thơ tả cảnh có mối quan hệ như thế nào với việc thể hiện nội tâm nhân vật?
c) Miêu tả nội tâm có tác dụng như thế nào đối với việc khắc họa nhân vật trong văn bản tự sự?
Trả lời: 
a) - Những câu thơ tả cảnh là:
+ “Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”
+ “Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
………..
Âm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
- Những câu thơ tả tâm trạng là:
+ “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương những luống rày trông mai chờ
…………….…
Có khi gốc tử đã mười người ôm”
b) Những câu thơ tả cảnh có mối quan hệ mật thiết với việc thể hiện nội tâm nhân vật. Những câu thơ tả cảnh thiên nhiên hoang vắng, mênh mông quanh lầu Ngưng Bích cho thấy tâm trạng cô đơn của Kiều. Những câu thơ tả cảnh ở phần 3 là cảnh bát ngát, rộng lớn, đơn điệu cho thấy tâm trạng lo âu, khiếp sợ của Kiều.
c) Miêu tả nội tâm có tác dụng khắc hoạ chân dung tinh thần của nhân vật, tái hiện những rung động tinh tế trong tư tưởng, tình cảm của nhân vật.
 
Câu 2 trang 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1: 
Đọc đoạn văn sau và nhận xét cách miêu tả nội tâm nhân vật của tác giả.
       Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít.
(Nam Cao, Lão Hạc)
Trả lời:
    Đoạn văn miêu tả nội tâm của Lão Hạc thông qua cách miêu tả gián tiếp: qua nét mặt, cử chỉ…để giúp người đọc thấy được tâm trạng đau khổ, day dứt, ân hận của Lão Hạc khi phải bán chó.
 
Ghi nhớ:
+ Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự là tái hiện những ý nghĩ, cảm xúc và diễn biến tâm trạng của nhân vật. Đó là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật, làm cho nhân vật sinh động.
+ Người ta có thể miêu tả nội tâm trực tiếp bằng cách diễn tả những ý nghĩ, cảm xúc, tình cảm của nhân vật, cũng có thể miêu tả nội tâm gián tiếp bằng cách miêu tả cảnh vật, nét mặt, cử chỉ, trang phục, ...của nhân vật.
 
II. LUYỆN TẬP
Câu 1 trang 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Thuật lại đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, trang 97 bằng văn xuôi, chú ý miêu tả nội tâm của nàng Kiều.
Trả lời:    
    Sau khi Kiều quyết định bán mình chuộc cha, một mụ mối đã đưa một người đàn ông đến nhà Kiều. Đó là một gã ngoài bốn mươi tuổi, ăn mặc chải chuốt, đỏm dáng. Khi vào tới nhà Vương ông, gia chủ chưa kịp mời thì gã đã tót tên ghế trên một cách ngạo mạn, xấc xược. Đến khi chủ nhà hỏi han, trò chuyện thì gã đã bộc lộ rõ chân tướng của một kẻ vô học bằng những câu trả lời cộc cằn, thô lỗ. Hắn tham gia cuộc mua bán, mặc cả, trả giá nàng Kiều như một món hàng. Kiều chết lặng trong sự tủi nhục, ê chề, đớn đau. Nàng đâu ngờ cuộc đời mình lại có lúc như thế! Chao ôi, một người con gái tài sắc vẹn toàn, đoan trang hiếu thảo mà cũng chỉ đáng giá “ngoài bốn trăm” trong cuộc đời đen bạc!
 
Câu 2 trang 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Hãy đóng vai nàng Kiều viết đoạn văn kể lại việc báo ân báo oán, trong đó bộc lộ trực tiếp tâm trạng của Kiều lúc gặp Hoạn Thư.
Trả lời:
    Cuối cùng thì ngày ta mong chờ cũng đã đến, ngày ta được báo ân trả oán với những người đã đi qua những ngày tháng dâu bể của cuộc đời ta. Người đầu tiên mà ta mời tới là chàng Thúc Sinh. Ta nhắc lại với chàng những chuyện đã qua ở Lâm Tri và gửi chàng lụa là, gấm vóc đền ơn cho chàng đã đưa ta ra khỏi chốn lầu xanh ô nhục. Và khi Hoạn Thư xuất hiện, bao cảm xúc đã trào dâng trong lòng ta. Đó là sự hả hê khi được nhìn thấy kẻ chà đạp mình giờ đây phải khom lưng quỳ gối, sợ hãi khẩn cầu. Nhưng rồi Hoạn Thư cũng đã nhanh chóng lấy được bình tĩnh và tự bào chữa cho mình bằng những lí lẽ sắc sảo. Quả đúng là một người đàn bà hiếm có trong cuộc đời. Trước sự nhũn nhặn, ân hận chân thành của Hoạn Thư, ta cũng thấy mủi lòng và quyết định tha bổng cho bà ta.
Câu 3 trang 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Ghi lại tâm trạng của em sau khi để xảy ra một chuyện có lỗi đối với bạn.
Trả lời:
    Hôm nay, mình đã thật hèn nhát, đáng khinh. Chính mình là người đầu têu ra trò mang con chuột chết vào lớp để bỏ vào cặp sách của Giang. Mình nghĩ là chỉ đùa một chút thôi. Giang vốn là một lớp trưởng nghiêm khắc, cứng rắn đến lạnh lùng trước những lần vi phạm nội quy của bọn con trai nghịch ngợm trong lớp. Mình nghĩ đơn giản là trêu nó một chút để nó chừa thói hay dùng “quyền lực” của lớp trưởng để làm cho mình bị phạt. Ai ngờ nó lại sợ một con chuột chết đến thế! Nhìn nó nước mắt vòng quanh, mặt mày tái mét khi phát hiện ra con chuột trong cặp mà mình cũng thấy ân hận vì đã đùa quá đáng. Mình đã không đủ can đảm để nhận trách nhiệm... Mình phải làm thế nào bây giờ?...
+ Mở rộng xem đầy đủ