Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích trích Truyện Kiều

1. Em hãy tìm hiểu cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu:

– Đặc điểm của không gian trước lầu Ngưng Bích (chú ý không gian mở ra theo chiều rộng, chiều xa, chiều cao qua cái nhìn của nhân vật).
– Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều (chú ý hình ảnh trăng, “mây sớm đèn khuya”).
– Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Thúy Kiều đang ở trong hoàn cảnh, tâm trạng như thế nào? Từ ngữ nào góp phần diễn tả hoàn cảnh và tâm trạng ấy?
2. Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều.
a) Trong cảnh ngộ của mình nàng đã nhớ tới ai? Nàng nhớ ai trước, ai sau? Nhớ như thế có hợp lí không, vì sao?
b) Cùng là nỗi nhớ nhưng lại là cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên thể hiện cũng khác nhau. Em hãy phân tích việc dùng từ ngữ, hình ảnh của tác giả để làm sáng tỏ điều đó.
c) Em có nhận xét gì về tấm lòng Thúy Kiều qua nỗi nhớ thương của nàng?
3. Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạng.
a) Cảnh là thực hay hư? Mỗi cảnh vật có nét riêng đồng thời lại có nét chung để diễn tả tâm trạng Kiều. Em hãy phân tích và chứng minh điều đó.
b) Em có nhận xét gì về cách dùng điệp ngữ của Nguyễn Du trong tám câu thơ cuối? Cách dùng điệp ngữ ấy góp phần diễn tả tâm trạng như thế nào?
Lời giải:
I. ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

Câu 1 trang 95 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Em hãy tìm hiểu cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu:

– Đặc điểm của không gian trước lầu Ngưng Bích (chú ý không gian mở ra theo chiều rộng, chiều xa, chiều cao qua cái nhìn của nhân vật).
– Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều (chú ý hình ảnh trăng, “mây sớm đèn khuya”).
– Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Thúy Kiều đang ở trong hoàn cảnh, tâm trạng như thế nào? Từ ngữ nào góp phần diễn tả hoàn cảnh và tâm trạng ấy?
Trả lời:
Cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu: 
Hai chữ khoá xuân (cách nói ẩn dụ) cho thấy Kiều ở lầu Ngưng Bích thực chất là bị giam lỏng. Cảnh non xa, trăng gần như gợi lên hình ảnh lầu Ngưng Bích cô độc, chơi vơi giữa mênh mang trời nước. Từ lầu Ngưng Bích nhìn ra chỉ thấy những dãy núi mờ xa, những cồn cát bụi bay mịt mù. Trong cảnh ngộ ấy, nàng cảm thấy mình trơ trọi giữa không gian mênh mông hoang vắng. Bốn bề bát ngát xa trông. Câu thơ 6 chữ, chữ nào cũng gợi lên sự rợn ngợp của không gian. Hình ảnh non xa, trăng gần, cát vàng, bụi hồng có thể là cảnh thực mà cũng có thể là hình ảnh mang tính ước lệ để gợi lên sự mênh mông, hoang vắng, tai ương rình rập quanh Kiều. Cụm từ mây sớm đèn khuya gợi thời gian tuần hoàn, khép kín. Thời gian cũng như không gian giam hãm, bủa vây lấy con người. Sớm và khuya, ngày và đêm, Kiều thui thủi quê người một thân. Nàng chỉ còn biết làm bạn với mây sớm đèn khuya. Đối diện với mây, đèn càng thấm thía cái bẽ bàng, tủi hổ của thân phận. Cảnh ấy, tình ấy làm lòng Thuý Kiều tan nát. Nàng rơi vào cảnh cô đơn tuyệt đối.
 
Câu 2 trang 95 SGK Ngữ văn 9 tập 1:
 Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều.
a) Trong cảnh ngộ của mình nàng đã nhớ tới ai? Nàng nhớ ai trước, ai sau? Nhớ như thế có hợp lí không, vì sao?
b) Cùng là nỗi nhớ nhưng lại là cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên thể hiện cũng khác nhau. Em hãy phân tích việc dùng từ ngữ, hình ảnh của tác giả để làm sáng tỏ điều đó.
c) Em có nhận xét gì về tấm lòng Thúy Kiều qua nỗi nhớ thương của nàng?
Trả lời:
Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ người yêu và cha mẹ của Kiều.
a. Trước hết, nàng đau đớn nhớ tới chàng Kim. Điều này phù hợp với quy luật tâm lí, vừa thể hiện sự tinh tế của ngòi bút Nguyễn Du. Kim Trọng là mối tình đầu của Kiều nên nỗi nhớ luôn thường trực trong trái tim nàng. Mặt khác, với cha mẹ, Kiều đã phần nào đáp đền chữ hiếu khi bán mình để cứu gia đình, còn với Kim Trọng, Kiều luôn day dứt, dằn vặt vì thấy mình đã phụ người yêu dấu.
b. Cách thể hiện nỗi nhớ  chàng Kim và cha mẹ của Kiều cũng được nhà thơ miêu tả rất khác nhau. Nhớ người yêu, Kiểu tưởng như thấy lại lời thề đôi lứa tưởng người dưới nguyệt chén đồng. Nàng xót xa ân hận khi hình dung cảnh người yêu hướng về mình, đêm ngày đau đáu chờ tin mà uổng công vô ích tin sương luống những rày trông mai chờ. Lời thơ như có nhịp thổn thức của một trái tim yêu thương nhỏ máu. Câu thơ Tấm son gột rửa bao giờ cho phai (tấm son là hình ảnh ẩn dụ) có thể hiểu là tấm lòng son sắt nhớ thương Kim Trọng không bao giờ nguôi quên hoặc tấm lòng son sắt, tình yêu thuỷ chung, thiết tha. Trong nỗi nhớ ấy có cả sự đau đớn vò xé tâm can.
Đối với cha mẹ, Kiều là người con tình cảm, ơn nghĩa sâu nặng, lòng hiếu thảo bền chặt. Nghĩ về cha mẹ, lòng Kiều ngập tràn thương xót. Nàng xót thương cho cha mẹ già sớm chiều tựa cửa ngóng tin con. Nàng lo lắng không ai phụng dưỡng, đỡ đần cha mẹ thay mình lúc cha mẹ tuổi già sức yếu. Nàng tưởng tượng nơi quê nhà tất cả đã đổi thay có khi gốc tử đã vừa người ôm nghĩa là cha mẹ ngày một thêm già yếu. Sân Lai cách mấy nắng mưa gợi không gian dài đằng đẵng vừa gợi sự cách trở đồng thời vừa nói được sự tàn phá của nắng mưa với cảnh vật, con người. Thành ngữ quạt nồng ấp lạnh cùng với điển cố sân Lai, gốc tử đều nói lên tâm trạng nhớ thương và tấm lòng hiếu thảo của Kiều dành cho cha mẹ. Lần nào nhớ về cha mẹ, Kiều cũng nhớ ơn chín chữ cao sâu và luôn đau xót vì mình đã bất hiếu không thể chăm sóc được cha mẹ.
c. Trong cảnh ngộ ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng thương nhất nhưng nàng đã quên đi cảnh ngộ bản thân để nghĩ về Kim Trọng, thương xót cha mẹ. Qua nỗi nhớ thương của Kiều, ta thấy nàng là một người tình thuỷ chung, một người con hiếu thảo, một con người có tấm lòng nhân hậu, vị tha.
 
Câu 3 trang 96 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạng.
a) Cảnh là thực hay hư? Mỗi cảnh vật có nét riêng đồng thời lại có nét chung để diễn tả tâm trạng Kiều. Em hãy phân tích và chứng minh điều đó.
b) Em có nhận xét gì về cách dùng điệp ngữ của Nguyễn Du trong tám câu thơ cuối? Cách dùng điệp ngữ ấy góp phần diễn tả tâm trạng như thế nào?
Trả lời:
Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạng: 
a. Đoạn thơ này được xem là kiểu mẫu của lối thơ tả cảnh ngụ tình trong văn chương cổ điển. Để diễn tả tâm trạng Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để khắc hoạ tâm trạng của Kiều lúc bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Mỗi hình ảnh thiên nhiên đồng thời cũng là một ẩn dụ về tâm trạng con người – một nỗi buồn khác nhau của Kiều và nỗi buồn đó ngày càng mãnh liệt hơn, ghê gớm hơn. Hình ảnh thuyền ai thấp thoáng nơi cửa bể chiều hôm, gợi nỗi nhớ nhà, và khát khao sum họp gia đình của Kiều. Hình ảnh ngọn nước, hoa trôi man mác giữa dòng gợi nỗi buồn về số phận trôi nổi, lênh đênh, không biết đi đâu về đâu. Hình ảnh nội cỏ rầu rầu giữa Chân mây mặt đất một mầu xanh xanh gợi tả tâm trạng bi thương về một tương lai mờ mịt. Âm thanh dữ dội của thiên nhiên với gió cuốn mặt duyền , ầm ầm tiếng sóng cho thấy tâm trạng lo sợ hãi hùng trước những tai hoạ đang rình rập nàng.
b. Cách sử dụng ngôn ngữ độc thoại, câu hỏi tu từ và điệp ngữ buồn trông đứng đầu câu lục như đem lại cho đoạn thơ nhịp điệu chậm rãi, âm hưởng trầm lắng, như khắc sâu nỗi buồn dằng dặc, triền miên, chồng chất kéo dài như những lớp sóng trào đang dồn dập, tới tấp xô đến cuộc đời Kiều. Đoạn thơ như một dự báo về chuỗi ngày khủng khiếp, đau thương chờ đợi Kiều ở phía trước.
II. LUYỆN TẬP:
Câu 1 trang 96 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Thế nào là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình? Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối (“Buồn trông cửa bể chiều hôm… Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”).
Trả lời:
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình: là mượn cảnh vật để gửi gắm tâm trạng. Cảnh không đơn thuần là bức tranh thiên nhiên mà còn là bức tranh tâm trạng. Cảnh ở đây là phương tiện miêu tả còn tâm trạng là mục đích miêu tả.
- Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối: 
Tám câu thơ cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thể hiện tâm trạng buồn lo của Kiều qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Trước hết là hình ảnh thuyền ai thấp thoáng nơi cửa bể chiều hô, gợi thân phận nhỏ bé, chìm nổi vô định, gợi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và khát khao sum họp gia đình của Kiều. Hình ảnh ngọn nước, hoa trôi man mác giữa dòng gợi nỗi buồn về số phận trôi nổi, lênh đênh, không biết đi đâu về đâu. Rồi tiếp đến là hình ảnh nội cỏ rầu rầu giữa Chân mây mặt đất một mầu xanh xanh gợi tả tâm trạng bi thương về một tương lai mờ mịt. Nhìn ra phía này thấy buồn, ngoảnh mặt sang phía khác lại càng buồn hơn và dường như nỗi buồn càng lúc càng tăng, càng dồn dập. Âm thanh dữ dội của thiên nhiên với gió cuốn mặt duyền , ầm ầm tiếng sóng cho thấy tâm trạng lo sợ hãi hùng trước những tai hoạ đang rình rập nàng.  Cảnh được nhìn từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, nỗi buồn man mác, mông lung đến lo âu kinh sợ.  Cách sử dụng ngôn ngữ độc thoại, câu hỏi tu từ và điệp ngữ buồn trông đứng đầu câu lục như đem lại cho đoạn thơ nhịp điệu chậm rãi, âm hưởng trầm lắng, như khắc sâu nỗi buồn dằng dặc, triền miên, chồng chất kéo dài như những lớp sóng trào đang dồn dập, tới tấp xô đến cuộc đời Kiều. Đoạn thơ như một dự báo về chuỗi ngày khủng khiếp, đau thương chờ đợi Kiều ở phía trước.
+ Mở rộng xem đầy đủ