- Bối cảnh không gian.
- Hoàn cảnh éo le và tâm trạng của hai nhân vật cha và con.
Trong bối cảnh không gian và tâm trạng ấy, lời khuyên của người cha có ý nghĩa như thế nào ?
- Tìm hiểu sức gợi cảm của đoạn thơ (chú ý cách biểu hiện cảm xúc của tác giả và cả bối cảnh tâm trạng của người đương thời vào đầu những năm 20 của thế kỉ XX)
A. Bố cục
Gồm 3 phần :
- Phần 1 (8 câu thơ đầu) : Cảnh sầu thảm đất Bắc trời Nam khi giặc xâm lược.
- Phần 2 (20 câu thơ tiếp) : Tội ác của giặc Minh và tiếng khóc xót thương vận nước.
- Phần 3 (8 câu cuối) : Lời căn dặn của cha về trách nhiệm với đất nước.
B. Thể loại
Song thất lục bát là thể thơ cách luật cổ điển thuần tuý của Việt Nam. Đơn vị cơ bản là một khổ thơ gồm hai câu bảy chữ và hai câu sáu tám tiếp theo. Nếu mở đầu bằng hai câu sáu tám trước thì gọi là lục bát gián thất. Trừ điểm sai biệt rất nhỏ này, lục bát gián thất hoàn toàn thống nhất với song thất lục bát về cội nguồn cũng như cách luật. Song thất lục bát, do đó, có thể được xem là một thuật ngữ chung.
Song thất lục bát được hình thành trên cơ sở tổ hợp thể thơ lục bát nhưng không phải với thể thất ngôn của Trung Quốc mà với lối thơ bảy tiếng vốn có của Việt Nam.
I. Đọc - Hiểu văn bản
Câu 1 trang 162 - SGK Ngữ văn 8 tập 1 : Đọc diễn cảm đoạn thơ. Em có nhận xét gì về giọng điệu của đoạn thơ này ? Thể thơ truyền thống song thất lục bát (mà em đã làm quen qua đoạn trích tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc học ở lớp 7) đã góp phần vào việc thể hiện giọng điệu đó như thế nào ?
Đây là lời trăn trối của người cha với con trước giờ vĩnh biệt, trong bối cảnh đau thương nước mất, nhà tan. Nó nặng ân tình và cũng tràn đầy nỗi xót xa, đau đớn. Phù hợp với nội dung này một giọng thơ rất lâm li, thống thiết, nhiều lời cảm thán. Với thể thơ song thất lúc bát, cách ngắt nhịp và những thanh trắc nằm ở giữa hai câu 7 chữ, kết hợ với âm điệu của câu lục bát làm cho nhạc tính của từng khổ thơ trở nên phong phú hơn, rất thích hợp để diễn tả những tiếng lòng sâu thẳm hay là những nỗi giận dữ, oán than.
Có thể nói thành công đầu tiên của bài Hai chữ nước nhà chính là ở sự lựa chọn thể thơ thích hợp.
Câu 2 trang 162 - SGK Ngữ văn 8 tập 1 : Đoạn thơ có thể chia làm ba phần : 8 câu đầu, 20 câu tiếp theo và 8 câu cuối. Em hãy tìm hiểu ý chính từng phần.
Có thể hình dung bố cục của đoạn thơ gồm 3 phần :
- Phần 1 : 8 câu thơ đầu : tâm trạng của người cha trong cảnh ngộ éo le, đau đớn.
- Phần 2 : 20 câu tiếp ; hiện tình hình đất nước trong cảnh đau thương, tang tóc.
- Phần 3 : 8 câu thơ cuối : thế bất lực của người cha và lời trao gửi cho con.
Câu 3 trang 162 - SGK Ngữ văn 8 tập 1 : Ở 8 câu đầu, hãy tìm và phân tích những chi tiết nghệ thuật biểu hiện:
- Bối cảnh không gian : cuộc chia li diễn ra ở một nơi biên giới ảm đạm, heo hút : ải Bắc, mây sầu, gió thảm, hổ thét, chim kêu, ... Biên ải là nơi tận cùng của đất nước. Đối với cuộc ra đi không có ngày trở lại của Phi Khanh thì đây là điểm cuối cùng để rồi chia biệt vĩnh viễn với Tổ quốc, quê hương. Tâm trạng ấy đã phủ lên cảnh vật một màu tang tóc, thê lương và cảnh vật ấy lại càng như giục cơn sầu trong lòng người. Sức gợi cảm là ở đó, cho nên dù từ ngữ có cũ mòn, ước lệ, nó vẫn tạo được không khí chung cho toàn bài, mà cũng không phải chỉ là không khí của thời Phi Khanh, Nguyễn Trãi đâu, không khí thời những năm 20 của thế kỉ XX nào có khác gì !
- Hoàn cảnh và tâm trạng nhân vật : 4 câu tiếp theo là máu và lệ "Hạt máu nóng thấm quanh "hồn nước"... Con ơi ! Con nhớ lấy lời cha khuyên". Hoàn cảnh thật éo le : cha bị bắt giải sang Tàu, không mong ngày trở về, con muốn đi theo để phụng dưỡng cha già cho tròn đạo hiếu, nhưng cha phải dằn lòng khuyên con trở lại để lo tính việc trả thù nhà, đền nợ nước. Đối với cả hai cha con, tình nhà, nghĩa nước đều sâu đậm, da diết và đều tột cùng đau đớn, xót xa, nước mất, nhà tan, cha con li biệt ... Cho nên máu và lệ hòa quyện là sự chân thật tận đáy lòng, không có chút sáo mòn nào cả.
Trong bối cảnh cảnh không gian và tâm trạng như thế, lời khuyên của người cha có ý nghĩa như một lời trăng trối. Nó thiêng liêng, xúc động và có sức truyền cảm mạnh hơn bao giờ hết, khiến người nghe phải khắc cốt ghi tâm.
Câu 4 trang 162 - SGK Ngữ văn 8 tập 1 : Phân tích đoạn thơ thứ hai.Ở 20 câu thơ tiếp theo (phần 2) có sự kết hợp giữa tự sự (kể), miêu tả và biểu cảm. Những vần thơ thấm đẫm huyết lệ có sức lay động lớn.
a) Bốn câu, từ Giống Hồng Lạc đến xưa nay kém gì : tác giả nhập vai vào người cha (Nguyễn Phi Khanh) để gợi nhắc cho con về niềm tự hào dân tộc.
b) Tám câu tiếp, từ Than vận nước đến dễ còn thương đâu : gợi tả thực cảnh thương đau của đất nước khi bị xâm lăng. Lưu ý các hình ảnh : khói lửa bừng bừng, xương rừng máu sông, thành tung quách vỡ, bỏ vợ lìa con, xiêu tán hao mòn.
c) Bốn câu tiếp, từ Tham vọng quốc đến lầm than mỗi ngày : trực tiếp thể hiện nỗi đau mất nước, xót xa trước cảnh nòi giống lầm than. Lưu ý những từ ngữ diễn tả cảm xúc : kể sao xiết kể, nhường xé tâm can, ngậm ngùi, khóc, than.
d) Bốn câu, từ Khói Nùng Lĩnh đến đàn sau đó mà : nỗi uất hận ngút trời thấm tràn sông núi, dày vò lòng người. Lưu ý các từ ngữ : xây khối uất, vật cơn sầu, càng nói càng đau, lấy ai tế độ. Người cha đang trở lại với bầu tâm sự muốn nhắn nhủ cùng con.
Câu 5 trang 163 - SGK Ngữ văn 8 tập 1 : Trong phần cuối của đoạn thơ, người cha nói đến cái thế bất lực của mình và sự nghiệp của tổ tông là để nhằm mục đích gì ?
Phần cuối đoạn trích người cha nói đến tình thế bất lực của mình (tuổi già sức yếu, lỡ sa cơ), nhắc nhở sự nghiệp của tổ tông (vì nước gian lao) để kích thích cái chí gánh vác giang sơn, đặt niềm tin, trao gửi cho con trả nợ nước, báo thù nhà.
II. Luyện tập (trang 163 - SGK Ngữ văn 8 tập 1)
Người ta nói thơ Trần Tuấn Khải vẫn sử dụng nhiều hình ảnh, từ ngữ có tính chất ước lệ, sáo mòn. Hãy tìm trong đoạn thơ này một số hình ảnh, từ ngữ như thế và cho biết tại sao nó vẫn có sức truyền cảm mạnh mẽ.
Những từ ngữ, hình ảnh có tính chất ước lệ, sáo mòm như : ải Bắc, mây sầu, gió thảm, hổ thét, chim kêu, hạt máu nóng, hồn nước, Hồng Lạc, vong quốc.... Nhưng nó vẫn có sức truyền cảm mạnh mẽ bởi cảm xúc chân thành, mãnh liệt, vừa gợi tả tâm trạng khắc khoải, đau thương của nhân vật lịch sử vừa tác động đến lòng yêu nước của mọi người thời hiện đại.