Soạn bài Tức nước vỡ bờ

1. Khi bọn tay sai xông vào nhà chị Dậu, tình thế của chị như thế nào ?

2. Phân tích nhân vật cai lệ. Em có nhận xét gì về tính cách của nhân vật này và sự miêu tả của tác giả ?

(Gợi ý : "Cai lệ" là chức danh gì ? Tên cai lệ có mặt ở làng Đông Xá với vai trò gì ? Hắn và tên người nhà lí trưởng xông vào nhà anh Dậu với ý định gì ? Vì sao hắn chỉ là một tên tay sai mạt hạng lại có quyền đánh trói người vô tội vạ như vậy ? Qua đó, em hiểu như thế nào về chế độ xã hội đương thời ? Em có nhận xét gì về nghệ thuật khắc họa nhân vật của tác giả ? Ngoại hình, hành động, ngôn ngữ của nhân vật được thể hiện như thế nào ?)

3. Phân tích diễn biến tâm lí của chị Dậu trong đoạn trích. Theo em sự thay đổi thái độ của chị Dậu có được miêu tả chân thực, hợp lí không ? Qua đoạn trích này, em có nhận xét gì về tính cách của chị ?

4. Em hiểu như thế nào về nhan đề Tức nước vỡ bờ đặt cho đoạn trích ? Theo em, đặt tên như vậy có thỏa đáng không ? Vì sao ?

5. Hãy chứng minh nhận xét của nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Ngọc Phan : "Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo". (Gợi ý : tìm hiểu việc tạo dựng tình huống, việc miêu tả ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, tâm lí nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ đối thoại... ; chú ý nêu rõ những gì khiến cho đoạn văn được coi là "tuyệt khéo".)

6. Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng, với tác phẩm Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã "xui người nông dân nổi loạn". Em hiểu thế nào về nhận xét đó ? Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ, hãy làm sáng rõ ý kiến của Nguyễn Tuân. 

Lời giải:

 I. Đọc - Hiểu văn bản

Câu 1 trang 32 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Khi bọn tay sai xông vào nhà chị Dậu, tình thế của chị như thế nào ?

Tình thế nguy ngập của chị Dậu khi bọn tay sai xông vào :

- Đang trong lúc cùng đường : bán con, bán chó, bán cả gánh khoai mới đủ nộp suất sưu cho chồng nhưng bọn hào lí lại bắt nộp cả suất sưu của người em chồng đã chết.

- Chồng đau ốm, tưởng chết đêm qua, nếu bị đánh đập nữa thì khó mà giữ được mạng sống...

- Bọn tay sai hung hãn xông vào để đánh trói, thúc thuế,...

 

Câu 2 trang 32 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Phân tích nhân vật cai lệ. Em có nhận xét gì về tính cách của nhân vật này và sự miêu tả của tác giả ?

Nhân vật cai lệ :

- Một tên tay sai chuyên nghiệp : đánh trói người là "nghề" của hắn.

- Đại diện trực tiếp cho quyền lực bất nhân của " nhà nước", của chế độ thực dân phong kiến đương thời, mặc dù chỉ là tên vô danh tiểu tốt mạt hạng.

- Bản chất hung bạo : sầm sập tiến vào, trợn ngược hai mắt, đùng đùng giật phắt cái thừng, bịch luôn vào ngực chị Dậu, tát vào mặt chị một cái đánh bốp, ...

- Không chút tình người : bỏ ngoài tai những lời van xin tha thiết của chị Dậu.

 

Câu 3 trang 33 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Phân tích diễn biến tâm lí của chị Dậu trong đoạn trích. Theo em sự thay đổi thái độ của chị Dậu có được miêu tả chân thực, hợp lí không ? Qua đoạn trích này, em có nhận xét gì về tính cách của chị ?

Ngô Tất Tố đã khắc họa sinh động những diễn biến tâm lí của chị Dậu trong đoạn trích. Qua đó giúp ta thấy rõ tính cách của chị Dậu : mộc mạc, vị tha, nhẫn nhục nhưng không hề yếu đuối, trong chị ẩn chứa một sức mạnh phản kháng mãnh liệt.

a) Có thể chia diễn biến tâm lí của chị Dậu thành hai giai đoạn : nhẫn nhục chịu đựng và phản kháng.

- Chị van xin tha thiết, lễ phép xưng nhà cháu gọi chúng là ông ...

- Chỉ đến khi cai lệ bịch luôn vào ngực chị... mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu thì chị Dậu không thể chịu được nữa nên mới liều mạng cự lại.

+ Ban đầu, chị cự lại bằng lí lẽ : Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ ! Đến đây, không còn xưng cháu, gọi ông nữa, mà lại là tôi - ông ngang hàng.

+ Sau khi cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp thì từ đấu lí, chị Dậu chuyển sang đấu lực : Chị nghiến hai hàm răng : - Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem ! ; từ tôi - ông chuyển sang bà - mày, thể hiện sự phẫn nộ, khinh bỉ.

Tâm lí nhân vật diễn biến hết sức tự nhiên, sống động.

b) Sức mạnh phản kháng của chị Dậu thể hiện rõ trong cảnh chị quật ngã hai tên tay sai. Lưu ý các từ ngữ : túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa, túm tóc lẳng cho một cái, ... và những từ ngữ gợi tả tư thế thảm hại của hại tên tay sai : chỏng quèo, ngã nhào, ...

 

Câu 4 trang 33 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Em hiểu như thế nào về nhan đề Tức nước vỡ bờ đặt cho đoạn trích ? Theo em, đặt tên như vậy có thỏa đáng không ? Vì sao ?

Đoạn trích cho thấy một quy luật : có áp bức thì có đáu tranh. Nhan đề Tức nước vỡ bờ phản ánh đúng quy luật ấy. Hơn nữa, như chính nội dung của đoạn trích Tức nước vỡ bờ gợi mở một ý nghĩa : không có con đường nào khác là phải đấu tranh để thoát khỏi tăm tối, giải phóng khỏi áp bức. Dù là tự phát (tức quá) nhưng cảnh chị Dậu đánh lại hai tên tay sai là hợp quy luật : tức nước vỡ bờ.

 

Câu 5 trang 33 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Hãy chứng minh nhận xét của nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Ngọc Phan : "Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo". 

Trả lời :

Vũ Ngọc Phan nhận xét : "Cái doạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo".

- Khéo ở nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật :

+ Chị Dậu : nhẫn nhục nhưng mạnh mẽ (qua lối nói van xin, cự lại, hành động, ...)

+ Cai lệ : hung hăng, bất nhân, thú tính, ... (lời nói, hành động...)

- Khéo ở ngòi bút miêu tả linh hoạt, sống động : cảnh chị Dậu đánh lại hai tên tay sai, ...

- Ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại đặc sắc, bộc lộ sắc nét tính cách nhân vật, phản ánh được những diễn biến tâm lí, ...

 

Câu 6 trang 33 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng, với tác phẩm Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã "xui người nông dân nổi loạn". Em hiểu thế nào về nhận xét đó ? Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ, hãy làm sáng rõ ý kiến của Nguyễn Tuân. 

Phản ánh đúng quy luật tức nước vỡ bờ, Ngô Tất Tố đã nhìn thấy được sức mạnh phản kháng tiềm tàng mãnh liệt của người nông dân. Nhìn chung cả tác phẩm Tắt đèn là bế tắc (như cái nhan đề của nó), chị Dậu đánh lại cai lệ cũng chỉ là tự phát, nhưng nó dự báo một cơn dông bão sẽ đến, phá tan mọi áp bức, gông xiềng. Ngô Tất Tố đang khơi ra nguồn sức mạnh ấy, đặt một nhu cầu bức bách : nổi dậy, giải phóng khỏi cuộc sống cùng cực. Đúng như Nguyễn Tuân nói : Ngô Tất Tó đã "xui người nông dân nổi loạn".

 

II. Luyện tập

Một nhóm bốn em với sự giúp đỡ của thầy, cô giáo, hãy đọc diễn cảm văn bản có phân vai (bốn vai : chị Dậu, anh Dậu, cai lệ, người nhà lí trưởng)

Học sinh tự thực hiện.

+ Mở rộng xem đầy đủ