Soạn bài Trong lòng mẹ trích Những ngày thơ ấu

1. Phân tích nhân vật người cô trong cuộc đối thoại giữa bà ta với chú bé Hồng.

(Gợi ý : Chú ý vẻ mặt "tươi cười", giọng nói "ngọt ngào", cử chỉ thân mật của người cô đối với chú bé Hồng mà tác giả gọi là "rất kịch". Bà ta muốn gì khi nói rằng mẹ chú đang "phát tài" và nhất là cố ý phát âm hai tiếng "em bé" ngân dài thật ngọt ? Vì sao những lời lẽ của bà ta đã khiến lòng chú bé "thắt lại", "nước mắt ròng ròng" ...? Qua cuộc hội thoại, em thấy nhân vật bà cô là người như thế nào ?)

2. Tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh được thể hiện như thế nào ?

(Gợi ý : Cần chú ý phân tích :

- Phản ứng tâm lí của chú bé khi nghe những lời giả dối, thâm độc xúc phạm sâu sắc tới mẹ chú.

- Cảm giác sung sướng cực điểm của chú khi gặp lại và nằm trong lòng người mẹ mà chú mong chờ mỏi mắt.)

3. Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, hãy chứng minh rằng văn Nguyên Hồng giàu chất trữ tình.

4. Qua đoạn trích, em hiểu thế nào là hồi kí ?

5. Có nhà nghiên cứu nhận định Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng. Nên hiểu như thế nào về nhận định đó ? Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, em hãy chứng minh nhận định trên.

Lời giải:

Đọc - Hiểu văn bản

Câu 1 trang 20 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Phân tích nhân vật người cô trong cuộc đối thoại giữa bà ta với chú bé Hồng.

(Gợi ý : Chú ý vẻ mặt "tươi cười", giọng nói "ngọt ngào", cử chỉ thân mật của người cô đối với chú bé Hồng mà tác giả gọi là "rất kịch". Bà ta muốn gì khi nói rằng mẹ chú đang "phát tài" và nhất là cố ý phát âm hai tiếng "em bé" ngân dài thật ngọt ? Vì sao những lời lẽ của bà ta đã khiến lòng chú bé "thắt lại", "nước mắt ròng ròng" ...? Qua cuộc hội thoại, em thấy nhân vật bà cô là người như thế nào ?)

Trả lời :

- Độc ác, tàn nhẫn khi hỏi “mày có muốn vào Thanh Hóa không”, khoét vào nỗi đau hoàn cảnh xa mẹ.

- Mỉa mai, chế giễu mẹ cậu nhằm chia rẽ tình cảm: “phát tài” (nói mỉa người mẹ nghèo khổ), “em bé” (gieo rắc hoài nghi để bé Hồng khinh miệt ruồng rẫy mẹ).

Từ phân tích các bước trên, ta rút ra được bản chất của nhân vật bà cô : lạnh lùng, độc ác, thâm hiểm. Đó là một hình ảnh mang ý nghĩa tố cáo hạng người sống tàn nhẫn, khô héo cả tình máu mủ ruột rà trong cái xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ.

 

Câu 2 trang 20 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh được thể hiện như thế nào ?

(Gợi ý : Cần chú ý phân tích :

- Phản ứng tâm lí của chú bé khi nghe những lời giả dối, thâm độc xúc phạm sâu sắc tới mẹ chú.

- Cảm giác sung sướng cực điểm của chú khi gặp lại và nằm trong lòng người mẹ mà chú mong chờ mỏi mắt.)

Trả lời :

Bé Hồng không bị những lời thâm hiểm của người cô làm xa cách tình mẹ con. Càng biết hoàn cảnh của mẹ, Hồng càng thương mẹ hơn. Biểu hiện rõ nhất là chú bé cố kìm nén tình cảm nhưng "nước mắt tôi ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ". Hồng muốn nghiến nát những cổ tục đã hành hạ mẹ mình. Chú vẫn tin tưởng, kính yêu mẹ. Đặc biệt là Hồng chỉ thoáng thấy bóng đã nhận ra đúng mẹ mình, rồi líu ríu chạy theo. Khi ở trong lòng mẹ Hồng đã cực kì sung sướng. Sung sướng đến nỗi ù cả tai, và quên hết những lời gièm pha của người cô.

 

Câu 3 trang 20 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, hãy chứng minh rằng văn Nguyên Hồng giàu chất trữ tình.

Văn của Nguyên Hồng giàu chất trữ tình vì :

- Tình huống câu chuyện dễ làm cho người con oán trách mẹ mình, nhưng tình cảm của người con vẫn không thay đổi, vẫn tràn đầy niềm yêu thương, kính trọng mẹ. Người con ao ước phá tan mọi cổ tục để cho mẹ không bị đau khổ.

- Dòng cảm xúc của nhân vật được thể hiện mãnh liệt qua những dòng miêu tả nghẹn ngào, đầy nước mắt. Sự căm giận, sự xót thương, sự đau khổ và niềm hạnh phúc đều ở đỉnh điểm.

- Cách thể hiện giàu cảm xúc, hình ảnh so sánh gây ấn tượng mạnh, giàu sức gợi cảm. Lời văn ở đoạn cuối dào dạt tình cảm, mê say.

 

Câu 4 trang 20 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Qua đoạn trích, em hiểu thế nào là hồi kí ?

Hồi kí là một thể loại kí kể lại những sự việc đã xảy ra trong quá khứ mà người kể là người tham dự hoặc chứng kiến, tác giả là người xưng tôi.

 

Câu 5 trang 20 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Có nhà nghiên cứu nhận định Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng. Nên hiểu như thế nào về nhận định đó ? Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, em hãy chứng minh nhận định trên.

Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng vì :

- Có cái nhìn thông cảm, thấu hiểu với những khổ đau người phụ nữ giữa những hủ tục khắt khe, người con trẻ với khát vọng tình thương, nỗi đau tinh thần.

- Nhà văn am hiểu sâu sắc về phụ nữ và trẻ nhỏ, có sự nắm bắt cá tính và tâm lí nhân vật qua lời văn giàu cảm xúc, ngọt ngào.

Qua đoạn trích Trong lòng mẹ :

- Nhân vật bà cô đại diện những hủ tục phong kiến còn tồn tại.

- Nhân vật mẹ Hồng: hiện sinh hình ảnh người phụ nữ tảo tần, chịu nhiều vất vả, điều tiếng tủi nhục.

- Nhân vật bé Hồng: sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm, mất mát trong gia đình.

+ Mở rộng xem đầy đủ