Soạn bài Muốn làm thằng Cuội
1. Hai câu thơ đầu là tiếng than và lời tâm sự của Tản Đà với chị Hằng. Theo em, vì sao Tản Đà có tâm trạng chán trần thế ?
2. Nhiều người nhận xét một cách xác đáng rằng, Tản Đà là một hồn thơ "ngông". Em hiểu 'ngông" nghĩa là gì (bộc lộ một thái độ như thế nào đối với cuộc sống) ? Hãy phân tích cái "ngông" của Tản Đà trong ước muốn được làm thằng Cuội (chú ý các câu 3 - 4, 5 - 6).
3. Phân tích hình ảnh cuối bài thơ : Tựa nhau trông xuống thế gian cười. Em hiểu cái cười ở đây có ý nghĩa gì ?
4. Theo em, những yếu tố nghệ thuật nào đã tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ ?
I. Đọc - Hiểu văn bản
Câu 1 trang 156 - SGK Ngữ văn 8 tập 1 : Hai câu thơ đầu là tiếng than và lời tâm sự của Tản Đà với chị Hằng. Theo em, vì sao Tản Đà có tâm trạng chán trần thế ?
Tản Đà có tâm trạng chán trần thế vì xã hội ông sống là xã hội thực dân phong kiến "gió gió mưa mưa", bản thân ông cô đơn, bế tắc, long đong. Vốn là người lãng mạn, phóng túng, Tản Đà không bằng lòng với cuộc sống đo. Ông cảm thấy buồn, chán. Ông tâm sự với chị Hằng : đêm thu buồn lắm. Và trần thế cũng không có bao nhiêu hấp dẫn : Trần thế em nay chán nửa rồi.
Câu 2 trang 156 - SGK Ngữ văn 8 tập 1 : Nhiều người nhận xét một cách xác đáng rằng, Tản Đà là một hồn thơ "ngông". Em hiểu 'ngông" nghĩa là gì (bộc lộ một thái độ như thế nào đối với cuộc sống) ? Hãy phân tích cái "ngông" của Tản Đà trong ước muốn được làm thằng Cuội (chú ý các câu 3 - 4, 5 - 6).
"Ngông" có nghĩa là làm những việc không bình thường, vượt trội lên so với bình thường. Ngông cũng có nghĩa là chơi trội, gây cho người ta phải chú ý bởi các việc làm độc đáo mà người bình thường không dám hoặc không làm được.
Cái ngông thể hiện trong bài thơ này là muốn đi ra khỏi trái đất để lên cung trăng ở chơi với chị Hằng. Hơn thế nữa, nhà thơ lại xưng hô suồng sã với chị Hằng, muốn chị coi mình như là chú Cuội, như một người bầu bạn Cách lên trời, lên trăng của Tản Đà sẽ bám vào đó mà lên. Tản Đà rất tự tin, coi rằng mình lên cung trăng sẽ làm cho chị Hằng không còn lẻ loi, không bị buồn tủi. Ý định cùng chị Hằng Rồi mỗi năm rằm tháng tám - Tựa nhau trông xuống thế gian cười cũng là thể hiện cái ngông của thi sĩ.
Câu 3 trang 156 - SGK Ngữ văn 8 tập 1 : Phân tích hình ảnh cuối bài thơ : Tựa nhau trông xuống thế gian cười. Em hiểu cái cười ở đây có ý nghĩa gì ?
Mạch cảm xúc lãng mạn và ngông được đẩy lên cao độ bằng một hình ảnh tưởng tượng đầy bất ngờ và ý vị của Tản Đà. Đêm trung thu trăng sáng, đẹp, người người đều ngẩng đầu chiêm ngưỡng thì nhà thơ lại đang ngồi tít mãi trên cung trăng, tựa vai chị Hằng Nga để cùng ngắm thế gian và ... cười. Cái cười ở đây có thể có hai ý nghĩa, vừa thỏa mãn vì đã đạt được khát vọng thoát li mãnh liệt, đã xa lánh được hẳn cõi đời trần bụi bặm, vừa thể hiện sự mỉa mai, khinh bỉ cái cõi trần gian giờ đây chỉ còn là "bé tí" khi mình đã bay bổng được lên trên đó. Đó là đỉnh cao của hồn thơ lãng mạn và ngông của Tản Đà.
Câu 4 trang 156 - SGK Ngữ văn 8 tập 1 : Theo em, những yếu tố nghệ thuật nào đã tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ ?
Những yếu tố nghệ thuật tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ :
- Nguồn cảm xúc mãnh liệt, dồi dào, vừa phóng túng bay bổng, lại vừa sâu lắng thiết tha, được biểu hiện một cách tự nhiên, thoải mái, nhuần nhị như giọng tâm tình thân mật với người bạn tri kỉ, tri âm.
- Lời lẽ giản dị, trong sáng, không gọt đẽo cầu kì mà vẫn mượt mà, ý nhị, giàu sức biểu cảm, lại rất đa dạng trong lối biểu hiện (khi than, khi nhắn hỏi, khi cầu xin)
- Sức tưởng tượng phong phú, táo bạo, đã tạo ra được một giấc mộng kì thú với những chi tiết gợi cảm và bất ngờ.
- Thể thơ Đường luật trong tay tác giả vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh các quy tắc về vần, luật nhưng hoàn toàn không còn gò bó, công thức.
II. Luyện tập
Câu 1 trang 157 - SGK Ngữ văn 8 tập 1 : Nhận xét về phép đối trong hai câu 3 - 4 và 5 - 6 của bài thơ.
Trong thơ Đường, các cặp câu 3 - 4 và 5 - 6 bắt buộc phải đối nhau. Câu 3 và 4 đối về hình ảnh : cung quế - cành đa, đối về hoạt động : ngồi - nhắc, đối về ý tứ : thăm dò - đề nghị.
Câu 5 và câu 6 đối về ý là chính : bầu bạn - gió mây, tủi - vui.
Câu 2 trang 157 - SGK Ngữ văn 8 tập 1 : So sánh ngôn ngữ và giọng điệu ở bài thơ này với bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (đã học ở lớp 7).
Ta thấy bài Qua Đèo Ngang ngôn ngữ mực thước, trang trọng, đối chặt chẽ và chỉnh. Còn bài thơ này, giọng điệu nhẹ nhàng, phóng khoáng, pha chút hóm hỉnh, ngông nghênh. Lời lẽ giản dị, không trang trọng, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Vần luật chặt chẽ, nhưng sử dụng nghệ thuật đối phóng túng, không chặt chẽ như trong bài thơ Qua Đèo Ngang.