Soạn bài Lão Hạc

1. Phân tích tâm trạng diễn biến của lão Hạc xung quanh việc bán chó. Qua đó, em thấy lão Hạc là người như thế nào ?

2. Em hiểu như thế nào về nguyên nhân cái chết của lão Hạc ? Qua những điều lão Hạc thu xếp nhờ cậy "ông giáo" rồi sau đó tìm đến cái chết, em suy nghĩ gì về tình cảnh và tính cách của lão ?

3. Em thấy thái độ, tình cảm của nhân vật "tôi" đối với lão Hạc như thế nào ?

4. Khi nghe Bình Tư cho biết lão Hạc xin bả chó để bắt một con chó hàng xóm thì nhân vật "tôi" cảm thấy "cuộc đời quả thật ... đáng buồn", nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn của lão Hạc, "tôi" lại nghĩ : "Không ! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác". Em hiểu ý nghĩ đó của nhân vật "tôi" như thế nào ?

5. Theo em, cái hay của truyện thể hiện rõ nhất ở những điểm nào ? Việc tạo dựng tình huống truyện bất ngờ có tác dụng như thế nào ? Cách xây dựng nhân vật có gì đặc sắc ? Việc truyện được kể bằng lời của nhân vật "tôi" (ngôi thứ nhất) có hiệu quả nghệ thuật gì ?

6. Em hiểu thế nào về ý nghĩ của nhân vật "tôi" (có thể coi là tác giả) qua đoạn văn sau :

"Chao ôi ! Đối với những người ở xung quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn ; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương ; không bao giờ ta thương [...]. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất".

7. Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc, em hiểu gì về cuộc sống và phẩm chất của người nông dân trong xã hội cũ ?

Lời giải:

Câu 1 trang 48 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Phân tích tâm trạng diễn biến của lão Hạc xung quanh việc bán chó. Qua đó, em thấy lão Hạc là người như thế nào ?

Diễn biến tâm trạng của lão Hạc xung quanh việc bán chó :

Lão Hạc đã nói đến chuyện bán chó quá nhiều đến nỗi ông giáo "nghe câu ấy đã nhàm". Lão nói nhiều bởi lão đắn đo lắm, lão không muốn bán vì con chó là kỉ vật của con trai, con chó là một người bạn. Khi buộc phải bán con chó thì lão day dứt, ăn năn vì đã lừa con chó, lão bật khóc hu hu.

Qua đó, ta thấy lão Hạc là người sống tình nghĩa, thủy chung. Lão ân hận vì đã ngăn không cho con trai bán vườn cưới vợ. Lão xót xa vì nỡ lừa, nỡ bán con chó. Nhưng không còn cách nào khác, lão đành phải bán chó. Tất cả lão đều dành cho con trai, không hề nghĩ đến mình.

 

Câu 2 trang 48 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Em hiểu như thế nào về nguyên nhân cái chết của lão Hạc ? Qua những điều lão Hạc thu xếp nhờ cậy "ông giáo" rồi sau đó tìm đến cái chết, em suy nghĩ gì về tình cảnh và tính cách của lão ?

Nguyên nhân cái chết của lão Hạc là tình cảnh đói khổ, tũng quẫn, tuyệt vọng của lão. Lão không thể giữ con chó. Lão không thể đợi con trai trở về. Thực ra, lão có thể bán dần các thứ để ăn, nhưng lòng thương con không cho phép lão phạm vào tài sản của con trai. Lão tự chọn cái chết để giải thoát cho mình và dành trọn mảnh vườn cho con trai.

Lão Hạc rất tự trọng và lo xa. Lão không thể làm điều xấu. Lão không nỡ lừa một con chó. Lão cũng không muốn làm phiền những người láng giềng. Vì thế lão đã nhờ ông giáo lo liệu việc lão chết và giữ mảnh vườn cho con trai.

 

Câu 3 trang 48 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Em thấy thái độ, tình cảm của nhân vật "tôi" đối với lão Hạc như thế nào ?

Thái độ, tình cảm của nhân vật "tôi" đối với lão Hạc : thương lão vì lão thương con và không muốn làm phiền đến người khác khi lão chết. Cho đến chết lão Hạc vẫn thể hiện là một con người chân chất, lương thiện, trung thực, giàu lòng tự trọng đáng quý.

 

Câu 4 trang 48 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 :  Khi nghe Bình Tư cho biết lão Hạc xin bả chó để bắt một con chó hàng xóm thì nhân vật "tôi" cảm thấy "cuộc đời quả thật ... đáng buồn", nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn của lão Hạc, "tôi" lại nghĩ : "Không ! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác". Em hiểu ý nghĩ đó của nhân vật "tôi" như thế nào ?

Có thể hiểu ý nghĩ của nhân vật "tôi" về đại thể : Khi nghe Bình Tư nó, nhân vật "tôi" bị bất ngờ. "Tôi" cảm thấy đời đáng buồn vì một con ngời nhân hậu, trung thực, khí khái như lão Hạc, khi đến bước đường cùng, cũng có thể làm điều xấu như là Bình Tư, bị chính những kẻ như Bình Tư mai mỉa. Sau đó chứng kiến việc lão Hạc chết đau đớn vì ăn bả chó, ông giáo (nhân vật "tôi") lại thấy buồn ở khía cạnh khác. Ông buồn vì một người cha rất mực thương con, một người lương thiện, tử tế, một người trung thực như lão Hạc nhưng không thể sống được, lại phải chọn một cái chết đau đớn, dữ dội. 

 

Câu 5 trang 48 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Theo em, cái hay của truyện thể hiện rõ nhất ở những điểm nào ? Việc tạo dựng tình huống truyện bất ngờ có tác dụng như thế nào ? Cách xây dựng nhân vật có gì đặc sắc ? Việc truyện được kể bằng lời của nhân vật "tôi" (ngôi thứ nhất) có hiệu quả nghệ thuật gì ?

Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật "tôi" (ông giáo). Vì thế :

- Làm câu chuyện gần gũi, chân thực. Tác giả như kéo người đọc cùng nhập cuộc, cùng sống, chứng kiến với các nhân vật.

- Câu chuyện được dẫn dắt tự nhiên, linh hoạt.

- Giúp truyện có nhiều giọng điệu : vừa tự sự vừa trữ tình, có khi hòa lẫn triết lí sâu sắc có sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa hiện thực với trữ tình.

 

Câu 6 trang 48 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : 

Đó là một phát hiện sâu sắc và một triết lí sống rất tiến bộ và đúng đắn. Đây là một thái độ trân trọng con người, khám phá những nét tốt đẹp của con người. Nhân vật "tôi" cũng chỉ cho ta thấy con người thường bị những đau buồn, lo lắng, ích kỉ che lấp mất bản tính tốt. Cần phải cảm thông và thương mến. Chính vì theo phương hướng này mà ông giáo đã thấy những nét đáng quý đáng trọng của lão Hạc, ông cũng không nỡ giận vợ ông, khi vợ ông không muốn giúp lão Hạc. Tóm lại, ý nghĩ của nhân vật "tôi" là một ý nghĩ tỉnh táo, sáng suốt, xuất phát từ tinh thần nhân đạo yêu thương, trân trọng con người.

 

Câu 7  trang 48 - SGK Ngữ Văn 8 tập 1 : Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc, em hiểu gì về cuộc sống và phẩm chất của người nông dân trong xã hội cũ ?

Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc, có thể hiểu nhiều nét về cuộc đời và tính cách của người nông dân trong xã hội cũ. Họ là người sống khổ cực trong làng quê. Họ bị áp bức, bóc lột nặng nề, phải chịu sưu cao thuế nặng. Cuộc sống của họ lâm vào cảnh bần cùng, bế tắc. Tuy vậy, họ có những phẩm chất đáng quý là trong sạch, lương thiện, giàu tình thương yêu. Họ dám chết để giữ gìn phẩm chất trong sạch, họ dám chống lại những kẻ ác để tự vệ. Trong người nông dân tiềm tàng một sức mạnh của tình cảm, một sức mạnh phản kháng chống lại áp bức, bất công.

+ Mở rộng xem đầy đủ