Soạn bài Sọ Dừa

1. Sự ra đời của Sọ Dừa có gì khác thường ? Kể về sự ra đời của Sọ Dừa như vậy, nhân dân muốn thể hiện điều gì và muốn chú ý đến những con người như thế nào trong xã hội ?

2. Sự tài giỏi của Sọ Dừa thể hiện qua những chi tiết nào ? Em có nhận xét gì về quan hệ giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật ?

3. Tại sao cô út lại bằng lòng lấy Sọ Dừa ? Em có nhận xét gì về nhân vật cô út ?

4. Trong truyện, Sọ Dừa có hình dạng xấu xí nhưng cuối cùng đã được trút bỏ lốt, cùng cô út hưởng hạnh phúc, còn hai cô chị thì phải bỏ nhà trốn đi. Qua kết cục này, em thấy người lao động mơ ước điều gì ?

5. Hãy nêu những ý nghĩa chính của truyện Sọ Dừa.

 

Lời giải:

I. Đọc - Hiểu văn bản

Câu 1 trang 54 - SGK Ngữ Văn 6 tập 1 : Sự ra đời của Sọ Dừa có gì khác thường ? Kể về sự ra đời của Sọ Dừa như vậy, nhân dân muốn thể hiện điều gì và muốn chú ý đến những con người như thế nào trong xã hội ?

- Sự ra đời khác thường của Sọ Dừa :

+ Bà mẹ uống nước trong cái sọ dừa và mang thai

+ Đẻ ra là cục thịt đỏ hỏn không chân tay

- Kể về sự ra đời của Sọ Dừa như vậy là nhân dân muốn đề cập đến những người đau khổ, thấp hèn trong xã hội xưa, vẻ ngoài xấu xí, nhân dân nhận thức sâu sắc về số phận và địa vị xã hội của mình trong hình thức của nhân vật Sọ Dừa.

 

Câu 2 trang 54 - SGK Ngữ Văn 6 tập 1 : Sự tài giỏi của Sọ Dừa thể hiện qua những chi tiết nào ? Em có nhận xét gì về quan hệ giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật ?

- Sự tài giỏi của Sọ Dừa thể hiện qua những chi tiết :

+ Chăn bò rất giỏi

+ Thổi sáo rất hay

+ Tự tin (chăn bò ; giục mẹ hỏi cưới con gái phú ông ; chuẩn bị sính lễ)

+ Thi đỗ trạng nguyên

+ Có tài dự đoán tương lai chính xác

- Hình thức bên ngoài dị dạng (tròn như một quả dừa) của nhân vật đối lập với phẩm chất bên trong (thông minh, tài giỏi). Sự đối lập này khẳng định giá trị bản chất và chân chính của con người, đồng thời thể hiện ước mơ mãnh liệt về một sự đổi đời của người xưa.

 

Câu 3 trang 54 - SGK Ngữ Văn 6 tập 1 : Tại sao cô út lại bằng lòng lấy Sọ Dừa ? Em có nhận xét gì về nhân vật cô út ?

- Cô út bằng lòng lấy Sọ Dừa vì :

+ Vì bản tính hiền lành, thương người

+ Cô út nhận biết được thực chất, vẻ đẹp bên trong của Sọ Dừa 

- Nhận xét về cô út: Cô út là người giàu lòng nhân hậu, biết yêu thương, thông minh, biết sẻ chia và rất giàu nghị lực. Cô út như vậy, biết quan tâm người khác thì sẽ được đền đáp xứng đáng và được mọi người yêu thương hết mực.

 

Câu 4 trang 54 - SGK Ngữ Văn 6 tập 1 : Trong truyện, Sọ Dừa có hình dạng xấu xí nhưng cuối cùng đã được trút bỏ lốt, cùng cô út hưởng hạnh phúc, còn hai cô chị thì phải bỏ nhà trốn đi. Qua kết cục này, em thấy người lao động mơ ước điều gì ?

- Mơ ước về sự đổi đời : Sọ Dừa từ thân phận thấp kém, xuất thân trong một gia đình đi ở, hình dạng xấu xí, ... trở thành người đẹp đẽ thông minh, tài giỏi, và được hưởng hạnh phúc.

- Mơ ước về sự công bằng : người thông minh, tài giỏi thì được hưởng hạnh phúc, kẻ tham lam, độc ác thì bị trừng trị thích đáng.

 

Câu 5 trang 54 - SGK Ngữ Văn 6 tập 1 : Hãy nêu những ý nghĩa chính của truyện Sọ Dừa.

- Truyện đề cao giá trị thực chất, ca ngợi vẻ đẹp  bên trong của con người. Từ đó, truyện nêu một bài học kinh nghiệm khi đánh giá con người : phải xem xét toàn diện, không chỉ dừng lại ở biểu hiện bên ngoài. Đó là ý nghĩa nhân bản, thể hiện đạo lí truyền thống của nhân dân.

- Truyện đề cao lòng nhân ái : "Thương người như thể thương thân". Chính lòng nhân ái sẽ đem lại hạnh phúc cho con người.

- Truyện khẳng định niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của sự công bằng đối với bất công, của tình yêu chân chính đối với sự tham lam, độc ác.

 

II. Luyện tập 

Câu 1 trang 54 - SGK Ngữ Văn 6 tập 1 : Trong truyện cổ tích Việt Nam và nước ngoài có nhiều truyện kể về các nhân vật giống Sọ Dừa (người ban đầu mang hình dạng xấu xí, có nhiều tài năng, cuối cùng trút bỏ lốt thành người đẹp và được hưởng hạnh phúc). Em hãy đọc phần Đọc thêm và tìm đọc một số truyện giống truyện Sọ Dừa để biết rõ hơn điều này.

Trả lời : Các em có thể tham khảo 1 số truyện đọc sau :

- Chàng Chuối

- Người lấy Cóc

- Chàng Bầu (của dân tộc Mường)

- Nàng tiên khỉ (của dân tộc H'mông)

 

Câu 2 trang 54 - SGK Ngữ Văn 6 tập 1 : Kể diễn cảm truyện Sọ Dừa

Để có thể kể diễn cảm truyện Sọ Dừa, cần lưu ý thể hiện đúng giọng kể và giọng đối thoại của các nhân vật :

- Giọng van nài của nhân vật Sọ Dừa : "Mẹ ơi, con là người đấy ... tội nghiệp".

- Giọng than phiền của người mẹ : "Con nhà người ta .... chẳng được tích sự gì".

- Giọng thuyết phục của Sọ Dừa : "Gì chứ chăn bò .... đến ở chăn bò".

- Giọng mỉa mai, kẻ cả của phú ông : "Ừ, được ... sang đây".

- Giọng chống chế và kinh miệt của phú ông : "Để ta hỏi ... không đã".