Soạn bài Mưa Tự học có hướng dẫn

1. Bài thơ tả cơn mưa ở vùng nào và vào mùa nào ?
Cơn mưa được miêu tả qua hai giai đoạn : lúc sắp mưa và lúc đang mưa. Dựa vào thứ tự miêu tả , em hãy tìm bố cục của bài thơ.
2. Nhận xét về thể thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần trong bài thơ và nêu tác dụng đối với việc thể hiện nội dung ( tả trận mưa rào ở làng quê ).
3. Bài thơ đã miêu tả rất sinh động trạng thái và hoạt động của nhiều cây cối loài vật trước và trong cơn mưa. Em hãy tìm hiểu : 
a) Hình dáng, trạng thái, hoạt động của mỗi loài lúc sắp mưa và trong cơn mưa. Tìm những động từ và tính từ miêu tả và nhận xét về việc sử dụng các từ ấy.
b) Nêu các trường hợp sử dụng phép nhân hóa để miêu tả thiên nhiên trong bài thơ. Hãy phân tích tác dụng của biện pháp ấy trong một số trường hợp đặc sắc.
4. Gần hết bài thơ chỉ miêu tả thiên nhiên, đến cuối bài mới xuất hiện hình ảnh con người:
                                                       Bố em đi cày về 
                                                       Đội sấm
                                                       Đội chớp
                                                       Đội cả trời mưa…
Em hãy nhận xét về ý nghĩa biểu tượng cho tư thế, sức mạnh và vẻ đẹp của con người trước thiên nhiên trong hình ảnh trên.

 

Lời giải:

I. Đọc - Hiểu văn bản

Câu 1 : Bài thơ tả cơn mưa ở vùng nào và vào mùa nào ?
Cơn mưa được miêu tả qua hai giai đoạn : lúc sắp mưa và lúc đang mưa. Dựa vào thứ tự miêu tả , em hãy tìm bố cục của bài thơ.

- Bài thơ tả cơn mưa rào mùa hạ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, kèm với mưa thường có dông, sấm chớp, gió mạnh.

- Bài thơ tả cơn mưa qua hai giai đoạn : Lúc sắp mưa và khi trời mưa. Bốn câu cuối cùng khi trời mưa có thể tách thành một phần riêng. Từ đó có thể chia bài thơ thành ba phần.

+ Phần 1 : Từ đầu đến Ngọn mùng tơi / Nhảy múa : Khung cảnh sắp mưa.

+ Phần 2 : Tiếp đến Cây lá hả hê : Khung cảnh khi mưa.

+ Phần 3 : Còn lại : Hình ảnh người nông dân trong mưa.  

 

Câu 2 : Nhận xét về thể thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần trong bài thơ và nêu tác dụng đối với việc thể hiện nội dung ( tả trận mưa rào ở làng quê ).

Bài thơ làm theo thể tự do, ngắt nhịp linh hoạt, gồm các nhịp 1, 2, 3 ,4 mà chủ yếu là nhịp 2. Điều đó tạo thuận lợi cho việc diễn tả một cách phóng túng những  quan sát về sự vật của người viết.

 

Câu 3 : Bài thơ đã miêu tả rất sinh động trạng thái và hoạt động của nhiều cây cối loài vật trước và trong cơn mưa. Em hãy tìm hiểu : 
a) Hình dáng, trạng thái, hoạt động của mỗi loài lúc sắp mưa và trong cơn mưa. Tìm những động từ và tính từ miêu tả và nhận xét về việc sử dụng các từ ấy.
b) Nêu các trường hợp sử dụng phép nhân hóa để miêu tả thiên nhiên trong bài thơ. Hãy phân tích tác dụng của biện pháp ấy trong một số trường hợp đặc sắc.

Trả lời :

a) Tác giả quan sát và miêu tả sinh động trạng thái, hoạt động của cây cối, loài vật trước và trong cơn mưa :

- Các con vật trước cơn mưa: mối trẻ, mối già bay, gà con ẩn nấp, kiến hành quân đầy đường.

- Cây cối trước khi mưa: mía múa gươm, cỏ gà rung tai nghe, bụi tre gỡ tóc, cây dừa sải tay bơi, ngọn mùng tơi nhảy múa.

- Trong cơn mưa: cóc nhảy chồm chồm, chó sủa, cây lá hả hê…

- Những động từ được sử dụng: hành quân, múa, rung tai, đu đưa… kết hợp với các tính từ: rối rít, trọc lốc, mù trắng, chốc chốc.

→ Góp phần diễn tả sinh động cảnh vật lúc trời mưa.

b) Biện pháp nhân hóa được sử dụng triệt để khiến cho cơn mưa rào  ở làng quê thật sinh động và gần gũi.

Những trái bưởi tròn không có gì đặc biệt nhưng nhà thơ liên tưởng đây là lũ con đầu tròn trọc lốc được mẹ bưởi đu đưa vỗ về thì lại rất độc đáo

 

Câu 4 : Gần hết bài thơ chỉ miêu tả thiên nhiên, đến cuối bài mới xuất hiện hình ảnh con người:
                                                       Bố em đi cày về 
                                                       Đội sấm
                                                       Đội chớp
                                                       Đội cả trời mưa…
Em hãy nhận xét về ý nghĩa biểu tượng cho tư thế, sức mạnh và vẻ đẹp của con người trước thiên nhiên trong hình ảnh trên.

Trả lời :

Bài thơ chỉ tả cảnh thiên nhiên, đến cuối bài mới hiện ra hình ảnh con người : 

Bố em đi cày về.

Đội sấm

Đội chớp

Đội cả trời mưa ...

Ông bố chỉ là một người nông dân bỗng nhiên trở nên lớn lao khác thường, ông đội cả sấm, cả chớp, cả một trời mưa. Hình ảnh người nông dân có tầm vóc lớn lao, tư thế vững vàng, hiên ngang như là một vị thần đội trời đạp đất có sức mạnh có thể sánh với thiên nhiên. Trong con mắt nhìn của một em bé chín tuổi, người cha đi cày quả là một tráng sĩ có vẻ đẹp lớn lao, kì vĩ.

 

II. Luyện tập

Câu 1 : Học thuộc lòng đoạn thơ từ đầu đến Mù trắng nước.

Học sinh tự thực hiện

 

Câu 2 : Quan sát và miêu tả cảnh mưa rào ở thành phố hay vùng núi, vùng biển hoặc mưa xuân ở làng quê.

Có thể tham khảo những gợi ý sau :

Tả cơn mưa rào :

- Trời oi ả vô cùng, trời đang sáng bỗng tối sầm lại, mây đen kéo tới. Rồi cơn mưa đã đến.

- Những con mối bay như vỡ tổ, chao liệng giữa không trung.

- Trận mưa rào xuống làm cho những hàng cây trong vườn nghiêng qua nghiêng lại, có cây con còn bị gãy đổ.

- Trước sân, nước mưa trắng xóa và dâng lên đến sát mép bậc thềm nhà.

- Tia chớp lóe sáng, loằng ngoằng một vạch như cắt ngang trời.

- Thỉnh thoảng, tiếng sấm rền vang nối tiếng nhau nghe “khanh khách” như tiếng cười.

- Gió thổi mỗi lúc một mạnh rồi một lúc sau cơn mưa dứt hẳn.