Soạn bài Lượm

1. Bài thơ kể và tả Lượm qua những sự việc nào, bằng lời của ai ? Dựa vào trình tự lời kể ấy, em hãy tìm bố cục của bài thơ.
2. Hình ảnh Lượm trong đoạn thơ từ khổ thứ hai đến khổ thứ năm đã được miêu tả như thế nào qua cái nhìn của người kể ( trang phục, hình dáng, cử chỉ, lời nói ) ? Sự miêu tả đã làm nổi bật ở hình ảnh Lượm những nét gì đáng yêu, đáng mến ?
Các yếu tố nghệ thuật từ láy, vần, nhịp, so sánh trong đoạn thơ đã có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện hình ảnh Lượm ?
3. Nhà thơ đã hình dung, miêu tả chuyến đi liên lạc cuối cùng và sự hi sinh của Lượm như thế nào ? Hình ảnh Lượm gợi cho em cảm xúc gì ?
Trong đoạn thơ này có những câu thơ và khổ thơ được cấu tạo đặc biệt. Em hãy tìm những câu thơ và khổ thơ ấy, nêu tác dụng của nó trong việc biểu hiện cảm xúc của tác giả.
4. Trong bài thơ, người kể chuyện đã gọi Lượm bằng nhiều từ xưng hô khác nhau. Em hãy tìm những từ ấy và phân tích tác dụng của sự thay đổi cách gọi này đối với việc biểu hiện thái độ, quan hệ tình cảm của tác giả đối với Lượm.
5. “ Lượm ơi, còn không ? ”, câu thơ đặt ở gần cuối bài thơ như một câu hỏi dầy đau xót sau sự hi sinh của Lượm. Vì sao câu thơ ấy tác giả lặp lại hai khổ thơ ở đoạn đầu với hình ảnh Lượm hồn nhiên vui tươi ? 

Lời giải:

Bố cục : 

- Đoạn 1 : Từ đầy đến Cháu đi xa dần : Cuộc gặp gỡ ở Huế.

- Đoạn 2 : Tiếp đến Hồn bay giữa đồng : Sự hi sinh anh dũng của Lượm khi làm nhiệm vụ liên lạc.

- Đoạn 3 : Còn lại : Lượm sống mãi với non sống đất nước.

 

I. Đọc - Hiểu văn bản

Câu 1 : Bài thơ kể và tả Lượm qua những sự việc nào, bằng lời của ai ? Dựa vào trình tự lời kể ấy, em hãy tìm bố cục của bài thơ.

- Bài thơ kể và tả về Lượm bằng lời của người chú.Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ của hai chú cháu ở thành phố Huế trong " ngày Huế đổ máu", sự hy sinh anh dũng của Lượm khi làm nhiệm vụ và hình ảnh sống mãi của Lượm.

- Theo đó, có thể chia bài thơ thành ba đoạn :

+ Đoạn 1 : Từ đầy đến Cháu đi xa dần : Cuộc gặp gỡ ở Huế.

+ Đoạn 2 : Tiếp đến Hồn bay giữa đồng : Sự hi sinh anh dũng của Lượm khi làm nhiệm vụ liên lạc.

+ Đoạn 3 : Còn lại : Lượm sống mãi với non sống đất nước.

 

Câu 2 : Hình ảnh Lượm trong đoạn thơ từ khổ thứ hai đến khổ thứ năm đã được miêu tả như thế nào qua cái nhìn của người kể ( trang phục, hình dáng, cử chỉ, lời nói ) ? Sự miêu tả đã làm nổi bật ở hình ảnh Lượm những nét gì đáng yêu, đáng mến ?
Các yếu tố nghệ thuật từ láy, vần, nhịp, so sánh trong đoạn thơ đã có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện hình ảnh Lượm ?

- Về trang phục : Cái xắc xinh xinh, Ca lô đội lệch. Đó là trang phục của các chiến sĩ liên lạc thời chống Pháp.

Lượm tự hào bởi công việc của mình.

- Cử chỉ nhanh nhẹn : Chân thoăn thoắt, tinh nghịch, hồn nhiên, Cháu cười híp mí, Mồm huýt sáo vang.

- Lời nói tự nhiên chân thật : Cháu đi liên lạc / Vui lắm chú à / Ở đồn Mang Cá / Thích hơn ở nhà.

Hình ảnh Lượm nhỏ nhắn, vui tươi, hồn nhiên, chân thành rất dễ yêu dễ mến.

Các yếu tố nghệ thuật: từ láy, so sánh, nhịp điệu đã góp phần khắc họa chính xác và sinh động hình ảnh Lượm, chú bé liên lạc.

 

Câu 3 : Nhà thơ đã hình dung, miêu tả chuyến đi liên lạc cuối cùng và sự hi sinh của Lượm như thế nào ? Hình ảnh Lượm gợi cho em cảm xúc gì ?
Trong đoạn thơ này có những câu thơ và khổ thơ được cấu tạo đặc biệt. Em hãy tìm những câu thơ và khổ thơ ấy, nêu tác dụng của nó trong việc biểu hiện cảm xúc của tác giả.

Trả lời :

- Lượm phải đi làm nhiệm vụ nguy hiểm là đi lại giữa hai làn đạn của một trận đánh. Lượm phải đi rất nhanh (vượt qua) mặt trận để đưa thư thượng khẩn trong lúc đạn bay vèo vèo. Tuy nhiên "chú đồng chí nhỏ" này bất chấp, chú thi hành nhiệm vụ rất khẩn trương. Hình ảnh "Calô chú bé, nhấp nhô" trên đồng lúa cao ngang tầm Lượm đã cho thấy điều đó.

- Lượm bị kẻ thù phát hiện và nòng súng đã bắn trúng em. Lượm ngã xuống trên đồng lúa tay nắm chặt bông mà hồn bay giữa đồng ngào ngạt mùi thơm sữa lúa.

- Hình ảnh Lượm gợi cho ta sự khâm phục, kính trọng và xúc động.

- Những câu, khổ thơ có cấu tạo đặc biệt :

+ Ra thế

Lượm ơi ! ...

-> Biểu hiện sự đau đớn, sửng sốt đến lặng người. 

+ Thôi rồi, Lượm ơi !

-> Là một lời cảm thán. Tác giả như đang hồi hộp theo foix chuyến đi của Lượm, tác giả nhìn thấy chớp đỏ từ họng súng kẻ thù và tuyệt vọng biết rằng Lượm không thoát được cái chết. 

+ Lượm ơi, còn không ?

-> Một câu thơ được tách thành một khổ. Ta đọc chậm rãi để biểu hiện sự thảng thốt, nghẹn ngào "không tin được dù đó là sự thật". Thực tế thì Lượm đã chết. Người chú đã nghe tỉ mỉ. Nhưng vì thương và khâm phục cháu, vì ấn tượng sống động của lần gặp gỡ, vì hiểu rằng Lượm chết cho Tổ quốc là bất tử, cho nên người chú tin Lượm vẫn còn. 

+ Sự lặp lại 2 khổ thơ ở đoạn cuối cho ta thấy Lượm vẫn tiếp tục làm liên lạc, Lượm vẫn như ngày nào. Giặc không thể giết chết được chú bé Lượm trong lòng người. Bài thơ vui hẳn lên, ta thấy Lượm đẹp hơn bởi chú bé vẫn đi trên đường vàng.

 

Câu 4 : Trong bài thơ, người kể chuyện đã gọi Lượm bằng nhiều từ xưng hô khác nhau. Em hãy tìm những từ ấy và phân tích tác dụng của sự thay đổi cách gọi này đối với việc biểu hiện thái độ, quan hệ tình cảm của tác giả đối với Lượm.

Trong bài thơ, người kể đã gọi Lượm bằng nhiểu đại từ xưng hô khác nhau :

- Chú bé: cách gọi của một người lớn tuổi với một em trai nhỏ, thể hiện sự thân mật nhưng chưa phải là gần gũi, thân thiết.

- Cháu: cách gọi biểu lộ tình cảm gần gũi, thân thiết như quan hệ ruột thịt của người lớn với một em nhỏ.

- Chú đồng chí nhỏ: cách gọi vừa thân thiết, trìu mến vừa trang trọng đối với một chiến sĩ nhỏ tuổi.

- Lượm ơi: dùng khi tình cảm, cảm xúc của người kể lên đến cao độ, thể hiện ra trong cách gọi tên kèm theo những từ cảm thán: Thôi rồi, Lượm ơi và Lượm ơi, còn không?

 

Câu 5 : “ Lượm ơi, còn không ? ”, câu thơ đặt ở gần cuối bài thơ như một câu hỏi dầy đau xót sau sự hi sinh của Lượm. Vì sao câu thơ ấy tác giả lặp lại hai khổ thơ ở đoạn đầu với hình ảnh Lượm hồn nhiên vui tươi ? 

Câu thơ " Lượm ơi, còn không ? " như một câu hỏi đầy đau xót về sự hy sinh của Lượm. Sau câu thơ ấy, tác giả lặp lại hai khổ thơ đầu với hình ảnh Lượm hồn nhiên, vui tươi. Sự lặp lại có dụng ý khẳng định Lượm không chết, Lượm không mất, trên đã có khổ thơ nói về sự hóa thân của Lượm : 

Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng...

 Đến đây một lần nữa, tác giả khẳng định Lượm sống mãi trong lòng mọi người, sống mãi cùng non sông, đất nước.

 

II. Luyện tập 
Câu 1 : Học thuộc lòng đoạn thơ từ Một hôm nào đó đến hết bài thơ.

Học sinh tự thực hiện.


Câu 2 : Viết một đoạn văn khoảng mười dòng miêu tả chuyến đi liên lạc cuối cùng và sự hi sinh của Lượm. 

Trận đánh diễn ra một cách ác liệt. Lượm vừa truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy xuống các chiến hào, ụ súng thì được lệnh phải băng qua mặt trận đỏ lừ những viên đạn bay vèo vèo đang cày xới ruộng lúa trước mặt để đưa thư thượng khẩn. Chú bé cẩn thận để thư vào cái xách vắt chéo ngực rồi chạy như bay về phía trước. 

Phía bên kia, kẻ thù đã rê nòng súng theo chiếc mũ ca lô đang nhấp nhô lại gần. Một tiếng nổ đanh tai chát chúa, Lượm đã ngã xuống. Đồng quê thơm mùi sữa lúa đang chín trở thành cái nôi êm ru Lượm vào giấc ngủ vĩnh hằng.