Soạn bài Em bé thông minh

1. Hình thức dùng câu đố để thử tài nhân vật có phổ biến trong truyện cổ tích không ? Tác dụng của hình thức này ?
2. Sự mưu trí, thông minh của em bé được thử thách qua mấy lần ? Lần sau có khó hơn lần trước không ? Vì sao ?
3. Trong mỗi lần thử thách, em bé đã dùng những cách gì để giải những câu đố oái oăm ? Theo em, những cách ấy lí thú ở chỗ nào ?
4. Hãy nêu ý nghĩa của truyện cổ tích Em bé thông minh.
Lời giải:

A. Bố cục :

- Đoạn 1 : Từ đầu đến lỗi lạc : Vua sai quan tìm người tài.
- Đoạn 2 : Tiếp đến láng giềng : Những thử thách chứng tỏ sự thông minh của cậu bé.
- Đoạn 3 : Còn lại : Cậu bé làm trạng nguyên.
 
B. Tóm tắt :
Một ông vua sai viên quan đi tìm người hiền tài. Viên quan ấy đến đâu cũng ra những câu đố hóc búa để thử tài.
Một hôm, thấy hai cha con làm ruộng, quan hỏi một câu hỏi khó “trâu của lão cày một ngày được mấy đường?”. Cậu con trai nhanh trí hỏi vặn lại khiến viên quan thua cuộc. Nhận ra người tài, viên quan về báo vua. Vua tiếp tục thử tài, bắt dân làng đó nuôi để trâu đực đẻ ra trâu con. Cậu bé nghĩ ra cách và cứu được dân làng. Lần thử tài sau, cậu bé vượt qua thử thách khiến vua nể phục.
Vua láng giềng có ý xâm lược, muốn dò xét nhân tài nước ta, sai sứ giả mang sang chiếc vỏ ốc vặn thật dài và đố xâu sợi chỉ qua. Cả triều không ai tìm ra cách, vua tìm cậu bé. Cậu bé thông minh chỉ ra cách giải, giúp đất nước tránh được một cuộc chiến. Vua phong cậu làm trạng nguyên.

 

I. Đọc - Hiểu văn bản

Câu 1 : Hình thức dùng câu đố để thử tài nhân vật có phổ biến trong truyện cổ tích không ? Tác dụng của hình thức này ?

- Hình thức dùng câu đố để thử tài nhân vật khá phổ biến trong truyện cổ tích.

- Tác dụng của hình thức này là :

+ Tạo ra tình huống để phát triển cốt truyện.

+ Tạo ra sức hấp dẫn cho truyện.

+ Tạo ra thử thách cho nhân vật bộc lộ tài năng phẩm chất.

 

Câu 2 : Sự mưu trí, thông minh của em bé được thử thách qua mấy lần ? Lần sau có khó hơn lần trước không ? Vì sao ?

- Sự mưu trí, thông minh của em bé được thử thách qua 4 lần :

+ Lần 1: đáp lại câu đố của viên quan (trâu cày một ngày được mấy đường)
+ Lần 2: đáp lại thử thách của vua với dân làng về việc nuôi ba con trâu đực trong ba năm thành chín con
+ Lần 3: vượt qua thử thách của vua (về việc làm một con chim sẻ thành ba cỗ thức ăn)
+ Lần 4: vượt qua thử thách của sứ thần nước ngoài về việc xâu một sợi chỉ mảnh qua ruột con ốc vặn rất dài
- Qua bốn lần, cứ thử thách sau lại khó hơn lần trước, bởi vì :
+ Về vị trí quan trọng của người đố : lần đầu là viên quan, hai lần tiếp theo là vua và lần cuối cùng là em bé phải "đương đầu" với người nước ngoài.
+ Nội dung và yêu cầu của câu đố ngày càng oái oăm, khiến những thành phần giải đố (bố, dân làng, các đại thần) đều bất lực, vò đầu suy nghĩ, lắc đầu bó tay.

Câu 3 : Trong mỗi lần thử thách, em bé đã dùng những cách gì để giải những câu đố oái oăm ? Theo em, những cách ấy lí thú ở chỗ nào ?
- Trong mỗi lần thử thách, em bé đã dùng những cách rất thông minh để giải đố :
+ Lần 1 :  Cậu bé giải đố bằng cách đố lại : ngựa một ngày đi mấy bước.
+ Lần 2 : Cậu bé giải đố bằng cách đóng kịch, trách cha không đẻ em bé để cho vua tự nói điều phi lí. Cậu bé dùng lí lẽ của vua (giống đực không đẻ) để bác ý vua.
+ Lần 3 : Cậu giải đố bằng cách đố lại : yêu cầu vua rèn cái kim may thành dao để làm thịt con chim sẻ dọn thành ba cỗ thức ăn.
+ Lần 4 : Cậu bé giải bằng kinh nghiệm dân gian khiến mọi người bất ngờ thú vị vì nó giản dị và hồn nhiên.
- Những cách giải đó nói trên của em bé thông minh rất lí thú : khi thì làm cho người ra câu đố tự thấy tính chất phi lí của câu đố, khi thì khéo léo chuyển thế bí sang người ra câu đó. Đồng thời, cách giải đố của em bé không dựa vào kiến thức sách vở mà sử dụng ngay kiến thức trong đời sống, làm cho người ra câu đố, người chứng kiến và người nghe ngạc nhiên và thán phục, chứng tỏ trí tuệ thông minh sắc sảo hơn người của em bé.

Câu 4 : Hãy nêu ý nghĩa của truyện cổ tích Em bé thông minh.
- Truyện đề cao trí thông minh của con người. Đó là trí thông minh được đúc rút từ kinh nghiệm phong phú của đời sống và khả năng vận dụng thích hợp trong thực tế.
- Truyện tạo ra các tình huống bất ngờ, đem lại tiếng cười thú vị.


 
II. Luyện tập
Câu 1 : Kể diễn cảm truyện này.
Học sinh tự thực hiện.
- Để kể diễn cảm truyện Em bé thông minh, cần xác định và nêu bật các tình huống truyện, đồng thời giọng kể và giọng đối thoại đặc sắc giữa em bé với người ra câu đố, câu nói của người cha...
- Riêng lời đối thoại của em bé, cần thể hiện sự hồn nhiên dí dỏm phù hợp với lứa tuổi của nhân vật chính.
 
Câu 2 : Hãy kể một câu chuyện "Em bé thông minh" mà em biết.
Nội dung câu chuyện Em bé thông minh được kể phải có tình huống nổi bật để thể hiện những yếu tố thông minh của nhan vật được kể.