Soạn bài Viết bài làm văn số 5 Nghị luận văn học - Ngữ văn 12 tập 2
Buy- phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: “Phong cách chính là người” Anh chị hiểu ý kiến trên như thế nào?
Cuộc sống luôn trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển, con người chỉ xuất hiện một lần và cũng đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng những gì mà con người để lại là thơ, là nghệ thật, là cách sống, triết lý sống hay kinh nghiệm sống thì luôn còn mãi với thời gian. Nhà văn sẽ đóng góp gì cho đời sống. Con người ta sẽ sống như thế nào cho đáng sống, viết và sống như như thế nào cho ra Người? Cho khỏi sống hoài sống phí? Tác phẩm Viết về nhận định con người nhà văn Pháp nổi tiếng Buy – phông có nhận xét rằng: “Phong cách chính là người”. Ta có thể hiểu câu nói trên như thế nào? Tại sao ông lại nói vậy? Sau đây chúng ta cùng tìm lời giải đáp.
Đầu tiên ta phải khẳng định rằng: đây là một ý kiến đúng và rất triết lý. Nói đến con người người ta nghĩ ngay đến những nhận thức xã hội, đó là những thứ khiến cho con người khác biệt với con vật. Một trong những thứ khiến cho con người khác con vật chính là phong cách.
Trước hết ta cần phải hiểu phong cách là gì? Theo nghĩa hẹp, phong cách là là cách thức riêng của một tác giả, một nghệ sỹ thể hiện trong sáng tạo một tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật. Đó là những biểu hiện mang tính chất hệ thống về tư tưởng nghệ thuật, các đặc trưng mang tính thẩm mỹ, ổn định về nội dung và hình thức thể hiện tạo nên giá trị độc đáo của tác giả. Theo nghĩa rộng, Phong cách là phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nề nếp ổn định của một người hoặc một lớp người được thể hiện trong tất cả hoạt động sống của chủ thể, tạo nên những giá trị riêng, những đặc trưng của họ. Phong cách được hiểu như một nguyên tắc điều chỉnh hành vi con người và trở thành thói quen, nề nếp ổn định khi suy nghĩ, diễn đạt và hoạt động thực tế. Đối với mỗi người thì phong cách của họ gần với đặc điểm truyền thống, thói quen, hoàn cảnh sống quy định, đồng thời mang dấu ấn cá nhân rất rõ. Mỗi người, từ bé thơ lớn lên đã có phong cách của mình. Phong cách nào cũng có sự tự tin của mình. Phong cách của nhà văn thuơng thể hiện qua các tác phẩm dưới hình thức nội dung và nghệ thuật. Hiểu một cách nôm na phong cách chính là, văn phong, vẻ bề ngoài, là hình thức biểu hiện nội dung của tác phẩm của con người nhà văn. Cách là cách thức con người nghệ sĩ thể hiện ra ngoài và tạo nên một nét riêng biệt của bản thân mình vì "sự lặp lại chính là cái chết của nghệ thuật". Vậy phong cách có nghĩa là chính là nét riêng biệt của mỗi con người tác giả, nó thể hiện được tính cách, bản chất, sở thích văn phong xu hướng của tác giả. Nói đúng hơn phong cách chính là nét độc đáo và phần đóng góp riêng của nhà văn cho đời sống văn học
Điều này chúng ta có thể thấy rõ trong văn học như kiệt tác "Truyện Kiều" của Nguyễn Du là tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân viết về người phụ nữ tài hoa bạc mệnh qua dòng lục bát như những câu ca dao. Hay khi nhắc tới Nam cao là người ta nghĩ ngay tác phẩm "Chí Phèo", đó là người nông dân bần cùng bế tắc trước cách mạng tháng Tám , đó là "lão Hạc" đó là "Một bữa no"....
Nếu như trong cuộc sống chúng ta, từ phong cách được thể hiện rất nhiều. Nói về trang phục, chúng ta cũng thường nghe thấy rất nhiều người nói rằng: “Chị kia thật phong cách”, “Anh ấy chạy theo phong cách thời trang Hàn Quốc”,... Phong cách của ca sĩ được thể hiện trong những bài hát của họ. Người ca sĩ hát nhạc ballad trữ tình sẽ khác với người hát nhạc rock hay nhạc cách mạng … Mỗi người ca sĩ ngoài gu ăn mặc, người ta sẽ nhớ đến họ theo một dòng nhạc nào đó. Mà chính những điều đó làm nên phong cách riêng của một người ca sĩ. Trong văn chương cũng vậy, nếu Xuân Diệu xuất hiện với phong cách nghệ thuật nhìn đời bằng con mắt tươi xanh biếc rờn, thơ Xuân Diệu lúc nào cũng chứa chan niềm yêu thương cuộc sống, yêu đến cuồng nhiệt, yêu đến say mê:
"Hãy yêu tôi một giờ cũng đủ
Một giây cũng cam, một phút cũng đành"
thì Nguyễn Khoa Điềm lại nghiêng về phong cách thơ trữ tình chính luận, Xuân Quỳnh góp vào nền thơ ca Việt Nam một phong cách thơ tha thiết, giàu cảm xúc.
"Sáng trông mặt đất thuơng xanh núi
Chiều vọng chân mây nhớ tím trời"
Ta thấy được rằng phong cách chính là bao gồm những nét đặc sắc cả phương diện nội dung và nghệ thật được nhà văn, nhà thơ biểu hiện rõ nét thông qua tác phẩm của mình. Cuộc sống thế nào thì văn học thế ấy. Con người nhà văn như thế nào thì phản ánh phong cách vào tác phẩm như vậy. Điều đó lý giải tại sao cùng viết về người nông dân: Ngô Tất Tố lại có chị Dậu một cách rất riêng mà Nam Cao lại cho Chí Phèo một cách rất lạ. Đấy chính là do phong cách tạo nên sự khác biệt.
Phong cách chính là con người, một tác phẩm, một phong cách thể hiện độc đáo chính sự độc đáo của con người nhà văn thông qua về nội dung của tác phẩm thể hiện ở quan niệm về cuộc sống và con người từ việc lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, cách lý giải về vấn đề cuộc sống và con người điển hình như ta thấy Tố Hữu hay viết về thơ ca cách mạng. Xuân quỳnh hay chọn đề tại tình yêu và được mệnh danh nữ hoàng thơ tình. Đúng như câu nói: "Thơ là tiếng nói tình cảm, cảm xúc"
Gắn liền với nội dung chính là nghệ thuật, phong cách của một nhà văn thể hiện qua việc lựa chọn thủ pháp nghệ thuật, tổ chức kết cấu, sử dụng ngôn ngữ.... Ngôn ngữ trong văn của Nguyễn Thi thì đậm tính Nam bộ, trong tác phẩm của Tố Hữu thì phảng phất những câu ca dao ngọt ngào, thơ của Nguyễn Duy thì rất tự do, mới ....
Điều thú vị nhất của bạn đọc đấy chính là khi đọc một tác phẩm phát hiện được những nét độc đáo trong phong cách của mỗi con người nhà văn. Mỗi phong cách khác nhau đã góp phần tạo nên sự da dạng phong phú cho nên văn học Việt Nam. Để có được điều đó, mỗi nhà văn, mỗi con người phải như con chim nhỏ nhưng sẵn sàng lao vào bụi mận gai, hi sinh như một sự dâng hiến để nhìn nhận cuộc đời trong vòng xoay biện chứng của sự vật và tạo nên cho cuộc sống thanh âm trong trẻo "văn học", Văn chương tối kị sự lặp lại "làm văn không phải thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”(Nam Cao). Hãy sáng tạo, hãy tạo ra phong cách của riêng mình, tạo nên dấu ấn của mỗi một cá nhân trong cuộc đời bởi "Mỗi người có một dạng vân tay, mỗi nhà văn có một dạng vân chữ"
Tất cả những phong cách trong những lĩnh vực, khía cạnh đời sống con người, của các tác phẩm từng đọc đều nói lên một điều rằng, phong cách chính là con người. Nói cách khác chỉ con người mới có phong cách, và nhà văn nhà thơ thì càng phải tạo nên phong cách của chính mình để đóng góp một sắc màu trong dải cầu vồng văn học nghệ thuật. Đó là điểm khác biệt giữa con người và loài vật, giữa nhà văn và máy "photocoppy" bình thường. Như vậy, ta có thể khẳng định rằng lời nhận xét của nhà văn người Pháp Buy – Phông hoàn toàn đúng đắn và chính xác: "phong cách chính là con người".