Soạn bài Những đứa con trong gia đình Nguyễn Thi
1. Đoạn trích "Những đứa con trong gia đình" được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật nào? Cách trần thuật này có tác dụng như thế nào đối với kết cấu truyện và khắc họa tính cách nhân vật?
2. Tác phẩm kể chuyện một gia đình nông dân Nam Bộ. Truyền thống nào đã gắn bó những người con trong gia đình lại với nhau?
3. Phân tích và so sánh tính cách các nhân vật Chiến, Việt để làm rõ sự tiếp nối truyền thống gia đình của những người con.
4. Phân tích những biểu hiện khuynh hướng sử thi trong đoạn trích này?
5. Đối với anh/chị, đoạn văn nào cảm động nhất? Vì sao?
Câu 1 trang 63 - SGK Ngữ văn 12 tập 2: Đoạn trích "Những đứa con trong gia đình" được trần thuật chủ yêu từ điểm nhìn của nhân vật nào? Cách trần thuật này có tác dụng như thế nào đối với kết cấu truyện và khắc họa tính cách nhân vật?
- Tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" được trần thuật chủ yếu qua điểm nhìn của nhân vật Việt khi bị trọng thương nằm lại nơi chiến trường.
- Tác dụng: Cách thức trần thuật này đã đem đến cho tác phẩm màu sắc trữ tình đậm đà, tự nhiên, sống động, đồng thời tạo điều kiện để nhà văn đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật để dẫn dắt câu chuyện, khắc họa sâu nét, mang lại tính chân thật cho câu chuyện được kể .
Câu 2 trang 63 - SGK Ngữ văn 12 tập 2: Tác phẩm kể chuyện một gia đình nông dân Nam Bộ. Truyền thống nào đã gắn bó những người con trong gia đình lại với nhau?
Tác phẩm kể chuyện một gia đình nông dân Nam bộ. Truyền thống gắn bó những người trong gia đình hai chị em Việt - Chiến là yêu nước mãnh liệt, căm thù giặc sâu sắc, thủy chung son sắt với quê hương cách mạng
Câu 3 trang 63 - SGK Ngữ văn 12 tập 2: Phân tích và so sánh tính cách các nhân vật Chiến, Việt để làm rõ sự tiếp nối truyền thống gia đình của những người con.
Hai chị em Việt - Chiến
* Chiến: "hai bắp tay tròn vo, sạm đỏ màu cháy nắng … thân người to và chắc nịch" mang vóc dáng của má. Đó là vẻ đẹp của con người sinh ra để gánh vác, để chống chọi, để chịu đựng để chiến đấu và chiến thắng.
* Việt: Lộc ngộc, vô tư của một cậu con trai mới lớn. "Lăn kềnh ra ván cười hì hì …" Nhưng sự vô tư không ngăn cản Việt trở thành một anh hùng (ngay từ bé Việt đã xông vào đá cái thằng đã giết cha mình, khi trở thành chiến sĩ, dù bị thương vẫn quyết một phen sống mái với kẻ thù …)
=> Việt là một thành công đáng kể của các nhân vật của Nguyễn Thi. Tuy hồn nhiên bé nhỏ trước chị nhưng trước kẻ thù Việt lại vụt lớn, chững chạc trong tư thế của một người chiến sĩ.
*) So sánh:
- Giống nhau
+ Cả hai đều giống nhau ở tấm lòng thương yêu cha mẹ, từ đó mà có lòng căm thù giặc sâu sắc. Tình cảm nung nấu, hun đúc thành ý chí sắt đá, thành lòng quyết tâm cao độ. Họ đều là những chiến sĩ dũng cảm, gan góc, lập được nhiều chiến công
- Khác nhau:
+ Chiến giống mẹ, Việt còn có vẻ hồn nhiên, vô tư nhưng Việt cũng thật đường hoàng, chững chạc trong tư thế của người chiến sĩ trẻ dũng cảm, kiên cường.
Câu 4 trang 63 - SGK Ngữ văn 12 tập 2: Phân tích những biểu hiện khuynh hướng sử thi trong đoạn trích này?
+) Khuynh hướng sử thi là một khuynh hướng trong sáng tác nghệ thuật thiên về việc phản ánh những sự kiện có ý nghĩa lịch sử mang tính toàn dân
+) Tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" được viết bằng cảm hứng sử thi:
- Hình ảnh gia đình là hình ảnh tiêu biểu cho đại gia đình đất nước
- Truyền thống của gia đình hòa cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc: nhiều nỗi đau nhưng cuồn cuộn căm hờn, kết tinh thành sức mạnh tinh thần to lớn, vô tận, bất khuất trước kẻ thù.
- Tác phẩm làm hiện lên với kích cỡ của những người anh hùng với những suy nghĩ, câu nói, hành động đáng khâm phục.
Câu 5 trang 63 - SGK Ngữ văn 12 tập 2: Đối với anh/chị, đoạn văn nào cảm động nhất? Vì sao?
Đoạn văn cảm động nhất đó là cảnh hai chị em Việt và Chiến khiêng bàn thờ má chạy qua cánh đồng, gửi sang nhà chú Năm để hai chị em lên đường đi chiến đấu.
- Không khí thiêng liêng đã biến Việt thành người lớn. Lần đầu tiên Việt thấy rõ lòng mình (thương chị lạ, còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy vì nó đang đè nặng trên vai).
- Hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng thể hiện sự trưởng thành của hai chị em có thể gánh vác việc gia đình và viết tiếp truyền thống tốt đẹp của gia đình.
LUYỆN TẬP
Câu 1 trang 64 - SGK Ngữ văn 12 tập 2: Phân tích đoạn tối thoại giữa chiến và Việt đêm trước ngày nhập ngũ. Tâm lý và tính cách của mỗi nhân vật thể hiện như thế nào qua đoạn đối thoại này?
Trả lời:
- Đoạn đối thoại của Chiến và Việt đêm trước ngày nhập ngũ rất sinh động, thể hiện rõ tính cách và cá tính của từng nhân vật.
- Hai chị em thể hiện là hai chị em gan góc và chung mối thù với bọn xâm lược. Tuy còn nhỏ tuổi, chí căm thù đã thôi thúc hai chị em cùng một ý nghĩ: phải trả thù cho ba má, và có cùng nguyện vọng: được cầm súng đánh giặc.
=> Như vậy, chỉ qua đoạn đối thoại của hai chị em trước đêm nhập ngũ ta cũng đã thấy rõ được tính cách của hai nhân vật Chiến - Việt. Cùng thương má, cùng mang mối thù chung của gia đình, cùng quyết tâm giết giặc, nhưng Chiến thì tỏ rõ tính cách, cá tính của người chị, một cô gái mới lớn, còn Việt thì tính cách, cá tính vẫn còn rất “trẻ con”, là cậu con trai vô tư, hồn nhiên