Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận - Ngữ văn 12 tập 1

I. Luyện tập trên lơp

1. Vận dụng các kiến thức đã học từ lớp 8, anh (chị) hãy trả lời các câu hỏi sau:

a) Vì sao trong một bài hoặc một đoạn văn nghị luận, cần vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả và biểu cảm?
b) Để việc vận dụng các phương thức biểu đạt đó thực sự có tác dụng nâng cao hiệu quả nghị luận, chúng ta cần chú ý những điều gì? Nêu ví dụ.

2. Trong rất nhiều trường hợp, để bài (đoạn) văn nghị luận có sức thuyết phục mạnh mẽ thì người viết (người nói) còn phải có khả năng vận dụng kết hợp phương thức biểu đạt thuyết minh. Nói như vậy có đúng không ? Vì sao?

3. Viết một bài văn nghị luận ngắn để phát biểu ý kiến trong buổi trao đổi về chủ đề : “ nhà văn mà tôi hâm mộ” do Câu lạc bộ Văn học của nhà trường tổ chức.

II. Luyện tập ở nhà

1. Những nhận xét sau là đúng hay sai ? Vì sao ?
a)Tác phẩm nghị luận có vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm , thuyết minh nhất định phải hay hơn tác phẩm nghị luận không sử dụng các phương thức đó.
b)Tác phẩm nghị luận chỉ vận dụng kết hợp một trong các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh thì không hay bằng tác phẩm vận dụng đồng thời hai , ba hoặc cả bốn phương thức nói trên.

2. Trong rất nhiều trường hợp, để bài (đoạn) văn nghị luận có sức thuyết phục mạnh mẽ thì người viết ( người nói) còn phải có khả năng vận dụng kết hợp phương thức biểu đạt thuyết minh. Nói như vậy có đúng không ? Vì sao?

Lời giải:
I. Luyện tập trên lớp
 
Câu 1 – Luyện Tập Trên Lớp - trang 158 SGK ngữ văn 12 tập 1: 
Vận dụng các kiến thức đã học từ lớp 8, anh (chị) hãy trả lời các câu hỏi sau:
a) Vì sao trong một bài hoặc một đoạn văn nghị luận, cần vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả và biểu cảm ?
b) Để việc vận dụng các phương thức biểu đạt đó thực sự có tác dụng nâng cao hiệu quả nghị luận, chúng ta cần chú ý những điều gì ? Nêu ví dụ.
 
Trả lời
 
a) Bởi vì:
- Khi kết hợp các phương thức biểu đạt khác nhau sẽ khiến đoạn văn thêm cuốn hút, đa dạng, có sức thuyết phục hơn.
- Không gây nhàm chán, khô khan cho người đọc, khiến người đọc dễ hiểu dễ tiếp thu.
b) 
- Nên kết hợp có chọn lọc các phương thức biểu đạt, không nên quá lạm dụng.
- Các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự chịu sự chi phối của hệ thống luận điểm, luận cứ.
- Ví dụ: Đối với luận điểm: ủng hộ việc đi lại bằng phương tiện thân thiện với môi trường.
+ Có thể miêu tả sự phát triển của hệ thống phương tiện hiện đại ở một số nước tiên tiến.
+ Kể lại một câu chuyện ngắn về sự chứng kiến những phát minh đặc biệt, hoặc câu chuyện về nhà phát minh, kiến trúc sư sáng chế ra phương tiện.
+ Những hành vi sử dụng yếu tố miêu tả, kể chuyện đó hoàn toàn chịu sự chi phối của luận điểm : Những phương tiện thân thiện với môi trường đem lại lợi ích không chỉ với môi trường và với sức khỏe.  
 
Câu 2 – Luyện Tập Trên Lớp - trang 158 SGK ngữ văn 12 tập 1: Trong rất nhiều trường hợp, để bài (đoạn) văn nghị luận có sức thuyết phục mạnh mẽ thì người viết (người nói) còn phải có khả năng vận dụng kết hợp phương thức biểu đạt thuyết minh. Nói như vậy có đúng không ? Vì sao?
Trả lời
 
Trong văn bản được trích dẫn ở sách giáo khoa (trang 158)
Người viết sử dụng phương pháp thuyết minh :
- Giải thích về GDP và GNP về mối quan hệ giữa hai chỉ số, đồng thời khẳng định giá trị cần thiết của GNP đối với người dân Việt Nam và đất nước.
* Tác dụng của phương pháp thuyết minh :
- Hỗ trợ làm nền tảng cho hệ thống luận điểm chặt chẽ, thuyết phục hơn.
- Giúp người đọc hiểu rõ ràng về những vấn đề được đề cập.
→ Phương pháp thuyết minh vô cùng cần thiết, quan trọng trong một bài văn nghị luận để làm sáng tỏ hệ thống luận điểm.
 
Câu 3 – Luyện Tập Trên Lớp - trang 159 SGK ngữ văn 12 tập 1: Viết một bài văn nghị luận ngắn để phát biểu ý kiến trong buổi trao đổi về chủ đề : “nhà văn mà tôi hâm mộ” do Câu lạc bộ Văn học của nhà trường tổ chức.
Trả lời
 
Ví dụ: nhà văn Nam Cao
MB : 
- Cần làm rõ giới thiệu về tên tuổi, vị trí của nhà văn trong lòng độc giả.
 Nam Cao – cái tên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả, là ngọn cờ giương cao trong trào lưu văn học hiện thực (1939-1945)
TB:
- Cần xác định rõ ràng chủ đề của bài phát biểu – về các khía cạnh được đề cập đến
- Ở đây hệ thống luận điểm xoay quanh : Những truyện ngắn hiện thực của Nam Cao trong giai đoạn (1939-1945)
- Đề tài trong truyện ngắn của ông không mới, xoay quanh hai đề tài chính : nông dân và người tiểu tư sản tri thức nghèo
- Đặc điểm của đề tài đó :
+ Những gia đình nông dân không mấy toàn vẹn với cuộc sống đói nghèo và nạn cường hào.
+ Người nông dân của Nam Cao thường lẻ bóng, cô đơn, độc thoại triền miên. ví dụ: Ông góa vợ (Một đám cưới), Lão Hạc, Chí Phèo,... (so sánh với những nhà văn cùng làm đề tài (So sánh với những nhà văn cũng làm về đề tài này)
- Hệ thống nhân vật – thế giới nội tâm trong những câu truyện ngắn của Nam Cao
- Bút pháp hiện thực điển hình cùng giọng văn tuy lạnh lùng, sắc bén, nhưng trong cái dửng dưng đó lại là một trái tim nhân hậu, hết mực chua xót, đau thương trước những cảnh cơ nhỡ , lầm than của nhân dân.
- Tính triết luận trong nhiều tình tiết của những truyện ngắn Nam Cao.
KB : 
Khẳng định lại giá trị của những tác phẩm mà Nam Cao để lại – liên kết tính bài học cuộc sống thường ngày.
 
II. Luyện tập ở nhà
 
Câu 1 – Luyện tập ở nhà - trang 161 SGK ngữ văn 12 tập 1: Những nhận xét sau là đúng hay sai ? Vì sao ?
a) Tác phẩm nghị luận có vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh nhất định phải hay hơn tác phẩm nghị luận không sử dụng các phương thức đó.
b) Tác phẩm nghị luận chỉ vận dụng kết hợp một trong các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh thì không hay bằng tác phẩm vận dụng đồng thời hai, ba hoặc cả bốn phương thức nói trên.
 
Trả lời
 
Hai nhận định trên chính xác nhưng cũng tùy trường hợp
- Nếu những phương pháp biểu đạt không được sử dụng chọn lọc, bổ sung cho hệ thống luận cứ làm sáng tỏ luận điểm, bài văn nghị luận sẽ thêm dài dòng, tản mạn.
- Tuy nhiên, nếu những phương thức biểu đạt được sử dụng phù hợp sẽ khiến bài nghị luận hay hơn, không khô khan, và mang tính thuyết phục hơn.
 
Câu 2 – Luyện tập ở nhà - trang 161 SGK ngữ văn 12 tập 1 Viết một bài (hoặc một đoạn) văn nghị luận có đề tài liên quan đến một vấn đề thời sự đang đặt ra một cách bức thiết trong đời sống.
 
Bài làm
 
      Nền tảng của mối quan hệ trong gia đình hiện đại chính là vật chất. Khi một trong hai người (thuộc vợ, chồng) không thể làm chủ được tài chính hoặc mở rộng, duy trì tài chính trong gia đình, nâng cấp đời sống thì dễ dẫn đến những xung đột không đáng có. Khi xảy ra xung đột, thì tất yếu, những đứa con sẽ trở thành “nạn nhân” .
       Một người đàn ông trưởng thành , có gia đình, nhưng lương trung bình hàng tháng mà anh ta kiếm được ở thành phố Hà Nội đắt đỏ này,chỉ có 5 triệu đồng, và anh ta còn phải lo hàng tá vấn đề ở nhà cho vợ, con: Từ tiền xăng xe đi lại, ăn uống, nước, điện, tiền học của con. Trong khi đó, vợ anh ta cũng không kiếm khá hơn là bao, và hai vợ chồng luôn trong tình trạng đầu tắt, mặt tối để lo lắng kiếm từng đồng, duy trì gia đình. Điều này dễ dẫn đến căng thẳng tột độ trong mỗi cá nhân, và sẽ là ngòi nổ cho xung đột gia đình, khi không còn thời gian để quan tâm, yêu thương , và dành cho nhau những điều tốt đẹp, đầy đủ.
Đối với mối quan hệ trong gia đình khuôn mẫu, kiểu xưa, thì vợ chồng: “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”, còn đối với sự phát triển, tiến bộ của ngày nay , đòi hỏi sự nỗ lực để xây dựng tài chính vững chắc từ cả hai phía trong gia đình. Cũng đáng thương thay! Chính sự thay đổi về quy luật và xu hướng cấu tạo nên thứ đời sống tinh thần, được gọi là “gia đình” đã khiến trẻ em trở thành “nạn nhân” của công nghệ thông tin, của đòn roi, của những trò quảng cáo nhăng cuội trên sóng ti vi. Thiết nghĩ, cần duy trì, hòa hợp nếp sống coi trọng tinh thần, phù hợp với mức sống đang có trong gia đình mỗi người, để duy trì hạnh phúc lâu bền, nuôi nấng và dạy bảo con cháu lớn khôn.