Soạn bài Đọc thêm Đất nước - Nguyễn Đình Thi - SGK Ngữ văn lớp 12
1. Theo anh (chị), nên chia bài thơ làm mấy phần ? Nêu ý chính của mỗi phần và giải thích mối quan hệ giữa các phần.
2. Hình ảnh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của nhà thơ (từ “Sáng mai trong" đến “lá rơi đầy") có những điểm gì đặc sắc ?
3. Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi" đến “Những buổi ngày mai vọng nói về".
4. Những suy tư và cảm nhận của Nguyễn Đình Thi về quê hương, đất nước Việt Nam trong phần cuối của bài thơ (từ “Ôi những cánh đồng quê chảy máu" đến hết bài) ?
5. Nhận xét về độ dài ngắn của các câu thơ, cách chọn lựa hình ảnh và nhịp điệu trong bài thơ. Cách viết như vậy có tác dụng gì ?
Câu 1 - Trang 126 SGK ngữ văn 12 tập 1: Theo anh (chị), nên chia bài thơ làm mấy phần ? Nêu ý chính của mỗi phần và giải thích mối quan hệ giữa các phần.
Trả lời
Phần 1: Từ đầu đến Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy:
Những hoài niệm về một thuở con người ra đi chiến đấu vì lí tưởng của đất nước.
Phần 2: “Mùa thu nay khác rồi” đến “những buổi ngày xưa vọng nói về”
Cảnh tượng của mùa thu nay : mùa thu của hòa bình, của tự do và niềm vui, niềm hạnh phúc phơi phới
Phần 3: Phần còn lại :
Hồi tưởng về những tháng ngày năm xưa, chiến đấu, hi sinh, mất mát, gian khó.
→ Mối quan hệ giữa các phần: Mối liên hệ về mặt cảm xúc, để làm rõ bổ sung cho cảm hứng tổng hợp về đất nước: hình ảnh đất nước Việt Nam không chỉ có những con đường hay “những dòng sông nước chảy phù sa" mà còn là một đất nước, vươn lên từ trong gian khổ, chiến tranh.
Câu 2 - Trang 126 SGK ngữ văn 12 tập 1: Hình ảnh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của nhà thơ (từ “Sáng mai trong" đến “lá rơi đầy") có những điểm gì đặc sắc ?
Trả lời
- Bằng tất cả tri giác từ thị giác đến xúc giác và cả khứu giác, nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh Hà Nội xưa cùng những tháng ngày đã xa: Gió thổi, hương cốm, chớm lạnh, xao xác hơi may… gợi cảm giác buồn bã, cô đơn, hiu quạnh - bức tranh của lòng người.
- Hình ảnh con người “người ra đi đầu không ngoảnh lại" - “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" thể hiện mùa thu của những người con phải ra đi, bỏ lại sau lưng những nỗi buồn, luyến tiếc, tuổi thanh xuân.
→ Những cảm nhận hết sức tinh tế, đầy đủ tri giác như một đòn bẩy thể hiện cảm xúc của người ra đi
Câu 3 - Trang 126 SGK ngữ văn 12 tập 1: Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi" đến “Những buổi ngày mai vọng nói về".
Trả lời
- Đoạn thơ thể hiện những thay đổi, chuyển biến từ nỗi buồn, đau đớn, sang cảm giác của yên bình và tự do, của cảm xúc thăng hoa, tràn đầy nhựa sống.
- Những câu thơ chuyển sang âm hưởng của tự do, độ dài của những câu chữ cúng thay đổi theo mạch cảm xúc của nhà thơ.
- Sự tương phản giữa thu xưa - thu nay: “xao xác hơi may" - “gió thổi rừng tre phấp phới": không khí ảm đạm được thay bằng cảm giác vui tươi tràn đầy nhiệt huyết. “Trời thu thay áo mới" tính nhân hoá trong câu thơ, khiến tất cả trời thu như gói gọn trong từng con chữ, thơ như có hơi thở.
- Đại từ nhân xưng “tôi" để nói về cảm xúc tràn đầy niềm vui cá nhân, niềm vui nguồn cảm hứng đó được lan toả - từ “tôi" chuyển thành “chúng ta" (3 lần) như một sự sẻ chia, khẳng định niềm vui hoà bình, tự do không phải niềm vui cá nhân, đó là niềm vui của cả một dân tộc, một đất nước.
- Nhà thơ thể hiện niềm tự hào sâu sắc với đất nước đã từng “rũ bùn” đứng dậy chói loà. Đó là nhịp cầu bắc về những năm tháng đã xa, những tháng ngày đánh giặc bất khuất, chịu nhiều gian khổ nhưng không cúi đầu.
"Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về"
- Sau chiến thắng Việt Bắc thu - đông năm 1947, cả một vùng thuộc sáu tỉnh biên giới phía Bắc được giải phóng. Điều đem lại cảm hứng tin tưởng, tự hào của các nhà thơ đi theo kháng chiến (đoạn thơ này được chắp bút từ năm 1948)
Câu 4 - Trang 126 SGK ngữ văn 12 tập 1: Những suy tư và cảm nhận của Nguyễn Đình Thi về quê hương, đất nước Việt Nam trong phần cuối của bài thơ (từ “Ôi những cánh đồng quê chảy máu" đến hết bài) ?
Trả lời
- Đoạn thơ là sự “vọng về" của những trang sử hào hùng của dân tộc.
- “Ôi những cánh đồng quê chảy máu”... “nhớ mắt người yêu” : vẻ đẹp trữ tình, vẻ đẹp tâm hồn những người lính nổi bật giữa hiện thực đầy tàn khốc, đau thương.
- “Từ những năm đau thương chiến đấu”... “Lòng dân ta yêu nước thương nhà” : Phản ánh lên bức tranh hiện thực tối đen như mực về hoàn cảnh, thực trạng những người dân Việt Nam phải đối mặt, và những ý chí bất khuất cùng lòng căm hờn đã trở thành con thuyền mạnh mẽ rẽ sóng .
- “Khói nhà máy cuộn trong sương núi”....đến hết : là viễn cảnh về một đất nước của hiện tại – đất nước của hòa bình, phát triển và được dựng xây nên từ máu xương của bao người. Sự hòa quyện về không gian- thời gian khiến bức tranh Đất Nước của Nguyễn Đình Thi như sâu sắc, đa chiều và thể hiện được trọn vẹn xúc cảm của nhà thơ.
→ Những lí tưởng, về đất nước hiện tại - ngày mai, đã khiến hình tượng cuối trong bài thơ chứa đầy cảm xúc: “súng nổ rung trời giận dữ" … “Nước Việt Nam như từ máu lửa" … “Rũ bùn đứng dậy sáng loà" : là hành động anh dũng của những người dân chiến đấu, lấy lại chính quyền trong cách mạng tháng Tám. Nhạc điệu của bài thơ như đạt đến nốt cao nhất trong bản đàn, là hình tượng hội tụ, được bồi đắp trong suốt bài thơ - mạch thơ.
Câu 5 - Trang 126 SGK ngữ văn 12 tập 1: Nhận xét về độ dài ngắn của các câu thơ, cách chọn lựa hình ảnh và nhịp điệu trong bài thơ. Cách viết như vậy có tác dụng gì ?
Trả lời
- Bài thơ sử dụng thể thơ tự do: với những câu thơ dài, ngắn khác nhau: xen kẽ trong các khổ thơ, phù hợp với nhịp điệu, nhạc điệu thơ khi nhanh - chậm, hoà quyện với mạch cảm xúc của tác giả.
- Sự cô đúc trong ngôn từ, tạo được âm vang, hiệu ứng trong lòng độc giả về hình ảnh một đất nước của Nguyễn Đình Thi
- Những hình ảnh trong thơ mang tính sử thi, hào hùng, bi tráng, mang tính khái quát, cô đọng, thường là hình ảnh trữ tình mang tính biểu trưng, đại diện, thể hiện phẩm chất tài hoa của nhà thơ, đồng thời là bước đệm cần thiết, thể hiện rõ mạnh cảm xúc, suy tư của tác giả
→ Tác dụng: Dẫn dắt cảm xúc của đọc giả theo từng cung bậc khác nhau, từ những trang sử bi hùng, đến những niềm vui ngày độc lập, hạnh phúc rồi cùng cảm thấy gian khó, đau đớn trải qua những ngày dân ta “rũ bùn” đứng dậy. Tất cả như một câu chuyện cho người đọc nhập vai vào.
→ Xây dựng hình ảnh đất nước với chiều dày của lịch sử, chiều dày của năm tháng, chiều dày của cảm xúc, và lòng yêu thương từ những người con thuộc về đất nước. Từ đó mà đất nước hiện lên như một bức tượng đài đẹp đẽ, sống động