Soạn bài Tây tiến Quang Dũng

1.  Theo văn bản, bài thơ chia thành 4 đoạn. Nêu ý chính của mỗi đoạn và chỉ ra mạch liên kết giữa các đoạn?


2. Nét đặc sắc của bức tranh thiên nhiên trong đoạn thơ thứ nhất và hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên trong đoạn thơ như thế nào?


3. Đoạn thơ thứ hai mở ra một thế giới khác với những vẻ đẹp của con người về thiên nhiên miền Tây khác với đoạn thơ thứ nhất. Hãy phân tích:


4. Hình ảnh người lính Tây Tiến được lặp lại trong đoạn thơ thứ ba. Hãy làm rõ vẻ đẹp lãng mạn và tính chất bi tráng của hình ảnh người lính.


5. Ở đoạn cuối, nỗi nhớ Tây Tiến được diễn tả như thế nào? Vì sao nhà thơ viết: “Hồn về sầm Nữa chẳng về xuôi"?

Lời giải:

 
Đôi nét cần biết về tác giả và Tây Tiến.
- Quang Dũng (1921-1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây ( nay thuộc Hà Nội) , là người con của mảnh đất hào hoa, giàu truyền thống, lãng mạn, nhưng cũng rất đỗi hào hùng . Hà Nội – đã tôi luyện cho hồn thơ Quang Dũng thêm giàu có, phong phú, song cũng là nơi sản sinh ra một nghệ sĩ đa tài : làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. 
- Người ta biết đến ông bởi hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – Đặc biệt khi viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài ( Sơn Tây) của mình. 
- Tác phẩm chính của ông : Rừng biển quê hương ( tập thơ , văn , in chung với Trần Lê Văn- 1957), các tập truyện kí: Đường lên Châu Thuận (1964), Rừng về xuôi ( 1968), Nhà đồi ( 1970), tập thơ Mây đầu ô ( 1986)
- Quang Dũng tham gia quân đội. Ông từng là chiến sĩ Tây Tiến ( lực lượng đa số là thanh niên Hà Nội) trong đó có nhiều học sinh, sinh viên , những người thuộc nhiều tầng lớp , lần đầu đến với miền Tây , chiến đấu trong hoàn cảnh dữ dội, gian khổ, thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác, rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, ông đem lòng nhớ nhung, tại Phù Lưu Chanh, ông đã viết bài thơ Tây Tiến, nhớ về những người đồng đội cũ. 
- Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ : Lãng mạn, hồn hậu, nhưng phóng khoáng, tài hoa, giàu nội lực và âm hưởng. ( in trong tập Mây đầu ô)
 
Câu 1 :  Theo văn bản, bài thơ chia thành 4 đoạn. Nêu ý chính của mỗi đoạn và chỉ ra mạch liên kết giữa các đoạn?
 
Đoạn 1 : 14 câu thơ đầu ( từ đầu đến Mai Châu mùa em thơm nếp xôi) : Những hồi ức về tháng ngày gian khó, khổ cực của những người chiến sĩ Tây Tiến, nhưng luôn đậm nét lạc quan, vẻ hào hoa, phóng khoáng của những tâm hồn trẻ, sôi sục khí thế.
 
Đoạn 2 : 8 câu thơ tiếp theo ( Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa... Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa ) : Những kỉ niệm ùa về : Tình quân dân và vẻ đẹp khó quên của núi rừng Tây Bắc. 
 
Đoạn 3 : 8 câu thơ tiếp theo ( Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc... Sông Mã gầm lên khúc độc hành) : Những hi sinh thầm lặng, về vật chất, về tinh thần của những chàng trai Tây Tiến. Họ đốt cháy cả nhiệt huyết và tâm hồn trẻ đến hơi thở cuối cùng. 
 
Đoạn 4 : 4 câu thơ cuối cùng ( Tây tiến người đi không hẹn ước...hết ) : những dư âm tồn đọng mãi về một cuộc chiến, về những người chiến sĩ Tây Tiến, vương vấn trong lòng tác giả. 
 
 Nhận xét :Mạch cảm xúc của bài thơ tự nhiên, hồn hậu, được bồi đắp, lớp lang như một bản đàn, có dạo đầu, có phân khúc cao trào mãnh liệt, và có những dư âm tồn đọng sâu lắng ,khi bản đàn dần kết thúc. Toàn bộ mạch cảm xúc nhất quán, mãnh liệt , hòa quyện trong tâm hồn tác giả. 
 
Câu 2 : Nét đặc sắc của bức tranh thiên nhiên trong đoạn thơ thứ nhất và hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên trong đoạn thơ như thế nào?
 
Bức tranh thiên nhiên khắc nghiệt , với những nét chấm phá dữ dội : 
- “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi / Mường Lát hoa về trong đêm hơi” : Thời gian được nhắc đến nối liền hai câu thơ : Sương- đêm hơi : cho thấy cuộc hành trình gian truân kéo dài từ khi trời còn chưa tỏ, sương lấp lối, cuốn đầy quanh những bàn chân người lính , và đến tận giây phút những hạt sương ấy lại ập xuống quanh không gian các anh, sau suốt một khoảng thời gian chiếu sáng- ngưng sáng của một ngày . Sự dồn nén về thời gian trong hai câu thơ và những địa danh xa lạ với những chàng trai Hà Thành,  khiến chặng đường trở nên gian khó, khắc nghiệt, hiểm nguy hơn bao giờ hết. 
- Dốc lên khúc khuỷu, thăm thẳm/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống : Bức tranh thiên nhiên đạt đến độ thách thức đỉnh điểm khi dần dần hiện rõ nét độ cao, độ sâu : “ngàn thước” , tưởng chừng như những chủ thể bé nhỏ đang bị ép lại trong cái uy hùng, lực lưỡng, oai nghiêm của thiên nhiên . 
- Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi : vẻ đẹp của một cơn trút lòng, của một cái thở dài, của ánh nhìn xa xăm, khát vọng được sống, được tiếp tục hi vọng khi đứng giữa muôn trùng trắc trở của núi non, sự thách thức cực độ của thiên nhiên. Bức tranh có bề lắng, nhưng vẫn còn mơ hồ : “Nhà ai?” ( từ phiếm chỉ) 
- Thác gầm thét /Mường Hịch cọp trêu người : Ngay trong cái mơ hồ, ảo mộng lại là một cuộc đối đầu gay cấn khác : Với sông nước, với thác dữ, với những tiếng gầm rú của thú dữ : Sự thách thức có thể cảm nhận được bằng thị giác, thính giác, xúc giác .
 
Tuy nhiên, trước những gian khó, hiểm nguy, trước muôn trùng thách thức ngạo nghễ của thiên nhiên đó, những người lính Tây Tiến vẫn miệt mài thực hiện nghĩa vụ của mình. Một chất giọng hòa hoa, một bản lĩnh đương đầu với thiên nhiên khốc liệt : “ heo hút cồn mây súng ngửi trời” : Vật nối trung gian, (hình ảnh ẩn dụ người lính) trở thành “càn khôn” xoay chuyển vũ trụ, như chống đỡ cả khoảng không gian âm u phía trên cao và cả những “ngàn thước”của núi non đang cố dồn ép mình trong một khung tranh mờ ảo, nhạt nhòa. Và ngay cả khi phải đối mặt với cái chết “Gục lên súng mũ bỏ quên đời”, những người lính vẫn lạc quan, vẫn tiếp tục chiến đấu, đốt hết “lửa nhiệt” trong tâm hồn. Và để trút lại sau lưng toàn bộ khó nhọc, họ vẫn mơ màng nhớ mãi về những “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” : tình thương , những kỉ niệm ấm lòng như đang cố thôi thúc họ chiến đấu, vững bước trên con đường của mình. 
 
Nhận xét : Bức tranh thiên nhiên càng gian khó, khốc liệt bao nhiêu, càng thách thức bao nhiêu, lòng người lại như đá,như sắt, ý chí kiên trì, bền bỉ, không quản gian truân. 
 
Câu 3 : Đoạn thơ thứ hai mở ra một thế giới khác với những vẻ đẹp của con người về thiên nhiên miền Tây khác với đoạn thơ thứ nhất. Hãy phân tích:
 
- So sánh : Trong đoạn thơ thứ nhất, tác giả chú trọng xây dựng hình ảnh bức tranh thiên nhiên khốc liệt, gian truân, cực khổ, cốt làm nổi bật lên hình tượng anh dũng, uy nghi của những người lính Tây Tiến , song đến đoạn thơ thứ hai, Quang Dũng tập trung xây dựng những nét hào hoa, lãng mạn ,vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn những người lính trẻ.
 
- Cảnh vật và con người hòa quyện làm một, giữa những ánh lửa chập chùng, giữa tiếng khèn, giữa chiều sương, giữa dòng nước lũ , hình ảnh “em” xuất hiện, hình ảnh “dáng người độc mộc” trở thành những nét chấm phá, gợi hình đặc biệt ,là chủ thể được nhắn gửi tình cảm của người cầm bút. Trong những “khoảng lặng của bom đạn”, người chiến sĩ nhớ về những thứ thanh bình, yên ả nhất, trở thành “phép cứu cánh” xoa dịu những nỗi đau thể chất, những gian khó. Song, cũng là một giọng nói của tình yêu thương, của nét tài hoa,  lãng mạn, của những lời thủ thỉ cất lên khi cả một dàn hùng ca đang dần lắng xuống. 
 
- Vẻ man điệu , huyền bí, “thi trung hữu họa” của đêm nhạc Doanh trại cùng lời tiễn biệt khi đi Châu Mộc trở thành khoảng không gian trữ tình , để rồi biến hóa cả những vật tưởng vô tri vô giác  cỏ lau, bỗng có hồn , bỗng biết luyến tiếc, xót xa , bỗng có khát vọng và niềm tin sâu sắc rằng sẽ quay trở lại , để mà “nẻo bến bờ”. 
 
- Nhận xét : Phải có bút lực, phải có tình yêu thương chân thành những miền đất Tây Bắc ấy, phải có một hồn thơ, thực thơ, và một bản lĩnh để cất lên thứ giọng trữ tình nhưng không yếu mềm , Quang Dũng mới có thể lưu lại một dư âm xót xa, nhưng hi vọng đến thế !. 
 
Câu 4 : Hình ảnh người lính Tây Tiến được lặp lại trong đoạn thơ thứ ba. Hãy làm rõ vẻ đẹp lãng mạn và tính chất bi tráng của hình ảnh người lính.
 
Vẻ lãng mạn và tính bi tráng đã hòa làm một trong khổ thơ thứ ba . Giữa những đau khổ, gian truân, vất vả , hình ảnh những người lính với vẻ đẹp lãng mạn , hào hoa vẫn hiện lên, giọng thơ oai hùng , kiêu bạc
“Đoàn binh không mọc tóc /Quân xanh màu lá dữ oai hùm” : Giữa căn bệnh sốt rét ở chốn rừng thiêng nước độc , những người lính thường cạo tóc , hoặc tóc đã rụng hết do bệnh. Làn da xanh xao , ốm yếu và nhợt nhạt. Tuy nhiên, trước sự thật trần trụi đó, trước những hốc mắt sâu hoắm và những nỗi đau dày vò thể xác, Quang Dũng lại nhìn bằng ánh mắt oai hùng, uy nghiêm và đầy chất thơ : “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”: là những tình cảm chân thành, thầm kín, một nỗi lòng âm ỉ trong những người trẻ tuổi. 
Đây là đoạn thơ đỉnh điểm,là phân khúc cao trào nhất của cả bài thơ, đồng thời là tiếng ngân cao nhất trong bản đàn. Ngay trước cả cái chết “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” : thì vẻ đẹp kiêu bạc vẫn hiện lên . Không ủy mị, đau thương , không một lời xót xa. Và họ không nề hà thân xác họ, họ hi sinh và cả những hi sinh đó cũng trở thành niềm cảm hứng cho núi sông : “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
 
Câu 5  :    Ở đoạn cuối, nỗi nhớ Tây Tiến được diễn tả như thế nào? Vì sao nhà thơ viết: “Hồn về sầm Nữa chẳng về xuôi"?
 
 Một lần nữa, Quang Dũng dùng giọng nói của những bậc trượng phu, những đấng anh hào, những vị anh hùng để nói lên nỗi nhớ thăm thẳm trong tim : “ Đường lên thăm thẳm một chia phôi”. Không hẹn , không thề, không rõ ngày về , trong giọng nói có cả sự quyết tâm, nhưng cũng có những xao xuyến, bồi hồi, có cả cõi lòng đang trĩu nặng . Ngay đầu bài thơ : “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi / Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi” : Dường như đó là hai câu tựa đề, là câu hỏi , là lời gọi vọng về kí ức xuyên suốt cả bài thơ, nên khi bài thơ khép lại, câu trả lời như tỏ tường : “ hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Từ nỗi nhớ ấp ủ, để rồi tràn lan qua những kỉ niệm và rồi cuối cùng gói buộc tâm hồn mình với mảnh đất đã hi sinh tuổi trẻ, xương máu, nhiệt huyết trong nó.
 
Luyện tập
 
Câu 1: Bút pháp của Quang Dũng trong bài thơ là bút pháp hiện thực hay lãng mạn ? phân tích so sánh Tây Tiến với bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu để làm rõ bút pháp đó. 
 
Bút pháp của Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến là bút pháp Lãng mạn trên chất liệu hiện thực: Cuộc chiến tranh vệ quốc khốc liệt của những anh hào .
Điểm chung của cả hai bài thơ : Chính Hữu và Quang Dũng đều sử dụng  chất liệu hiện thực: cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt của những chàng lính trẻ. Những người lính sống trong hoàn cảnh gian truân, khó nhọc , nhưng vẫn rạng ngời niềm tin yêu, lạc quan, hi vọng, ngập tràn lí tưởng
Điểm khác nhau 
- Đối với “Đồng Chí” của Chính Hữu : Sử dụng bút pháp hiện thực để nói về những ngày tháng gian truân của những chàng lính. Âm hưởng trong thơ Chính Hữu thường để lại những khoảng lặng sau những con chữ cô đúc, khúc triết : “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh / Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi”.  Căn bệnh sốt rét được lột tả một cách chân thực, cụ thể , như một trải nghiệm mà chính người cầm bút đã từng thấu hiểu. 
- Đối với Quang Dũng, tính hiện thực , đau thương đó, lại trở thành một hạt bụi vàng, bước vào trang thơ đầy lãng mạn : “ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc / Quân xanh màu lá dữ oai hùm” . Không những là trải nghiệm, câu thơ mang đến âm hưởng hào hùng như một nốt ngân cao, vang trong bản đàn, giọng thơ oanh tạc , những hình ảnh về chàng trai Hà Thành kiêu bạc như lặp lại sau những con chữ. 
- “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”- “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ” 
Với Chính Hữu, ông đi sâu, khắc họa mối quan hệ khăng khít, là tình thân giữa những người chiến hữu, như anh em trong một nhà còn với Quang Dũng ông hướng sâu vào nội tại , hướng đến tâm tư , tình cảm sâu thẳm của người lính nơi chiến trường. 
- “Áo anh rách vai”- “áo bào thay chiếu anh về đất”....
 
Câu 2 : Qua bài thơ , anh  chị hình dung như thế nào về chân dung người lính Tây Tiến
 
Vẻ đẹp lãng mạn của người lính Tây Tiến
-Qua dòng hồi ức về những người lính Tây Tiến, họ hiện lên với chất kiêu bạc, hào hoa của những người con đất Hà Thành . Trải qua những gian khó, sống ở nơi rừng thiêng nước độc , những người lính vẫn hiện lên với vẻ lạc quan, tràn đầy sức sống niềm tin và hi vọng. Họ hướng về nội tại, chân thành . Những tình cảm như những nốt nhạc lặng trong tâm, chỉ trực chờ phút giây mà bung ra, ào ạt , tràn lan đến cảnh vật “hồn lau nẻo bến bờ” ... Thứ tình thương , như những hơi thở dài được trút ra trong gian khó “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” , “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”...
Vẻ bi tráng của người lính Tây Tiến
-Những hi sinh và ngay cả cái chết của các anh , cũng nhẹ “tựa hồng mao”. Cái chết đó tựa như một giấc ngủ : “Áo bào thay chiếu anh về đất” . Cả tuổi xuân xanh của các anh như thắm lại nơi đất các anh nằm, chính tuổi xanh , chính cả mời đời trai trẻ đầy lí tưởng, khát vọng, đã trở thành “tấm áo bào” nguy nga ôm trọn tấm lòng và thân thể các anh, khi các anh từ giã những người đồng đội. Và cuộc tiễn đưa tưởng như bi lụy đó lại trở thành một khúc khải hoàn mãnh liệt của núi sông “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” . Không là tiếng khóc, không là tiếng nỉ non, đó là những lời tiễn biệt đầy oai hùng, bi tráng . Ngay cả căn bệnh sốt rét, ngay cả khi cái chết đã cận kề, thì hình ảnh về đời sống tinh thần nội tại, về lòng yêu chuộng vẻ đẹp, thương nhớ đến nơi sinh thành ,vẫn hiện hữu trong tâm trí những người lính : “ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Tổng kết:
Ở những người lính Tây Tiến hội tụ đầy đủ vẻ đẹp và phẩm chất của một người lính, luôn tràn đầy lí tưởng , khát vọng, của một người nghệ sĩ, yêu chuộng vẻ đẹp một cách chân thành . Các anh như được đúc tượng qua ngòi bút của Quang Dũng : uy nghi, hùng dũng, nhưng lại là những gương mặt trẻ, mang đầy nét thơ, với tâm hồn và đời sống tinh thần phong phú, hào hoa, không kém lãng mạn. Các anh khiến những  nhịp đập trái tim, và tâm hồn lãng mạn đó hòa cùng vào nhịp đập trái tim của tổ quốc.