Soạn bài Thao tác lập luận phân tích

I. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận phân tích

 

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới.
 
  Nhưng trong xã hội này, bẩn thỉu và bần tiện thì có lẽ không ai bằng Sở Khanh. Trong các nghề bất chính ngày xưa, có một cái nghề rất tồi tàn là nghề sống bám các thanh lâu, nghề làm chồng hờ của gái điếm. Nhưng trong cái bọn tồi tàn ấy cũng rất ít ai tồi tàn như Sở Khanh. Sở Khanh vờ làm nhà nho, làm hiệp khách và Sở Khanh vờ yêu để kiếm chác, đế đánh lừa một người con gái. Người ấy lại là người vì hiếu thảo mà rơi nào chốn lầu xanh lại là người đã tỏ ra rất tin, rất đội ơn Sở Khanh. Và Sở Khanh lừa người ta là để người ta bị đánh đập tơi bời, bị ném nào kiếp lầu xanh không cách gì chống lại. Cho nên lúc Tú Bà đuổi tới nơi và Sở Khanh rẽ dây cương biến mất, tâm lí của bất kì ai, dầu hiền lành đến mấy, khi đọc tới đó là: giá có cách gì tóm được Sở Khanh thì cái việc đầu tiên là phải đánh cho một trận. Nhưng cái tàn nhẫn và vô liêm sỉ của Sở Khanh không phải chỉ có thế. Hắn còn đi xa hơn nữa. Sau đó, hắn còn dẫn mặt mo đến, mắng át Kiều và toan đánh Kiều nữa. Cái trò lừa bịp và lừa bịp xong là trở mặt này lại không phải là chuyện ngẫu nhiên, chuyện một lần. Theo Mã Kiều thì cái chuyện này hắn đã diễn ra không biết lần thứ mấy, hắn đã thành tay nổi tiếng bạc tình. Nhân vật Sở Khanh hoàn thành bức tranh về các nhà chúa. Nó là cái mức cao nhất của tình hình đồi bại trong xã hội này.
(Hoài Thanh toàn tập, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1999)


1. Xác định nội dung ý kiến đánh giá của tác giả đối với nhân vật Sở Khanh.
2. Để thuyết phục người đọc, tác giả đã phân tích ý kiến của mình như thế nào?
3. Chỉ ra sự kết hợp chặt chẽ giữa phân tích và tổng hợp trong đoạn trích.
4. Kể thêm một số đối tượng phân tích trong các bài văn nghị luận (xã hội và văn học) 
5. Anh (chị) hiểu thế nào là phân tích trong văn nghị luận? Những yêu cầu của thao tác này là gì?


II. Cách lập luận phân tích

Đọc lại đoạn trích ở mục I và các đoạn trích dưới đây để tìm hiểu cách phân tích.

 (1) Nhưng nói đến những lực lượng bạo tàn của số mệnh, không thể không nói đến thế lực của đồng tiền. Trong xã hội “Truyện Kiều” đồng tiền đã thành một sức mạnh tác quái rất ghê. Nguyễn Du không phải không nhắc đến tác dụng tốt của đồng tiền. Có tiền Thúc Sinh, Từ Hải mới chuộc được Kiều, Kiều mới cứu được cha và sau này báo được ơn cho người này, người nọ. Đó là những khi đồng tiền nằm trong tay người tốt. Nhưng chủ yếu Nguyễn Du vẫn nhìn bề mặt tác hại. Vì Nguyễn Du thấy rõ cả một loạt hành động gian ác bất chính đều là do đồng tiền chi phối. Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí; sai nha vì tiền mà tra tấn cha con Vương Ông; Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh vì tiền mà làm nghề buôn thịt bán người; Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm; Khuyển, Ưng vì tiền mà làm những điều đại ác. Cả một xã hội chạy theo tiền.
Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê.
Đồng tiền cơ hồ đã thành một thế lục vạn năng. Tài hoa, nhan sắc, tình nghĩa, nhân phẩm, công lí đều không còn có nghĩa gì trước thế lực của đồng tiền. Tài tình, hiếu hạnh như Kiều cũng chỉ còn là một món hàng, không hơn không kém. Ngay Kiều nữa, cái việc dại dột nhất, tội lỗi nhất trong suốt đời nàng, cái việc nghe lời Hồ Tôn Hiến khuyên Từ Hải ra hàng, một phần cũng bởii xiêu lòng vì ngọc vàng của Hồ Tôn Hiến.
Cho nên nói đến đồng tiền, phần nhiều Nguyễn Du có giọng rất hằn học và khinh bỉ. Ngay khi đồng tiền có tác dụng thu xếp vụ án Vương Ông, Nguyễn Du vẫn mỉa mai chua chát:
Trong tay đã sẵn đồng tiền,
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì.
Họ Chung ra sức giúp vì,
Lễ tâm đã đặt, tụng kì cũng xong.
(Hoài Thanh toàn tập, tập II, Sđd)
 
(2) Từ giữa thế kỉ XX dân số thế giới tăng với nhịp độ chưa từng thấy. Năm 1950, dân số thế giới là 2,5 tỉ người và đến năm 1980, sau 30 năm đã lên tới 4,4 tỉ người, năm 1987 là 5 tỉ. Nếu cứ theo tốc độ gia tăng của những năm 80 của thế kỉ này (thế kỉ XX) thì đến giữa thế kỉ XXI (năm 2050), dân số thế giới sẽ đạt con số gần 9 tỉ người.
  Dân số ngày càng tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc cũng như toàn thế cộng đồng. Những ảnh hưởng đó là: không có đủ lương thực, thực phẩm cung cấp cho bữa ăn hằng ngày, từ đó dẫn đến cảnh đói nghèo, tình trạng thiếu dinh dưỡng dẫn đến sự suy thoái sức khoẻ, giống nòi không những không phát triển mà còn dễ dàng bị thoái hoá. Dân số tăng, trong khi diệc làm, cơ sở sản xuất có hạn dẫn đến thiếu việc làm, thất nghiệp ngày càng tăng, dân số tăng càng nhanh thì chất lượng cuộc sống của cộng đồng, của gia đình và cá nhân sẽ giảm sút.
(Dẫn theo Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên),
Tiếng Việt thực hành, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1996)
 
Nhìn chung, phân tích là chia nhỏ đối tượng ra từng yếu tố, từng khía cạnh theo những tiêu chí, những mối quan hệ nhất định để tìm hiểu cặn kẽ, sâu sắc đối tượng.
– Hãy lần lượt phân tích cách phân chia đối tượng trong mỗi đoạn trích trên.
– Chỉ ra mối quan hệ giữa phân tích và tổng hợp được thể hiện trong mỗi đoạn trích.


III. Luyện tập

1. Trong các đoạn trích dưới đây, người viết đã phân tích đối tượng từ những mối quan hệ nào?

a) “Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn” trong lòng Thúy Kiều đêm nay là gậy. Nàng chỉ có thức với ngọn đèn cho đến khi dầu khô trong đĩa mà dòng lệ vẩn không dứt đầm khăn. “Dầu chong tràng đĩa lệ tràn thấm khăn”, bởi nàng chỉ có xót đau rồi đau xót chứ chưa tìm được phương kế nào. “Bàn hoàn” mang ý quanh quẩn, quẩn quanh, lại thêm “những bàn hoàn”, nên càng thêm rối rắm. Âm điệu câu thơ lại xoáy sâu vào trong lòng cô độc, vào chỗ sâu kín nhất, chỉ mình biết mình hay (nỗi riêng, riêng những), càng tăng cái giày vò của tâm trạng đang hoàn toàn bế tắc.
(Lê Trí Viễn, Đến với thơ hay,
NXB Giáo dục, 2001)
b) Còn rất nhiều câu có thể tiêu biểu cho lối cảm xúc riêng của Xuân Diệu. Tôi chỉ dẫn một thí dụ này nữa. Trong bản dịch “Tì bà hành” của Phan Huy Vịnh có hai câu:
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
Một vùng trăng trong vắt lòng sông.
tả cảnh chung quanh thuyền sau khi người tì bà phụ vừa đánh đàn xong. Một cái cảnh lặng lẽ, lạnh lùng ẩn một mối buồn âm thầm, kín đáo. Thế Lữ có lẽ đã nhớ đến hai câu ấy khi viết:
Tiếng diều sáo nao nao trong vắt,
Trời quang mây xanh ngắt màu lơ.
Mặc dầu hai chữ “nao nao” có đưa vào trong câu thơ một chút rung động, ta vẫn chưa xa gì cái không khí bình yên trên bến Tầm Dương. Với Xuân Diệu cả tình lẫn cảnh trở nên xôn xao vô cùng. Người kĩ nữ của Xuân Diệu cũng bơ vơ như người tì bà phụ. Nhưng nàng không lặng lẽ buồn, ta thấy nàng run lên nì đau khổ:
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
(Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam,
NXB Văn học, 1988)

2. Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài thơ Tự tình II.

Lời giải:
I. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận phân tích
 
1. Xác định nội dung ý kiến đánh giá của tác giả đối với nhân vật Sở Khanh.
- Nội dung ý kiến đánh giá của tác giả (luận điểm): Sở Khanh là kẻ bẩn thỉu, bần tiện, là đại diện cao nhất của sự đồi bại trong xã hội Truyện Kiều.
 
2. Để thuyết phục người đọc, tác giả đã phân tích ý kiến của mình như thế nào?
 
Để thuyết phục người đọc, tác giả đã đưa ra các luận cứ, dẫn chứng:
- Sở Khanh sống bằng nghề đồi bại, bất chính, nghề sống bám các thanh lâu, nghề làm chồng hờ của các cô gái làng chơi.
- Sở Khanh là kẻ đồi bại nhất trong những kẻ làm cái nghề đồi bại bất chính đó: giả làm người tử tế để đánh lừa một người con gái ngây thơ, hiếu thảo.
- Sau khi lừa bịp hắn còn trở mặt một cách tráo trở.
- Đặc biệt, cái hành động lừa bịp, tráo trở này là hành động thường xuyên của hắn, khiến hắn thậm chí trở thành một tay nổi tiếng bạc tình.
 
3. Chỉ ra sự kết hợp chặt chẽ giữa phân tích và tổng hợp trong đoạn trích.
 
- Đoạn văn của Hoài Thanh đã kết hợp được một cách khá chặt chẽ giữa thao tác phân tích và thao tác tổng hợp. Sau khi phân tích chi tiết bộ mặt lừa bịp tráo trở của Sở Khanh, người viết đã tổng hợp kết quả phân tích trước đó thành một kết luận khái quát về cái xã hội trong Truyện Kiều dựa trên bản chất của nhân vật Sở Khanh: "Nó là cái mức cao nhất của tình hình đồi bại trong xã hội này".
 
4. Kể thêm một số đối tượng phân tích trong các bài văn nghị luận (xã hội và văn học) 
 
- Văn học:
+  Cảm nghĩ của anh (chị) về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh (trích Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác).
+ Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua các bài Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương.
+ Nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát (hoặc Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ).
- Xã hội: Trình bày suy nghĩ về nhận định:
    Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười nhác
(Lỗ Tấn)
 
 5. Anh (chị) hiểu thế nào là phân tích trong văn nghị luận? Những yêu cầu của thao tác này là gì?
 
- Lập luận phân tích là chia nhỏ đối tượng thành các yếu tố bộ phận để xem xét nội dung, hình thức và mối quan hệ bên trong cũng như bên ngoài của chúng, rồi khái quát, phát hiện ra bản chất của đối tượng.
- Phân tích bao giờ cũng gắn liền với tổng hợp. Đó là bản chất của thao tác phân tích trong văn nghị luận.
- Yêu cầu của một lập luận phân tích:
+ Xác định vấn đề phân tích.
+ Chia vấn đề thành những khía cạnh nhỏ.
+ Khái quát tổng hợp.
 
II. Cách lập luận phân tích
 
- Cần dựa trên những tiêu chí, quan hệ nhất định: (Quan hệ giữa các yếu tố tạo nên đối tượng, quan hệ nhân quả, quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng liên quan, quan hệ giữa người phân tích với đối tượng phân tích ).
- Phân tích cần đi sâu vào từng mặt, từng bộ phận nhưng cần lưu ý đến quan hệ giữa chúng với nhau, cần khái quát để rút ra bản chất chung của đối tượng.
 
III. Luyện tập
 
Câu 1: Trong các đoạn trích dưới đây, người viết đã phân tích đối tượng từ những mối quan hệ nào?
 
a. Trong đoạn văn trên, quan hệ được lấy làm cơ sở để phân chia đối tượng phục vụ cho việc lập luận phân tích là quan hệ nội bộ của đối tượng (diễn biến, các cung bậc tâm tạng "bàng hoàng" của Thúy Kiều), đó là cung bậc tâm trạng đau xót, quẩn quanh và hoàn toàn bế tắc của Kiều.
 
b. Quan hệ làm cơ sở cho lập luận phân tích trong đoạn văn trên là quan hệ giữa đối tượng này với đối tượng khác có liên quan: bài thơ Lời kĩ nữ của Xuân Diệu với bài Tì bà hành của Bạch Cư Dị.
 
Câu 2: Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài thơ Tự tình II.
 
- Nghệ thuật sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh và cảm xúc, có sức biểu đạt cao tư tưởng và tâm trạng của nhân vật trữ tình như: văng vẳng, trơ, cái hồng nhan, xiên ngang, đâm toạc, tí, con con...
- Sự kết hợp giữa những động từ mạnh (xiên, đâm) với các bổ ngữ độc đáo (ngang, toạc) làm nổi bật sự bướng bỉnh và ngang ngạnh.
- Nghệ thuật đảo trật tự cú pháp trong hai câu luận:
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
- Nghệ thuật sử dụng sóng đôi các cặp từ trái nghĩa, góp phần biểu lộ trạng thái bế tắc: say – tỉnh, khuyết – tròn, đi – lại.
- Nghệ thuật lặp từ (lại, xuân) và phép tăng tiến (san sẻ - tí – con con).