Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới:
  Chớ tự kiêu tự đại. Tự kiêu tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu tự đại tức là thoái bộ. Sông to, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu Cái chén nhỏ, cái điã cạn thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu tự mãn thì cũng như cái chén, cái đĩa cạn.
(Hồ Chí Minh, Cần kiệm liêm chính)
– Đoạn trích trên sử dụng những thao tác lập luận nào?
– Phân tích mục đích, tác dụng và cách kết hợp các thao tác lập luận trong đoạn trích.
– Anh (chị) rút ra được kết luận gì về việc vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận trong một đoạn (một bài) văn nghị luận?
Lời giải:
Câu 1: Đọc đoạn văn Cần Kiệm liêm chính trong Thơ văn Hồ Chí Minh.
 
* Trong đoạn văn, tác giả sử dụng thao tác:
- Lập luận phân tích:
+ Phân tích để làm rõ sự "khờ dại" của tự kiêu tự đại (Vì mình hay, còn nhiều người khác hay hơn mình. Mình giỏi, còn người người giỏi hơn mình)
+ "Tự kiêu tự đại tức là thoái bộ" (Sông to, biện rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng của nó hẹp nhỏ).
- Thao tác so sánh (Người mà tự kiêu tự mãn thì cũng như cái chén, cái đĩa cạn). Sự so sánh đầy hình tượng đã giúp người học hình dung một cách rõ hơn, sinh động hơn thế nào là tự kiêu tự đại và tác hại của thái độ đó trong cuộc sống của con người.
=> Trong đoạn văn, thao tác lập luận phân tích là thao tác đóng vai trò chủ đạo còn thao tác so sánh chỉ đóng vai trò hỗ trợ mà thôi.
* Mục đích, tác dụng và cách kết hợp các thao tác lập luận trong đoạn trích:
- Giúp người đọc, người nghe hiểu rõ hơn về vấn đề tự kiêu, tự đại trong mỗi con người.
- Giúp người đọc nhận thức rõ vấn đề: Bản thân sự hiểu biết, tài năng của mỗi người bao giờ cũng có giới hạn nhất định.
* Việc vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận trong một đoạn văn (bài văn): là một việc làm tất yếu. Không có một văn bản nghị luận nào lại chỉ dùng một thao tác lập luận duy nhất, mà phải dùng kết hợp các thao tác lập luận một cách linh hoạt, có hiệu quả.
 
Câu 2:
Thân phận người phụ nữ trong chế độ phong kiến đã chịu rất nhiều thiệt thòi và bất hạnh. Nhưng họ vẫn vẹn toàn đức hạnh, tinh tế, dịu dàng gửi những thiệt thòi đó vào những câu hát than thân:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Ca dao là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian rất phổ biến, đúc kết trong đó nhiều tình cảm và cũng là lời than thân trách phận. Vì vậy bản thân ca dao mang đậm tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của dân gian. Lời than thân đó nghe mà đau xót, ngậm ngùi. Các tác giả dân gian có lẽ đã thấu suốt được nỗi đau đó, thông cảm với thân phận người phụ nữ nên mở đầu ca dao là một lời xưng hô nhỏ nhẹ, mềm mỏng: Thân em. Câu ca dao nói về đời người con gái qua hình ảnh liên tưởng như tấm lụa đào. Biện pháp so sánh ở đây thật nhẹ nhàng và thanh thoát, thấm vào lòng người đọc, người nghe. Tấm lụa đào mang dáng vẻ đẹp, nhẹ nhàng như chính tâm hồn và phẩm chất người phụ nữ, lại là một thứ vật liệu mềm mỏng dùng để may mặc, trang trí thêm cho người hay khung ảnh. Tấm lụa đào là một hình ảnh so sánh thật thanh cao, thật mềm mại nhưng quấn trong đó một nỗi niềm nặng trĩu. Vì thế câu tiếp theo là tất cả tâm trạng đau khổ vắt ra mà thành:
 
  "Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai."
 
  Tấm lụa đào lại ở giữa chợ, giữa cảnh xô bồ kẻ bán người mua. Liệu ai có con mắt xanh để biết giá trị của tấm lụa đào. Từ phất phơ không có hướng cố định cũng như hoa trôi man mác biết là về đâu. Bị số phận đưa đẩy đến như vậy mà nữ nhi lại không đủ sức, không thể chủ động định được một hướng đi cho mình để rồi đêm ngày tự hỏi cuộc đời mình sẽ vào tay ai. Họ hoàn toàn biết về số phận của mình cũng như mảnh lụa mềm nhẹ kia không biết có được một người tri kỉ chọn lựa hay không? Trong suốt cuộc đời mình, người phụ nữ xưa bị đẩy vào trạng thái thụ động, chỉ quanh quẩn trong nhà và quanh quẩn với việc thờ chồng, thờ cha, theo con.  
Đọc câu ca dao chúng ta như nghe từ đâu vọng về những lời than tương tự như thế:
Thân em như giếng giữa làng
Người khôn rửa mặt kẻ phàm rửa chân
Hay:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
(Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương)
Toàn bộ câu ca dao là một lời than. Nó được sinh ra từ số phận cam chịu của người phụ nữ thời phong kiến. Không một ai trong số những tác giả vô danh sáng tác câu ca dao trên lại có thể thanh thản khi nghĩ về đứa con tinh thần của mình. Từng lời từng chữ trong câu ca toát lên ý ngậm ngùi. Câu ca dao là tiếng lòng của bao nhiêu người, là tiếng than của bao nhiêu thân phận!
- Chủ đề: Cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ qua câu ca dao.
- Xác định những ý chính nào để làm sáng tỏ chủ đề của bài văn và sắp xếp chúng thành một dàn ý hợp lí, khoa học.
- Luận điểm: 
+ Ca dao là gì?
+ Nội dung, nghệ thuật câu ca dao
+ Liên hệ những câu ca dao, tác phẩm văn học cùng chủ đề.