Soạn bài Tự tình Bài II - Hồ Xuân Hương

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI:

1. Bốn câu thơ đầu cho thấy tác giả đang ở trong hoàn cảnh và tâm trạng như thế nào? (Chú ý không gian, thời gian, giá trị biểu cảm của các từ ngữ: văng vẳng, dồn, trơ, cái hồng nhan, say lại tỉnh, mối tương quan giữa hình tượng trăng sắp tàn (bóng xế) mà vẫn khuyết chưa tròn với thân phận nữ sĩ).
2. Hình tượng thiên nhiên trong câu 5 và câu 6 góp phần diễn tả tâm trạng, thái độ của nhà thơ trước số phận như thế nào?
3. Hai câu kết nói lên tâm sự gì của tác giả? (Chú ý nghĩa của từ xuân, lại; nghệ thật tăng tiến: Mảnh tình san sẻ tí con con)
4. Bài thơ vừa nói lên bi kịch duyên phận, vừa nói lên khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Anh (chị) hãy phân tích điều đó.


LUYỆN TẬP

1. Đọc bài Tự tình (bài I) dưới đây, nêu nhận xét về sự giống nhau và khác nhau giữa Tự tình (bài I) và Tự tình (bài II).

 

Lời giải:
I. TÌM HIỂU VĂN BẢN
1. Tác giả
- Hồ Xuân Hương chưa rõ năm sinh năm mất, quê ở Nghệ An. Có một nhà riêng ở Hồ Tây (Hà Nội) lấy tên Cổ Nguyệt Đường.
- Xuất thân trong gia đình nhà nho nghèo, cha làm nghề dạy học
- Là người thông minh, tài hoa và có cá tính mạnh mẽ nhưng về đường tình duyên của Hồ Xuân Hương nhiều éo le, ngang trái sống không mấy hạnh phúc.
- Những sáng tác của Hồ Xuân Hương bao gồm chữ Hán và chữ Nôm. Được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”, là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam. 
2. Tác phẩm
- Xuất xứ: nằm trong chùm thơ Tự tình gồm ba bài thơ.
- Thể thơ: đường luật thất ngôn bát cú.
- Chủ đề: “Tự tình” nói lên tiếng lòng của tác giả, tâm trạng buồn và tủi cực cho hoàn cảnh duyên phận muộn màng, lỡ dở nhưng tác giả cứ lạnh lùng trôi qua.

II. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI:

Câu 1 trang 19 SGK Ngữ Văn 11 tập 1: Bốn câu thơ đầu cho thấy tác giả đang ở trong hoàn cảnh và tâm trạng như thế nào? (Chú ý không gian, thời gian, giá trị biểu cảm của các từ ngữ: văng vẳng, dồn, trơ, cái hồng nhan, say lại tỉnh, mối tương quan giữa hình tượng trăng sắp tàn (bóng xế) mà vẫn khuyết chưa tròn với thân phận nữ sĩ).

Trả lời

- Thời gian: đêm khuya - lúc tâm trạng con người dễ cô đơn, buồn chán nhất.
- Văng vẳng: nghệ thuật lấy động tả tĩnh => không gian: trống trải, mênh mông, văng vẳng tiếng trống cầm canh. Âm thanh văng vẳng không chỉ đơn thuần là sự cảm nhận âm thanh bằng thính giác mà còn là sự cảm nhận về sự trôi đi của thời gian – thời gian vô thủy, vô chung nhưng thời gian còn chứa đựng sự phá hủy.
- Từ trơ được đặt ở đầu câu với nghệ thuật đảo ngữ vừa nói được bản lĩnh nhưng lại cũng thể hiện được nỗi đau của nhà thơ. Trơ là tủi hổ, là bẽ bàng trước duyên phận hẩm hiu nhưng nó còn là sự thách thức của nữ sĩ với cuộc đời.
- Hồng nhan: cách nói về người phụ nữ đẹp nhưng đi liền với cái đẹp là cái đau khổ, thiệt thòi.
- Chén rượu hương đưa say lại tỉnh: Câu thơ gợi lên cái vòng luẩn quẩn, như là sự cảm nhận duyên tình đã trở thành trò đùa của tạo hóa: Hương rượu và hương tình đi qua chỉ để lại vị đắng chát, khổ đau của tác giả.
- Hình ảnh Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn mang ý nghĩa biểu tượng cao: trăng sắp tàn (bóng xế) mà vẫn khuyết chưa tròn. Đó là sự tương đồng với thân phận của người phụ nữ, tuổi xuân của họ đang dần trôi qua mà hạnh phúc vẫn chưa được vẹn tròn. Câu thơ tả ngoại cảnh nhưng chứa đựng nội tâm của tác giả, tạo nên sự thống nhất giữa trăng và người.
=> Bốn câu thơ đầu miêu tả tâm trạng vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyện phận của nữ sĩ.

 

Câu 2 trang 19 SGK Ngữ Văn 11 tập 1: Hình tượng thiên nhiên trong câu 5 và câu 6 góp phần diễn tả tâm trạng, thái độ của nhà thơ trước số phận như thế nào?

Trả lời:

                  “Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.
                    Đâm tọac chân mây, đá mấy hòn.”
- Thiên nhiên: rêu, đá. Thiên nhiên như nổi loạn, không chấp nhận đứng yên. Hình ảnh “rêu” và “đá” những vật nhỏ bé, mềm yếu nhưng không cam chịu, bằng mọi cách chúng cố vươn lên “xiên ngang, đâm toạc”. Chúng vượt lên những khó khăn, cản trở “mặt đất”, “chân mây” để chứng tỏ mình. Nghệ thuật đảo trật tự cú pháp với động từ đứng ở đầu câu “xiên, đâm” lại càng khiến những vật nhỏ bé ấy thêm cứng cỏi, mạnh mẽ.
- Hồ Xuân Hương tiếp tục hướng về ngoại cảnh để mượn cảnh nói lên tâm trạng và thái độ với số phận của chính mình. Hình ảnh thiên nhiên tượng trưng cho niềm phẫn uất và sự phản kháng quyết liệt của Hồ Xuân Hương. Nữ sĩ mạnh mẽ tìm mọi cách để vượt lên trên số phận. Đó cũng là sức sống mãnh liệt không phải buồn đau mà phó mặc số phận đau thương như vậy.

 

Câu 3 trang 19 SGK Ngữ Văn 11 tập 1: Hai câu kết nói lên tâm sự gì của tác giả? (Chú ý nghĩa của từ xuân, lại; nghệ thật tăng tiến: Mảnh tình san sẻ tí con con)

Trả lời

- Ở hai câu kết tâm trạng Hồ Xuân Hương như trùng xuống. Tác giả đã trực tiếp bộc lộ tâm trạng của mình. Tác giả buồn, ngán ngẩm trước mùa xuân đang trôi đi nhưng như hụt hẫng nhận ra nó là quy luật của tạo hóa. Nhưng mỗi mùa xuân đi qua lại mang theo một tuổi xuân mà tuổi xuân đó không thể quay lại được nữa. Từ lại thứ nhất có nghĩa là thêm một lần nữa, từ lại thứ hai là sự trở lại. Vì vậy, hai từ lại giống nhau về âm nhưng khác nhau về nghĩa, về cấp độ nghĩa.
- Câu cuối cùng của bài là sự bộc bạch nỗi xót xa của Hồ Xuân Hương. Tác giả đã rất thành công khi sử dụng từ thuần Việt theo cấp độ, tăng tiến để khắc họa nghịch cảnh éo le, trắc trở của mình. Một người đa tình, đa tài như Hồ Xuân Hương nhưng lại chỉ nhận được mảnh tình “tí con con”, hạnh phúc đến với bà không được trọn vẹn.

 

Câu 4 trang 19 SGK Ngữ Văn 11 tập 1: Bài thơ vừa nói lên bi kịch duyên phận, vừa nói lên khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Anh (chị) hãy phân tích điều đó.

Trả lời:

Bài thơ vừa nói lên bi kịch, vừa cho thấy bản lĩnh khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương.
- Hồ Xuân Hương gặp bi kịch khi khát khao yêu thương nhưng không thành, thanh xuân thì qua nhanh nhưng tuổi xuân không đợi người. Nữ sĩ gặp bi kịch về duyên phận lỡ làng, muộn màng khi thời gian cứ trôi cứ trôi qua đi mà không đợi chờ ai. Điều đó dẫn đến tâm trạng buồn tủi, phẫn uất nhưng vẫn tiềm ẩn khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc đến vô thường. Khát vọng thể hiện rõ nét nhất đã được nhắc tới ở câu 5 và 6. 
- Trong Tự tình, nhà thơ đã dùng nhiều từ ngữ và hình ảnh gây ấn tượng mạnh, đó là các từ thuần Việt giàu hình ảnh, màu sắc với sắc thái đặc tả mạnh, như các động từ dồn, trơ, xế, đâm toạc, xiên ngang, đi, lại lại, san sẻ..., các tính từ say, tỉnh, khuyết, tròn… Qua đó biểu lộ chính xác và tinh tế trạng thái tâm trạng của nhân vật trữ tình. Đó là sự cô đơn, là khát khao được sống, được hạnh phúc. Tâm trạng uất ức bị dồn nén dường như được thoát ra, trải ra cùng những hình ảnh, những từ ngữ táo bạo ấy.

LUYỆN TẬP

Câu 1 trang 20 SGK Ngữ Văn 11 tập 11: Đọc bài Tự tình (bài I) dưới đây, nêu nhận xét về sự giống nhau và khác nhau giữa Tự tình (bài I) và Tự tình (bài II).

Trả lời:

- Giống nhau:
+ Cả hai bài thơ nằm trong chùm thơ Tự tình đều sử dụng thơ Nôm đường luật thể hiện cảm xúc của tác giả.
+ Cả hai mượn thời gian để diễn tả tâm trạng. Mở đầu bằng thời gian và kết thúc cũng bằng thời gian
+ Cả hai sử dụng ngôn ngữ biểu cảm: văng vẳng, trở, cái hồng nhan, ngán, tí con con, oán hận, rền rĩ, mõm mòn, già tom…
- Khác nhau:
+ Cảm xúc trong Tự tình I là nỗi niềm của nhà thơ trước duyên phận hẩm hiu, nhiều mất mát, trước lẽ đời đầy nghịch cảnh, đồng thời là sự vươn lên của chính bản thân, thách đố lại duyên phận.
+ Còn ở Tự tình II, cũng là sự thể hiện của bi kịch duyên phận muộn màng, cố gắng vươn lên nhưng cuối cùng cũng không thoát được bi kịch. Chính vì thế bi kịch như được nhân lên, phẫn uất hơn. Sự khác nhau đó chính là do cảm xúc chủ đạo trong từng bài thơ.

 

 

+ Mở rộng xem đầy đủ