2. Tác phẩm
- Truyện ngắn Chí phèo nguyên có tên là Cái lò gạch cũ. Năm 1941, khi nhà xuất bản in thành sách lần đầu, họ đã tự ý đổi tên là Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống Cày, tác giả lại đặt tên là Chí Phèo. Tác phẩm Chí Phèo có một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao.
II. Hướng dẫn học bài
Câu 1: Cách vào truyện của Nam Cao độc đáo như thế nào? Hãy nêu ý nghĩa tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo trong đoạn văn mở đầu thiên truyện?
Trả lời:
- Cách vào truyện của Nam cao rất lạ, độc đáo: Nam Cao mở đầu truyện bằng một hình ảnh đầy ấn tượng- tiếng chửi: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại...” Nhưng không một ai chửi nhau lại với Chí Phèo.
- Ý nghĩa tiếng chửi
+ Tiếng chửi của Chí Phèo vừa mang tâm trạng bất mãn vừa là lời tố cáo sâu sắc xã hội vô nhân đạo với những nếp nghĩ lạc hậu đã cướp đi quyền làm người và ruồng bỏ hắn. Tiếng chửi thật chất là một tiếng kêu cứu thảm thiết của con người đáng thương bị què quạt cả về thể xác lẫn tinh thần cố níu chiếc phao đời để mà tồn tại.
+ Tiếng chửi của Chí Phèo chính là phản ứng của hắn trước toàn bộ cuộc đời bất hạnh. Nó bộc lộ tâm trạng bất mãn tột độ của một con người ý thức được rằng mình đã bị xã hội ruồng bỏ.
+ Tiếng chửi hé lộ ba bi kịch chính của Chí Phèo, và đó cũng là nền tảng triển khai những bi kịch này xuyên suốt tác phẩm: Bi kịch số phận, Bi kịch tha hóa, Bi kịch bị tước đoạt quyền làm người
Câu 2: Việc gặp thị Nở có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời Chí Phèo? Những gì đã diễn ra trong tâm hồn Chí Phèo sau cuộc gặp gỡ đó?
Trả lời:
- Ý nghĩa: Việc gặp thị Nở như một bước ngoặt trong cuộc đời Chí Phèo. Thị Nở- một người đàn bà dở hơi, xấu ma chê quỷ hờn, nhưng lại là nguồn sáng chiếu vào cuộc sống tăm tối của Chí. Sự chăm sóc của thị đã đốt cháy ngọn lửa lương tri leo lét nơi đáy lòng Chí, đánh thức bản tính lương thiện vốn có trong, thức tỉnh linh hồn của Chí, kéo Chí trở lại làm người.
- Chí Phèo có sự thay đổi về tâm lí:
+ Hắn thấy già mà vẫn cô độc.
+ Đói rét, bệnh tật hắn có thể chịu được nhưng hắn sợ nhất là cô độc.
+ Chí cảm nhận được âm vang cuộc sống chung quanh mình:
+ Tiếng chim hót trong lành buổi sáng.
+ Tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá ven sông.
- Chí hồi tưởng về quá khứ và hi vọng vào tương lai:
+ Có một thời hắn mơ ước có cuộc sống gia đình: “Chồng cày thuê...”
+ Thị sẽ mở đường cho Chí trở lại cuộc sống lương thiện.
Câu 3: Phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống. Vì sao Chí Phèo có hành động thật dữ dội, bất ngờ (uống rượu, xách dao đi giết Bá Kiến rồi tự sát)?
Trả lời:
- Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống: Chí ngạc nhiên sau đó Chí chợt hiểu. Quá trình diễn biến tâm lí đầy phức tạp: thức tỉnh – hi vọng – thất vọng, đau đớn – phẫn uất – tuyệt vọng.
- Chí Phèo có hành động dữ dội, bất ngờ bởi:
+ Trong cơn khủng hoảng, Chí tìm đến rượu nhưng càng uống hắn lại càng tỉnh và Chí thức tỉnh, muốn làm người lương thiện. Chí không hề đập phá, rạch mặt ăn vạ được nữa.
+ Nhưng ai cho Chí lương thiện? Kẻ thù của Chí không phải là một mình bá Kiến mà là cả xã hội đương thời thối nát và độc ác.
+ Dưới con mắt của mọi người, của xã hội ấy, Chí Phèo chỉ có thể là con quỷ dữ không thể là người. Vì một người tập trung tất cả các tật xấu như thị Nở đã phũ phàng cự tuyệt Chí.
+ Chí vô cùng đau đớn tuyệt vọng “ôm mặt khóc rưng rức”. Chí dùng dao đâm chết kẻ thù và tự sát. Chí đã chết trên ngưỡng cửa lương thiện => Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
=> Cái chết của Chí Phèo có ý nghĩa tố cáo mãnh liệt cái xã hội thực dân nửa phong kiến phông những đã đẩy người nông dân lương thiện vào đường cùng, lưu manh hóa, mà còn đẩy họ vào chỗ chết.
Câu 4: Qua hình tượng Chí Phèo, hãy làm rõ nghệ thuật điển hình hóa của Nam Cao (chú ý việc khắc họa tính cách và nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật)?
Trả lời:
- Nam Cao đã rất thành công khi xây dựng nhân vật Chí Phèo thành nhân vật điển hình hóa. Chí Phèo là hiện tượng có tính quy luật trong xã hội đương thời, là sản phẩm của xã hội thực dân nửa phong kiến trước Cách mạng. Chí đại diện cho người nông dân bị đè nén, áp bức, bóc lột. Vì bị đè nén áp bức đến đường cùng mà họ không còn cách nào khác buộc phải chống trả bằng cách lưu manh hóa. Nhiều tác phẩm khác, Nam Cao cũng xây dựng các nhân vật vốn hiền lành trở thành ngang ngược.
- Viết về người nông dân bị lưu manh hóa, Nam Cao đã thể hiện một cái nhìn nhân đạo, bằng cách đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định tính người của những con người khốn khổ thậm chí là tính người tong con quỷ dữ.
- Hình tượng nhân vật Chí Phèo hiện lên sắc nét, gây ấn tượng nơi người đọc. Khi xây dựng nhân vật này, Nam Cao đã phát huy cao độ sở trường khám phá và miêu tả những trạng thái tâm lí của nhân vật.
Câu 5: Ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn này có gì đặc sắc?
Trả lời:
- Ngôn ngữ trong tác phẩm rất sống động, vừa điêu luyện, nghệ thuật, vừa rất gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày.
- Giọng điệu của nhà văn phong phú và biến hóa, có sự đan xen lẫn nhau.
- Cách trần thuật cũng rất linh hoạt. Nhà văn có khả năng nhập vào các vai, chuyển từ vai này sang vai khác một cách tự nhiên, linh hoạt, gây hấp dẫn cho người đọc. Lúc thì trần thuật theo điểm nhìn của tác giả, lúc thì trần thuật theo điểm nhìn của nhân vật Chí Phèo, khi lại trần thuật theo điểm nhìn của thị Nở, bá Kiến... Qua đó tạo nên giọng điệu đan xen độc đáo.
Câu 6: Tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao qua truyện ngắn này?
Trả lời:
- Phát hiện và miêu tả, đề cao phẩm chất tốt đẹp của người nông dân (tính người, tình yêu thương…) ngay trong quá trình tha hóa của họ. → Khát vọng làm người ngay cả khi họ bị xã hội cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính.
- Để cho Chí Phèo kết liễu đời mình Nam Cao đã bộc lộ lòng yêu thương đối với nhân vật của mình.→ Muốn Chí Phèo ý thức được nhân phẩm của mình.
III. Luyện tập
Câu 1: Trong truyện ngắn Đời thừa Nam Cao viết: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.
Với những hiểu biết về sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, anh (chị) hãy phát biểu ý kiến của mình về quan điểm nghệ thuật nói trên của nhà văn.
Trả lời:
- Ý kiến nêu trên khẳng định yêu cầu hết sức quan trọng đối với tác phẩm văn chương và các tác phẩm nghệ thuật. Người nghệ sĩ ở đây phải sáng tạo, tìm tòi và phát hiện ra những cái mới.
- Đây là ý kiến hoàn toàn đúng, phản ánh bản chất của nghệ thuật, đã được nhiều người thừa nhận và khẳng định theo những cách diễn đạt khác nhau. Ở đây, Nam Cao đã diễn đạt điều đó một cách ngắn gọn, hàm xúc và giàu hình ảnh. Soi tỏ vào các sáng tác của Nam Cao có thể thấy rất rõ vấn đề này.
- Ví dụ: Trong các sáng tác của Nam Cao trước cách mạng tháng Tám ở đề tài người nông dân. Đây là đề tài không phải mới mẻ đối với các nhà văn hiện thực, bởi trước Nam Cao đã có Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... Nhưng Nam Cao không đi lại lối mòn của các nhà văn trước đó, mà ông đi sâu vào việc khá phá quá trình con người bị tha hóa, bị đè nén trở thành những tên lưu manh hóa. Từ đó ông đặt ra các vấn đề có ý nghĩa xã hội và nhân sinh.
Câu 2: Vì sao truyện ngắn Chí Phèo được coi là một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại?
Trả lời:
- Tác phẩm này có giá trị tư tưởng (hiện thực và nhân đạo) sâu sắc, độc đáo, mới mẻ.
- Là tác phẩm đầu tiên nói về người nông dân bị “lưu manh hóa”, chứ không đơn thuần nói về số phận bị bần cùng hóa như các tác phẩm trước: Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Lão Hạc ( Nam Cao)...
- Truyện ngắn thấy được nghệ thuật bậc thầy của Nam Cao trong việc xây dựng nhân vật điển hình, lối kết cấu, xây dựng cốt truyện, giọng điệu đa dạng...