Soạn bài Lập dàn ý bài văn tự sự

 

I. HÌNH THÀNH Ý TƯỞNG, DỰ KIẾN CỐT TRUYỆN
Đọc phần trích sau và trả lời câu hỏi
    [.…] Tôi sẽ viết chuyện cuộc khởi nghĩa của anh Đề(1), cuộc đời, số phận anh Đề. Tôi có ngay cảm giác phải tìm một cái tên khác cho anh Đề. Tên Đề có “Kinh” quá, người kinh quá. Tnú, tôi gọi anh bằng cái tên ấy. Nó “không khí” hơn nhiều […].
   Tôi chưa hình dung câu chuyện, cốt truyện sẽ biễn biến cụ thể ra sao, nhưng đã thấy rõ, cái truyện ngắn này sẽ bắt đầu bằng một khu rừng xà nu – mà tôi sẽ ra sức tả một cách hết sức tạo hình […] và truyện sẽ kết thúc bằng một cánh rừng xà nu, như một vĩ thanh cứ xa mờ dần và bất tận, nghĩa là “bố cục” đã thấy được rồi… Sau đấy mọi sự bỗng trở nên rõ ràng, dễ dàng đến kì lạ. Chị “Dít” đến – như là tất yếu vậy […]. Nhưng tôi muốn Dít sẽ là mối tình sau của Tnú, một mối tình sẽ lờ mờ mà chắc chắn hiện lên ở cuối truyện. Vậy thì phải có Mai, chị của Dít […]. Và cái gì để dẫn đến cuộc bùng dậy ghê gớm như vậy của Tnú (diệt sạch cả một tiểu đội giặc gần như bằng tay không, những năm tháng chưa hề có tiếng súng cách mạng ấy)? Tất cả có một nỗi đau riêng bức bách dữ dội, bật ra từ nỗi đau chung của xóm làng, dân tộc: đứa con bị đánh chết tàn bạo, Mai gục xuống, ngya trước mắt Tnú. Chi tiết ấy đến một cách tất yếu.
   Và ông cụ Mết của tôi cũng tất yếu phải đến. Ông là cội nguồn, là Tây Nguyên của thời “Đất nước đứng lên” trường tồn đến ngày nay […].
   Có lẽ cũng từ đó mà có thằng bé Heng. Nó sẽ còn đi tới đâu, chưa ai lường được…
   Tất cả trở nên dễ dàng đến ngạc nhiên đối với tôi. Tôi hình dung ra, thấy hiển hiện tất cả. Các chi tiết tự nó đến: các cụ bà già lụm cụm bò từ trên thang nhà sàn xuống, các cô gái lấy nước ở vòi nước đầu làng […], cả tiếng nước lanh tanh trong đêm khuya […], cả mười ngọn lửa xà nu cháy rần rật trên mười đầu ngón tay của Tnú […]. Tất cả, tôi không “bịa” thêm gì cả, tô thấy rõ hết, mặc dầu tất cả đây hoàn toàn là một câu chuyện bịa. Mà như thật. Với tôi nó hoàn toàn có thật. Cách sắp xếp các lớp thời gian trong truyện, xen kẽ, đan quyện, những mạch nối…cũng đến dễ dàng và tự nhiên, như tất nó phải vậy.
   “Rừng xà nu” là truyện của một đời, và được kể trong một đêm. Đó là cái đêm dài như cả một đời…
(Nguyên Ngọc, Về truyện ngắn “Rừng xà nu”,
trong Nhà văn nói về tác phẩm, Hà Minh Đức biên soạn,
NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000).
1. Trong phần trích trên, nhà văn Nguyên Ngọc nói về việc gì?
2. Qua lời kể của nhà văn, anh (chị) học tập được điều gì trong quá trình hình thành ý tưởng, dự kiến cốt truyện để chuẩn bị lập dàn ý cho bài văn tự sự.
 
II. LẬP DÀN Ý
 
1. Suy ngẫm về kết thúc truyện Tắt đèn của Ngô Tất Tố (Trời tối đen như mực và như cái tiển đổ của chị), nhà văn Nguyễn Tuân viết: “Tôi ngờ câu kết này cũng mới chỉ là cái chấm hết một thiên của truyện dài. Với một cái tiền thân ngay thẳng, lành mạnh như vậy, tôỉ nghĩ rằng chị Dậu thế tất phải có một hậu thân trong các đoàn thế cách mạng; và tôi nhớ như đã có lần nào, tôi đã gặp chị Dậu ở một đám đông phá kho thóc Nhật, ở một cuộc cướp chính quyền huyện kì Tổng khởi nghĩa; và nếu không thì, chí ít, tôi cũng đã gặp chị vào những ngày địch hậu o ép, chị tải thương hoặc đậy nắp hầm bem cho cán bộ cơ sở”. 
Theo suy ngẫm của nhà văn Nguyễn Tuân, có thể kể về “hậu thân” của chị Dậu bằng những câu chuyện sau:
(1) Sau cái đêm ấy, chị Dậu gặp một cán bộ cách mạng và được giác ngộ. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, chị Dậu dẫn đầu đoàn nông dân lên cướp chính quyển huyện, phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo.
(2) Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra. Tuy sống trong vùng địch hậu, chị Dậu vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ, nhiều lần đậy nắp hầm bem cho cán bộ, …
Anh (chị) hãy lập dàn ý cho bài văn kể về một trong hai câu chuyện trên. 
 
2.  Anh (chị) hãy trình bày cách lập dàn ý một bài văn tự sự.
Lời giải:
I. HÌNH THÀNH Ý TƯỞNG, DỰ KIẾN CỐT TRUYỆN
 
Đọc phần trích sau và trả lời câu hỏi.
1. Trong phần trích trên, nhà văn Nguyên Ngọc nói về việc gì?
2. Qua lời kể của nhà văn, anh (chị) học tập được điều gì trong quá trình hình thành ý tưởng, dự kiến cốt truyện để chuẩn bị lập dàn ý cho bài văn tự sự.
 
1.Trong phần trích trên, nhà văn Nguyên Ngọc kể lại câu chuyện về quá trình suy nghĩ, hình dung cốt truyện, chuẩn bị để sáng tác truyện ngắn Rừng xà nu. Nhà văn dự định viết chuyện cuộc khởi nghĩa về một nhân vật có thật mà ông đã gặp, được nghe. 
Nguyên Ngọc đã có dự kiến bố cục cơ bản và hình ảnh trước khi viết truyện. 
2. Qua lời kể của tác giả Nguyên Ngọc, ta có thể học tập được: Cần có quá trình hình thành ý tưởng, dự kiến cốt truyện trước khi làm dàn ý và viết bài văn tự sự. 
Sự chuẩn bị này sẽ giúp cho quá trình lập dàn ý bài văn được rõ ràng, dàn ý cũng chi tiết hơn.
 
II. LẬP DÀN Ý
 
1.Suy ngẫm về kết thúc truyện Tắt đèn của Ngô Tất Tố (Trời tối đen như mực và như cái tiển đổ của chị), nhà văn Nguyễn Tuân viết: “Tôi ngờ câu kết này cũng mới chỉ là cái chấm hết một thiên của truyện dài. Với một cái tiền thân ngay thẳng, lành mạnh như vậy, tôỉ nghĩ rằng chị Dậu thế tất phải có một hậu thân trong các đoàn thế cách mạng; và tôi nhớ như đã có lần nào, tôi đã gặp chị Dậu ở một đám đông phá kho thóc Nhật, ở một cuộc cướp chính quyền huyện kì Tổng khởi nghĩa; và nếu không thì, chí ít, tôi cũng đã gặp chị vào những ngày địch hậu o ép, chị tải thương hoặc đậy nắp hầm bem cho cán bộ cơ sở”. 
Theo suy ngẫm của nhà văn Nguyễn Tuân, có thể kể về “hậu thân” của chị Dậu bằng những câu chuyện sau:
(1) Sau cái đêm ấy, chị Dậu gặp một cán bộ cách mạng và được giác ngộ. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, chị Dậu dẫn đầu đoàn nông dân lên cướp chính quyển huyện, phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo.
(2) Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra. Tuy sống trong vùng địch hậu, chị Dậu vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ, nhiều lần đậy nắp hầm bem cho cán bộ, …
Anh (chị) hãy lập dàn ý cho bài văn kể về một trong hai câu chuyện trên. 
 
* Trường hợp 1: 
Mở bài: Giới thiệu câu chuyện xảy ra từ sau kết thúc truyện Tắt đèn.
Thân bài: Kể lại câu chuyện, chú ý đến 2 sự việc chính:
_ Sau cái đêm ấy, chị Dậu gặp một cán bộ cách mạng và được giác ngộ: 
+ Nhắc lại sơ qua về cảnh ngộ của Chị Dậu. 
+ Chị Dậu đã gặp người cán bộ cách mạng trong tình huống nào? 
+ Người cán bộ đã giác ngộ chị Dậu như thế nào? 
+ Chị Dậu đã có những thay đổi ra sao rong suy nghĩ và việc làm sau khi giác ngộ cách mạng?
-  Trong cuộc khởi nghĩa tháng Tám  năm 1945, chị Dậu dẫn đầu đoàn nông dân lên cướp chính quyền huyện, phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo:
- Từ việc giác ngộ cách mạng, chị Dậu đã có những hoạt động gì trong việc tham gia khởi nghĩa?
- Chị Dậu đã cùng các nông dân khác cướp chính quyền huyện, phá kho thóc Nhật như thế nào?
Kết bài: 
- Câu chuyện kết thúc như thế nào? 
- Em suy nghĩ gì về sự giác ngộ và hành động của chị Dậu?
 
* Trường hợp 2: 
Mở bài: Giới thiệu câu chuyện xảy ra từ sau khi kết thúc truyện Tắt đèn.
Thân bài: Kể lại câu chuyện, chú ý đến những sự việc chính:
+ Cuộc kháng chiến chống thực dân pháp nổ ra, chị Dậu đã được giác ngộ và có nhận thức về cuộc kháng chiến này như thế nào?
+ Tuy sống trong vùng địch hậu, gia đình chị Dậu phải chịu sự kiểm soát của địch như thế nào? Chị gặp những khó khăn gì?
+ Kể lại chi tiết việc chị Dậu vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ, nhiều lần đậy nắp hầm bem cho cán bộ,… 
+ Tại sao chị Dậu vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ ? 
+ Những sự việc nào chứng tỏ lòng căm thù giặc và tinh thần cách mạng của chị Dậu?
Kết bài : Câu chuyện kết thúc như thế nào? 
   Nêu suy nghĩ của em về hành động của chị Dậu.
 
2. Anh (chị) hãy trình bày cách lập dàn ý một bài văn tự sự.
 
   Bước 1: Trước khi lập dàn ý, cần suy nghĩ để chọn đề tài, chọn vấn đề, nội dung chính của câu chuyện sẽ kể.
   Bước 2: Từ đề tài, nội dung chính đã xác định, người viết tưởng tượng, suy nghĩ các chi tiết chính; lựa chọn cách diễn biến các sự việc.
   Bước 3: Dựa vào mô hình dàn ý (3 phần) để tạo kết cấu, trình tự hợp lí cho việc kể chuyện; chú ý đến các yếu tố: thời gian, không gian xảy ra câu chuyện; nguyên nhân xảy ra sự việc; các tình tiết của truyện; các nhân vật trong truyện, …
   Bước 4: Đưa các nội dung đã liệt kê vào một dàn ý chi tiết.
GHI NHỚ:
Lập dàn ý bài văn tự sự là nêu rõ những nội dung chính cho câu chuyện mà mình sẽ viết, sẽ kể.
Dàn ý:
- Mở bài: giới thiệu câu chuyện (hoàn cảnh, không gian, thời gian, nhân vật…).
- Thân bài: những sự việc, chi tiết chỉnh theo diễn biến câu chuyện.
- Kết bài: kết thúc câu chuyện (có thể nêu cảm nghĩ của nhân vật hoặc một chi tiết thật đặc sắc, ý nghĩa).
Muốn lập dàn ý, cần dự kiến đề tài, xác định các nhân vật, chọn và sắp xếp các sự việ, chi tiết tiêu biểu một các hợp lí.
 
III. LUYỆN TẬP
 
Câu 1. Lê - nin nói: “Tôi không sợ khó, không sợ khổ, tôi chỉ sợ những phút yếu mềm của lòng tôi. Đối với tôi chiến thắng bản thân là chiến thắng vẻ vang nhất”. Từ những kỉ niệm của tuổi học trò, anh (chị) hãy lập dàn ý cho bài văn viết về câu chuyện: “một học sinh tốt phạm phải một số sai lầm trong “những phút yếu mềm” nhưng đã kịp thời tỉnh ngộ, “chiến thắng bản thân...”, vươn lên trong cuộc sống, trong học tập.
 
- Có thể xây dựng cốt truyện như sau:
+ Nam (học sinh) vốn là một học sinh có ý thức tốt, học tập khá, hiền lành, trung thực.
+ Sau cuộc chia tay của cha mẹ, Nam buồn bã, chán nản, bị những người bạn xấu lôi kéo nên đã phạm phải những sai lầm đáng tiếc (bỏ học, thường xuyên tụ tập với những bạn xấu, lấy trộm đồ của các bạn cùng lớp, hút thuốc lá, đua xe, … ).
+ Sau khi bị phát hiện là kẻ ăn trộm đồ, dù đã nhận ra lỗi lầm, rất ân hận, dằn vặt nhưng vì xấu hổ, mặc cảm mà Nam không dám đến lớp học, không dám giao lưu với các bạn.
+ Thầy giáo chủ nhiệm biết chuyện, rất cảm thông và nhiều lần tìm cách giúp đỡ, bảo lãnh cho Nam được trở lại trường học, giúp đỡ em hòa nhập trở lại với môi trường lớp học.
+ Nam đã cố gắng trở lại với sự ngoan ngoãn, có ý thức như trước và vươn lên trong học tập.
 
2. Lập dàn ý cho bài văn viết về một câu chuyện xảy ra trong cuộc sống mà anh(chị) được trực tiếp chứng kiến (đội thanh niên tình nguyện tham gia công tác giữ trật tự an toàn giao thông; đôi bạn giúp nhau vượt khó học giỏi; bác trưởng thôn chăm lo đời sống các gia đình thương binh, liệt sĩ…)
 
(Tham khảo câu chuyện về tình bạn).
+ Mở bài:
- Đạt và Quân là một đôi bạn đặc biệt của lớp. 
- Tình bạn, sự quan tâm, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong học tập của hai bạn thật khiến mọi người khâm phục và cảm động. 
+ Thân bài:
- Giới thiệu sơ qua về hoàn cảnh của hai bạn:
Đạt và Quân là đôi bạn lớn lên cùng nhau từ nhỏ. 
Đạt nhanh nhẹn, thông minh; còn Quân vì mắc chứng tăng động từ nhỏ nên các phát âm, nói chuyện và tiếp thu kiến thức của Quân không được như các bạn cùng trang lứa.
- Câu chuyện:
Cả lớp chỉ có Đạt chơi với Quân. Đạt muốn giúp đỡ để Quân không còn bị các bạn trêu chọc nữa. 
Đạt giúp Quân học bài. 
Quân hiểu bài hơn, điểm kiểm tra trên lớp được cải thiện, khả năng giao tiếp của Quân có sự thay đổi rõ rệt.  Đạt cũng có kết quả hoc tập ngày càng tốt. 
Cả gia đình, cô giáo và các bạn trong lớp đều cảm thấy sự tiến bộ rõ rệt từ hai bạn. 
Các bạn trong lớp dần không trêu chọc Quân nữa, mà cùng Đạt giúp đỡ Quân nhiều hơn trong học tập. 
+ Kết bài:
- Kết quả học tập của Quân và Đạt ngày càng tiến bộ 
- Tình cảm, sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau của đôi bạn khiến mọi người rất khâm phục.