Câu hỏi trang 196 - Bài 44 - SGK môn Sinh học lớp 12

Qua hình 44.2 và kiến thức sinh học đã học, em hãy cho biết:

- Bằng những con đường nào cacbon đã đi từ môi trường ngoài vào cơ thể sinh vật, trao đổi trong quần xã và trở lại môi trường không khí và môi trường đất?
 
- Có phải tất cả lượng cacbon của quần xã sinh vật được trao đổi liên tục theo vòng tuần hoàn kín hay không? Vì sao?
Lời giải:

- Những con đường cacbon đã đi từ môi trường ngoài vào cơ thể sinh vật, trao đổi trong quần xã và trở lại môi trường không khí và môi trường đất:

    + Con đường cacbon đã đi từ môi trường ngoài vào cơ thể sinh vật: Quang hợp ở thực vật (CO\(_2\) trong không khí nhờ quá trình quang hợp ở thực vật tạo thành các chất hữu cơ). Các vật chất đó được trao đổi qua các bậc dinh dưỡng.
 
    + Con đường cacbon trở lại môi trường không khí và môi trường đất: Hô hấp ở động vật và thực vật, quá trình phân giải chất hữu cơ, hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông,… của con người.
 
- Không phải lượng cacbon của quần xã sinh vật được trao đổi liên tục theo vòng tuần hoàn kín vì một phần bị lắng đọng dưới dạng dầu lửa, than đá,…

Ghi nhớ:

Chu trình sinh địa hóa là chu trình trao đổi các chất trong tự nhiên. Một chu trình sinh địa hóa gồm có các phần : tổng hợp các chất, tuần hoàn vật chất trong tự nhiên, phân giải và lắng đọng một phần vật chất trong đất nước:

- Cacbon đi vào chu trình dưới dạng cacbon dioxit (CO2), thông qua quang hợp. Khí CO2 thải vào bầu khí quyển qua hô hấp của sinh vật, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, núi lửa,… Nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển đang tăng gây thêm nhiều thiên tai trên Trái Đất.

- Thực vật hấp thụ nito dưới dạng muối amon (NH4+), nitrat (NO3-). Các muối trên được hình thành trong tự nhiên bằng các con đường vật lí, hóa học và sinh học. Nito từ xác sinh vật trở lại môi trường đất, nước thông qua hoạt động phân giải chất hữu cơ của vi khuẩn, nấm,… Hoạt động phản nitrat của vi khuẩn trả lại một lượng nito phân tử (N2) cho đất, nước và bầu khí quyển.

- Nước trên Trái Đất luôn luân chuyển theo vòng tuần hoàn và phụ thuộc nhiều vào thảm thực vật. Nguồn nước không phải là vô tận, nguồn nước đang bị suy giảm nghiêm trọng. Chúng ta cần phải bảo vệ nguồn nước trong sạch.

Sinh quyển gồm toàn bộ sinh vật sống trong các lớp đất, nước và không khí của Trái Đất. Sinh quyển gồm nhiều khu sinh học, mỗi khu có những đặc điểm về địa lí, khí hậu và thành phần sinh vật khác nhau, bao gồm các khu sinh học trên cạn, khu sinh học nước ngọt và khu sinh học biển.

Bài 44: Chu trình sinh địa hoá và sinh quyển
Phần 7: Sinh thái học
+ Mở rộng xem đầy đủ