Trả lời câu 2 trang 68 - Bài 18 - SGK môn Địa lý lớp 10

Các nhân tố tự nhiên ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển và phân bố của sinh vật?

Lời giải:
- Khí hậu: ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và phân bố sinh vật chủ yếu thông qua nhiệt độ, nước, độ ẩm không khí và ánh sáng.
 
+ Nhiệt độ: mỗi loài thích nghi với một giới hạn nhiệt nhất định. Loài ưa nhiệt phân bố ở nhiêt đới, loài chịu lạnh phân bố ở vĩ độ cao và các vùng núi cao lạnh giá.
 
+ Nước và độ ẩm không khí: nơi có nhiệt ẩm, nguồn nước dồi dào như vùng xích đạo, nhiệt đới ẩm, cận nhiệt... là môi trường sinh vật phát triển thuận lợi, trù phú. Ngược lại hoang mạc khô hạn là nơi ít loài sinh vật có thể sinh sống.
 
+ Ánh sáng: quyết định quá trình quang hợp của cây xanh, cây ưa sáng phát triển ở nơi có đầy đủ ánh sáng, cây chịu bóng sống trong bóng râm, dưới tán lá cây khác.
 
- Đất: Các đặc tính lí, hoá và độ phì của đất ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố của thực vật.
 
- Đia hình: Độ cao và hướng sườn ảnh hưởng tới phân bố thực vật ở vùng núi.
 
+ Khi lên cao nhiệt độ và độ ẩm thay đổi nên thành phần thực vật cũng thay đổi, tạo thành các vành đai khác nhau.
 
+ Sườn đón gió, đón nắng và sườn khuất gió, khuất nắng cũng có sự khác biệt về nhiệt, ẩm, lượng mưa nên độ cao của các vành đai thực vật cũng khác nhau ở hai sườn.
 
- Sinh vật:
 
+ Thức ăn là nhân tố sinh học quyết định đối với sự phát triển và phân bố của động vật.
 
+ Động vật có quan hệ với thực vật về nơi cư trú và nguồn thức ăn. Do đó, thực vật có ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố động vật.
 
Ghi nhớ:
 Các nhân tố tự nhiên ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển và phân bố của sinh vật.
Bài 18: Sinh quyển. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của sinh vật
Phần 1: Địa lí Tự nhiên
+ Mở rộng xem đầy đủ