Trả lời câu 2 trang 173 – Bài 37 – SGK môn Địa lý lớp 12
Hãy trình bày các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đối với sự phát triển cây cà phê ở Tây Nguyên. Nêu các khu vực chuyên canh cà phê và các biện pháp để có thể phát triển ổn định cây cà phê ở vùng này.
1. Các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đối với sự phát triển cây cà phê ở Tây Nguyên:
- Điều kiện tự nhiên.
+ Đất:
• Đất badan có diện tích khá lớn, có tầng phong hóa sâu, giàu chất dinh dưỡng.
• Đất phân bố trên các cao nguyên xếp tầng, địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi để xây dựng các vùng chuyên canh cây cà phê trên quy mô lớn.
+ Khí hậu:
• Mang tính chất cận xích đạo với một mùa mưa và một mùa khô kéo dài thuận lợi cho việc phát triển cây cà phê.
• Mùa mưa cung cấp nước, mùa khô thuận lợi cho phơi sấy, bảo quản sản phẩm.
+ Tài nguyên nước: có hệ thống sông ngòi và nguồn nước ngầm có giá trị trong việc cung cấp nguồn nước tưới cho các vùng chuyên canh.
+ Khó khăn: Mùa khô kéo dài, thiếu nước cho tưới tiêu.
- Điều kiện kinh tế - xã hội
+ Dân cư, nguồn lao động: có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chế biến cây cà phê.
+ Cơ sở vật chất: Các cơ sở chế biến cà phê được phát triển rộng rãi.
+ Thị trường trong và ngoài nước mở rộng, đặc biệt nhu cầu xuất khẩu cà phê lớn.
+ Chính sách phát triển cây cà phê của Nhà nước.
+ Khó khăn:
• Trình độ lao động còn thấp kém, thiếu lao động lành nghề và chuyên môn kỹ thuật cao.
• Công nghiệp chế biến còn nhỏ bé.
• Thị trường chưa ổn định.
2. Các khu vực chuyên canh cà phê
- Cà phê chè được trồng nhiều trên các cao nguyên tương đối cao, khí hậu mát hơn như : Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.
- Cà phê vối được trồng chủ yếu vùng nóng hơn, tiêu biểu là ở Đắk Lắk.
3. Các biện pháp để có thể phát triển ổn định cây cà phê
- Quy hoạch các vùng chuyên canh cây cà phê. Việc mở rộng diện tích cà phê phải có kế hoạch và cơ sở khoa học đi đôi với bảo vệ vốn rừng.
- Phải đảm bảo đủ nước tưới cho cà phê trong mùa khô.
- Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.
- Có chính sách ưu đãi đối với vùng sản xuất cà phê.
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho các vùng chuyên canh để ổn định diện tích trồng cây cà phê.
- Thực hiện chuyển giao công nghệ cho đồng bào các dân tộc ít người về trồng và chế biến cà phê.
- Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các vùng chuyên canh cây cà phê, xây dựng các cơ sở công nghiệp chế biến gắn với các vùng chuyên canh cà phê, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ghi nhớ:
- Tây Nguyên là vùng duy nhất ở nước ta không giáp biển, giáp Duyên hải Nam Trung Bộ, liền kề với Đông Nam Bộ, giáp Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia có ý nghĩ về kinh tế và chính trị.
- Các thế mạnh của vùng: trồng cà phề, khai thác rừng và tiềm năng thủy điện lớn.
- Hạn chế: mùa khô kéo dài, trình độ lao động thấp, cơ sở hạ tầng chưa cao.