Soạn bài Cây bút thần

1. Mã Lương thuộc một kiểu nhân vật rất phổ biến nào trong truyện cổ tích ? Hãy kể tên một số nhân vật tương tự trong truyện cổ tích mà em biết.

2. Những điều gì đã giúp cho Mã Lương vẽ giỏi như vậy ? Những điều ấy có quan hệ với nhau ra sao ?

3. Mã Lương đã vẽ gì cho những người nghèo khổ và cho những kẻ tham lam ? Hãy đánh giá ngòi bút thần của Mã Lương qua những gì mà Mã Lương đã vẽ. 

4. Truyện kể này được xây dựng theo trí tưởng tượng rất phong phú và độc đáo của nhân dân. Theo em, những chi tiết nào trong truyện là lí thú và gợi cảm hơn cả ?

5. Hãy nêu ý nghĩa của truyện Cây bút thần.

Lời giải:

I. Đọc - Hiểu văn bản

Câu 1 : Mã Lương thuộc một kiểu nhân vật rất phổ biến nào trong truyện cổ tích ? Hãy kể tên một số nhân vật tương tự trong truyện cổ tích mà em biết.

- Mã Lương thuộc kiểu nhân vật phổ biến trong truyện cổ tích. Đó là kiểu nhân vật có tài lạ, luôn luôn dùng tài năng để giúp đỡ người nghèo, chống lại kẻ độc ác, tham lam.

- Một số nhân vật tương tự : Thạch Sanh, Sọ Dừa, ...

 

Câu 2 : Những điều gì đã giúp cho Mã Lương vẽ giỏi như vậy ? Những điều ấy có quan hệ với nhau ra sao ?

- Mã Lương có tài vẽ giỏi như vậy là vì sự say mê học vẽ và năng khiếu sẵn có của em. Hơn nữa, em lại có trong tay một cây bút thần bằng vàng do một cụ già cho em trong giấc mơ. Cây bút thần chính là phần thưởng cho Mã Lương, một em nhỏ có tài, có niềm say mê học tập.

- Nhờ có cây bút thần mà Mã Lương vẽ đạt được trình độ cao hơn, vẽ được tất cả vật dụng và các con vật sống. Nhưng chỉ có Mã Lương mới sử dụng được cây bút thần như ý muốn chứ không phải ai khác. Đó là mối quan hệ chặt chẽ giữa tài năng, đức độ và sự thần kì.

 

Câu 3 : Mã Lương đã vẽ gì cho những người nghèo khổ và cho những kẻ tham lam ? Hãy đánh giá ngòi bút thần của Mã Lương qua những gì mà Mã Lương đã vẽ. 

- Mã Lương đã vẽ :

+ Đối với những người nghèo, Mã Lương đã vẽ những vật dụng cần thiết cho họ. Mã Lương đã vẽ cày, cuốc, thùng, đèn chứ không phải lúa gạo hay các thức ăn sẵn. Đó là những công cụ, vật dụng để mọi người có thể làm ra của cải.

+ Với những kẻ tham lam, Mã Lương kiên quyết cự tuyệt không vẽ như với tên địa chủ. Còn với tên vua thì hắn yêu cầu một đường, Mã Lương lại vẽ một nẻo. Bảo vẽ rồng thì vẽ con cóc ghẻ. Bảo vẽ phượng thì vẽ con gà trụi lông.

+ Mã Lương đã vẽ các phương tiện để trốn thoát khỏi nhà địa chủ và trừng trị hắn. Em giả vờ nghe theo lời vua, vẽ biển rồi vẽ bão tố nhấn chìm tên vua độc ác.

- Đánh giá ngòi bút thần của Mã Lương : Mã Lương đã vẽ cho những người nghèo, cự tuyệt vẽ cho những kẻ tham lam, độc ác. Mã Lương đã vẽ tên bắn chết gã địa chủ hung ác, vẽ báo tố nhấn chìm tên vua tham lam, độc ác. Mã Lương như là người được trao sứ mệnh giúp đỡ dân nghèo, tiêu diệt kẻ tàn ác tham lam, kẻ thù của nhân dân.

 

Câu 4 : Truyện kể này được xây dựng theo trí tưởng tượng rất phong phú và độc đáo của nhân dân. Theo em, những chi tiết nào trong truyện là lí thú và gợi cảm hơn cả ?

Truyện Cây bút thần được xây dựng theo trí tưởng tượng phong phú và độc đáo của nhân dân. Trong truyện có nhiều chi tiết lí thú và gợi cảm. Chẳng hạn như sự say mê học vẽ của Mã Lương, giấc mơ nhận được cây bút, Mã Lương ngồi ăn bánh nướng trong chuồng ngựa,... Nhưng có lẽ lí thú nhất là khi Mã Lương cãi lệnh vua, vẽ ra những con vật bẩn thỉu, và tên vua bất lực khi vẽ núi vàng, vẽ thỏi vàng. Hắn biết không thể sử dụng được bút thần nếu không có Mã Lương. Và Mã Lương đã dùng mẹo vờ đồng ý rồi vẽ biển, vẽ cuồng phòng để dìm chết tên vua độc ác

 

Câu 5 : Hãy nêu ý nghĩa của truyện Cây bút thần.

- Cây bút thần thể hiện ước mơ của nhân dân có được sức mạnh kì diệu để giúp đỡ những người lao động bình thường và trừng phạt những kẻ tham lam, độc ác. 

- Truyện cũng khẳng định tài năng chỉ có thể phát huy được tác dụng khi phục vụ nhân dân, thực hiện những mục đích chính nghĩa.

- Cây bút thần khẳng định nghệ thuật chân chính đạt được nhờ say mê, tài năng và quyết tâm của con người. Nghệ thuật đó phục vụ nhân dân lao động. Truyện cũng thể hiện ước mơ và niềm tin vào khả năng kì diệu của con người.

 

 

II. Luyện tập

Câu 1 : Hãy kể diễn cảm truyện này.

Học sinh tự thực hiện

 

Câu 2 : Nhắc lại định nghĩa truyện cổ tích và kể tên những truyện cổ tích mà em đã học.

- Định nghĩa truyện cổ tích :

Là loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc :

+ Nhân vật bất hạnh (người mồ côi, người con riêng, người em út, người có hình dạng xấu xí, ....)

+ Nhân vật dũng sĩ  và nhân vật có tài năng kì lạ

+ Nhân vật là động vật (con vật biết nói năng, hoạt động, tích cách như con người)

Truyện cổ tích thường có yếu tố hoang đường, thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cải thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công.

- Những truyện cổ tích đã học : Sọ Dừa, Thạch Sanh, Em bé thông minh, ...