Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương trích Truyền kì mạn lục

1. Tìm bố cục của truyện.

2. Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào? Ở từng hoàn cảnh, Vũ Nương đã bộc lộ những đức tính gì?

3. Vì sao Vũ Nương phải chịu nỗi oan khuất? Từ đó em cảm nhận được điều gì về thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến?

4. Hãy nêu nhận xét về cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện, những lời trần thuật và những lời đối thoại trong truyện.

5. Tìm những yếu tố kì ảo trong truyện. Đưa ra những yếu tố kì ảo vào một câu chuyện quen thuộc, tác giả nhằm thể hiện điều gì?

Lời giải:
I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Câu 1 trang 51 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Tìm bố cục của truyện.
Trả lời:
Bố cục của truyện: được chia thành 3 phần- Phần 1: (Từ đầu đến lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình): Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương, sự xa cách vì chiến tranh và phẩm hạnh của nàng trong thời gian xa cách.- Phần 2: (Qua năm sau…nhưng việc trót đã qua rồi): Nỗi oan trái và cái chết bi thảm của Vũ Nương.- Phần 3: (Còn lại): Cuộc gặp gỡ giữa Phan Lang và Vũ Nương trong động Linh Phi. Vũ Nương được giải oan.
 
Câu 2 trang 51 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào? Ở từng hoàn cảnh, Vũ Nương đã bộc lộ những đức tính gì?
 
Trả lời:
Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong nhiều hoàn cảnh:
- Trong cuộc sống vợ chồng bình thường: 
+ Khi chồng ở nhà: Hiểu rõ tính chồng hay ghen, đối với vợ lại phòng ngừa quá sức nên Vũ Nương hết mực giữ gìn khuôn phép, cư xử dịu dàng, đúng mực cuộc sống vợ chồng chưa từng xảy ra bất hoà.
+ Khi tiễn chàng Trương đi lính: Nàng nói những lời ngọt ngào nồng đượm một tình yêu thuỷ chung. Nàng không trông mong vinh hiển mà chỉ cầu mong ngày về mang theo được hai chữ bình yên; Nàng cảm thông, xót thương và lo lắng trước những vất vả, gian nan nguy hiểm mà chồng sẽ phải chịu nơi chiến trận: “chỉ e việc quân khó liệu thế giặc khôn lường”  Rồi bày tỏ sự khắc khoải, nhớ nhung da diết của mình: “nhìn trăng soi thành cũ lại sửa soạn áo rét,…trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình thương người đất thú”
+ Những ngày tháng xa chồng: Nàng nhớ chồng da diết: Nỗi nhớ thương khắc khoải, triền miên theo thời gian (bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi…); nàng luôn tâm niệm gắn bó với chồng như hình với bóng (chi tiết chỉ vào bóng mình và nói là cha Đản); Vũ Nương là người con dâu hiếu thảo khi thay chồng chăm sóc mẹ. Mẹ chồng ốm, nàng bốc thuốc, lễ bái, nói lời ngọt ngào khuyên răn. Khi mẹ chồng mất, nàng hết lòng thương xót lo việc ma chay… như với cha mẹ đẻ. Lời trăng trối của mẹ chồng: “Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ” là một lời đánh giá khách quan nhân cách và công lao của Vũ Nương đối với gia đình chồng, chứng minh tấm lòng hiếu thảo hết mực của nàng. Vũ Nương còn là người mẹ hiểu biết và yêu thương con. Nàng hết lòng chăm sóc và nuôi dạy con, không muốn con thiếu vắng tình cha, nàng đã chỉ vào bóng mình và nói là cha Đản. Đó là lời nói dối đầy thiện chí và yêu thương.
+ Khi bị nghi oan: Nàng nhẫn nhục, cố gắng hàn gắn tình cảm vợ chồng đang có nguy cơ tan vỡ (Nàng nói về thân phận mình “vốn con kẻ khó được nương tựa kẻ giàu”, nàng nói về tình cảm vợ chồng và khẳng định tấm lòng thuỷ chung trong trắng của mình: “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót” và nàng cầu xin chồng đừng nghi oan); Nàng đau đớn thất vọng khi bị đối xử bất công, khi hạnh phúc gia đình tan vỡ, tình yêu, sự thuỷ chung đợi chờ bị phủ nhận không thương tiếc. Không còn cách nào khác để hàn gắn cuộc hôn nhân, để bày tỏ tấm lòng thuỷ chung trong trắng của mình, Vũ Nương chỉ còn biết mượn dòng Hoàng Giang chứng giám. Hành động quyết liệt cuối cùng chất chứa nỗi đắng cay tuyệt vọng nhưng cũng là hành động đầy lí trí.
+ Sống ở thuỷ cung:  Nàng vẫn nặng tình với quê hương, với chồng con….(khi nghe Phan Lang kể về chồng con, “nàng rơm rớm nước mắt” luôn mong có một ngày được trở về quê hương, gia đình) đó là nét đẹp của lòng nhân hậu bao dung. Hình ảnh Vũ Nương trở về trong “lộng lẫy và rực rỡ cờ hoa lúc ẩn lúc hiện ở trên dòng sông” là hình ảnh chiến thắng của lòng trong sạch và nỗi oan được giải. Hình ảnh đó càng khắc hoạ rõ nét hơn nét đẹp thuỷ chung, trong trắng của nàng.
Vũ Nương quả là người phụ nữ hoàn hảo, mang trong mình nét đẹp truyền thống của người Việt Nam: xinh đẹp, nết na, hiền thục lại đảm đang tháo vát, hiếu thảo, thuỷ chung, tình nghĩa và hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình. 

Câu 3 trang 51 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Vì sao Vũ Nương phải chịu nỗi oan khuất? Từ đó em cảm nhận được điều gì về thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến?
Trả lời:
Nguyên nhân nỗi oan khuất của Vũ Nương:
- Nguyên nhân trực tiếp: Từ chiếc bóng trên vách và lời nói ngây thơ của bé Đản khi không nhận cha.
- Nguyên nhân gián tiếp:
+ Cuộc hôn nhân không bình đẳng: Vũ Nương vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu
+ Tính cách của Trương Sinh khó đảm bảo được cuộc sống gia đình hạnh phúc: “Trương Sinh có tính đa nghi đối với vợi phòng ngừa quá sức”. Thêm nữa là tâm trạng của chàng về nhà cũng có phần không vui: “Cha về, bà mất lòng cha buồn khổ lắm rồi”.
+ Cách cư xử hồ đồ và độc đoán của Trương Sinh khi gặp tình huống bất ngờ là lời nói trẻ thơ chứa đầy những sự kiện đáng ngờ. Hành động vũ phu của Trương Sinh đã bức tử Vũ Nương chết một cách bi thảm.
+ Lễ giáo phong kiến hà khắc: trọng nam khinh nữ, quá coi trọng trinh tiết. Khi người phụ nữ bị mang tiếng là thất tiết thì sẽ bị cả xã hội hắt hủi…
+ Chiến tranh phong kiến dẫn đến sinh li – hiểu lầm – cái chết thương tâm….
* Bi kịch của Vũ Nương là một lời tố cáo xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu và của người đàn ông trong gia đình, đồng thời bày tỏ niềm cảm thương của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ. Người phụ nữ đức hạnh ở đây không những không được bênh vực, chở che mà lại còn bị đối xử một cách bất công, vô lí; chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ miệng còn hơi sữa và vì sự hồ đồ, vũ phu của anh chồng ghen tuông mà đến nỗi phải kết liễu cuộc đời mình.

Câu 4 trang 51 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Hãy nêu nhận xét về cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện, những lời trần thuật và những lời đối thoại trong truyện.
Trả lời:
Nhận xét về cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện: Trên cơ sở cốt truyện có sẵn, tác giả đã sắp xếp lại một số tình tiết, thêm bớt hoặc tô đậm những tình tiết có ý nghĩa, có tính chất quyết định đến quá trình diễn biến của câu chuyện cho hợp lí, tăng cường tính bi kịch và cũng làm cho truyện trở nên hấp dẫn và sinh động hơn.
- Giá trị nghệ thuật của những đoạn đối thoại và những lời tự bạch của nhân vật: truyện có nhiều lời đối thoại và lời tự bạch của nhân vật, được sắp xếp rất đúng chỗ, làm cho câu chuyện trở nên sinh động, góp phần không nhỏ vào việc khắc họa quá trình tâm lí và tính cách nhân vật (lời của bà mẹ Trương Sinh là lời của một người nhân hậu và từng trải; lời của Vũ Nương chân thành, dịu dàng, là lời của người phụ nữ hiền thục, nết na, trong trắng; lời của bé Đản hồn nhiên, thật thà...)

Câu 5 trang 51 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Tìm những yếu tố kì ảo trong truyện. Đưa ra những yếu tố kì ảo vào một câu chuyện quen thuộc, tác giả nhằm thể hiện điều gì?
Trả lời:
 Những yếu tố kì ảo:
- Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa
- Phan Lang gặp nạn được Linh Phi cứu, gặp lại Vũ Nương, được sứ giả của Linh Phi rẽ đường nước đưa về dương thế.
- Vũ Nương hiện về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh huyền ảo rồi lại biến mất...
* Ý nghĩa của các chi tiết kì ảo
- Đó là những hình ảnh đặc sắc thể hiện đặc trưng của thể loại truyền kì làm truyện thêm sâu sắc hấp dẫn.
- Góp phần khắc hoạ, hoàn thiện thêm vẻ đẹp nhân cách của Vũ Nương: là con người nặng tình nghĩa với cuộc đời, quan tâm đến chồng con, khao khát phục hồi danh dự,…
- Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu, thể hiện ước mơ về lẽ công bằng ở đời của nhân dân ta: Ở hiền gặp lành, cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác. Hình ảnh Vũ Nương trở về trong một không gian rực rỡ và tràn đầy ánh sáng như một sự đền bù cho một cuộc đời bất hạnh của một phụ nữ thua thiệt, cuối cùng người con gái nết na xinh đẹp cũng được giải oan, bù đắp.
- Chi tiết kì ảo vẫn không làm mất đi tính bi kịch của tác phẩm: bi kịch của cuộc đời, của số phận người phụ nữ (Vũ Nương) vẫn tiềm ẩn ngay trong cái lung linh kì ảo: cho dù câu chuyện kết thúc phần nào có hậu, Vũ Nương đã sống một cuộc sống khác, ở thế giới khác, giàu sang, được tôn trọng, được yêu thương…nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh. Cuộc sống tốt đẹp của người phụ nữ là quá mong manh, là không thể có trong xã hội xưa. Dù Vũ Nương có trở về trong rực rỡ uy nghi nhưng vẫn thấp thoáng, ẩn hiện và ngậm ngùi từ tạ…. “Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”.  Đó là bi kịch bởi Vũ Nương mãi mãi không thể trở về để chăm sóc gia đình, chồng con như ước nguyện của nàng. Người chết không thể sống lại, hạnh phúc thực sự đâu có thể làm lại được nữa… Cái kết tưởng như có hậu nhưng đầy xót xa.
 
II. LUYỆN TẬP:
Hãy kể lại Chuyện người con gái Nam Xương theo cách của em
Trả lời:
Kể tóm tắt “Chuyện người con gái Nam Xương”
     Nàng Vũ Nương quê ở Nam Xương đẹp người đẹp nết, lấy chồng là Trương Sinh – con nhà giàu, ít học, tính hay đa nghi, cả ghen. Gia đình đang yên ấm hạnh phúc thì chàng Trương phải rời nhà đi lính. Ở nhà, Vũ Nương sinh được con trai đặt tên là Đản. Nàng chăm sóc con và mẹ chồng chu đáo, lo thuốc thang, cầu khấn thần Phật khi mẹ chồng ốm, lo ma chay chu tất khi mẹ chồng mất.
Khi trở về, Trương Sinh nghe theo lời con trẻ nghi ngờ vợ phản bội. Vũ Nương một mực phân trần, giải thích nhưng Trương Sinh không nghe, thậm chí còn mắng nhiếc đánh đuổi đi. Vũ Nương không tự mình giải oan được bèn trẫm mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn.
  Vũ Nương tự tử nhưng không chết do được các nàng tiên cứu. Dưới thuỷ cung, tình cờ nàng gặp người cùng làng là Phan Lang. Nghe Phan Lang kể chuyện nhà, Vũ Nương rơm rớm nước mắt và muốn trở về dương gian. Phan Lang về nói với Trương Sinh, chàng Trương hối hận, lập đàn giải oan cho nàng. Vũ Nương trở về lộng lẫy, rực rỡ dưới dòng sông nói với chồng vài lời cảm tạ và biến mất.