Soạn bài Ôn tập về truyện - SGK môn Ngữ văn 9 tập 2

1. Thống kê tác phẩm truyện hiện đại Việt Nam đã học trong sách Ngữ văn 9 (cả hai tập) theo mẫu dưới đây:

STTTên tác phẩmTác giảNăm sáng tácTóm tắt thi đấu
     


Lưu ý: Nếu văn bản là đoạn trích từ một tác phẩm dài thì sau tên đoạn trích ghi cả tên tác phẩm và để trong ngoặc đơn.

2. Các tác phẩm truyện sau Cách mạng tháng Tám 1945 trong bản thống kê trên đã phản ánh được những nét gì về đất nước và con người Việt Nam ở giai đoạn đó.

3. Hình ảnh các thế hệ con người Việt Nam yêu nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đã được miêu tả qua những nhân vật nào?
Hãy nêu những nét tác phẩm chung của các nhân vật ấy và nét tính cách nổi bật ở mỗi nhân vật.

4. Trong số các nhân vật của những tác phẩm truyện được học ở lớp 9, em có ấn tượng sâu sắc với những nhân vật nào? Nêu cảm nghĩ của em về một nhân vật.

5. Các tác phẩm truyện ở lớp 9 đã được trần thuật theo các ngôi kể nào? Những truyện nào có nhân vật kể chuyện trực tiếp xuất hiện (nhân vật xưng “tôi”)? Cách trần thuật này có ưu thế như thế nào?

6.  Ở những truyện nào tác giả sáng tạo được tình huống truyện đặc sắc?

Lời giải:

Câu 1 - Trang 144 SGK ngữ văn 9 tập 2: Thống kê tác phẩm truyện hiện đại Việt Nam đã học trong sách Ngữ văn 9 (cả hai tập) theo mẫu dưới đây:

STTTên tác phẩmTác giảNăm sáng tácTóm tắt thi đấu
     


Lưu ý: Nếu văn bản là đoạn trích từ một tác phẩm dài thì sau tên đoạn trích ghi cả tên tác phẩm và để trong ngoặc đơn.

Trả lời

Bảng thống kê tác phẩm truyện hiện đại Việt Nam đã học:

STTTên tác phẩmTác giảNăm sáng tácTóm tắt nội dung
1LàngKim Lân1948Ông Hai, một người nông dân tản cư theo kháng chiến đã vô cùng tủi hổ, đau xót khi nghe tin làng mình theo giặc. Tin đồn được cải chính, ông Hai càng thêm yêu, thêm tự hào về làng kháng chiến. Tình yêu làng gắn với tình yêu nước và tinh thần kháng chiến của người nông dân.
2Lặng lẽ Sa PaNguyễn Thành Long1970Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông hoạ sĩ, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên làm công tác khí tượng trên núi cao Sa Pa. Đó là những người lao động thầm lặng cống hiến hết sức mình cho đất nước.
3Chiếc lược ngàNguyễn Quang Sáng1966Câu chuyện éo le và cảm động về hai cha con ông Sáu và bé Thu. Bé Thu đã không gọi ba trong suốt mấy ngày ông Sáu nghỉ phép. Chỉ đến khi ông Sáu ra đi, nó mới chịu gọi ba. Lời hứa làm chiếc lược cho con đã được ông Sáu thực hiện, dù ông không thể về để trực tiếp trao lược cho con.Truyện ca ngợi tình cha con thắm thiết trong hoàn cảnh chiến tranh.
4Bến quêNguyễn Minh ChâuTrong tập Bến quê (1985)Nhĩ ốm không thể đi lại được. Bấy giờ anh mới thấy khát vọng mong muốn khám phá vẻ đẹp bình dị của bến quê. Truyện thức tỉnh ở mọi người sự trân trọng những giá trị và vẻ đẹp bình dị, gần gũi của cuộc sống, của quê hương.
5Những Ngôi sao xa xôiLê Minh Khuê1971Cuộc sống chiến đấu của ba cô gái thanh niên xung phong Phương Định, Nho và Thao trên cao điểm Trường Sơn với nhiệm vụ đo khối lượng đất đá cần san lấp, đếm bom chưa nổ và phá bom. Truyện làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, hồn nhiên, lạc quan và phẩm chất dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao của 3 cô gái TNXP ở tuyến đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

 

Câu 2 - Trang 144 SGK ngữ văn 9 tập 2: Các tác phẩm truyện sau Cách mạng tháng Tám 1945 trong bản thống kê trên đã phản ánh được những nét gì về đất nước và con người Việt Nam ở giai đoạn đó.

Trả lời:

Nhận xét về hình ảnh đời sống và con người Việt Nam được phản ánh trong các truyện:
- Phản ánh được một phần những nét tiêu biểu của đời sống xã hội và con người Việt Nam. 
- Hình ảnh con người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đã được thể hiện sinh động.

Câu 3 - Trang 144 SGK ngữ văn 9 tập 2: Hình ảnh các thế hệ con người Việt Nam yêu nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đã được miêu tả qua những nhân vật nào?

Hãy nêu những nét tác phẩm chung của các nhân vật ấy và nét tính cách nổi bật ở mỗi nhân vật.

Trả lời:

Hình ảnh các thế hệ con người Việt Nam yêu nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ được thể hiện sinh động qua một số nhân vật:
+ Ông Hai: tình yêu làng thật đặc biệt, nhưng phải đặt trong tình cảm yêu nước và tinh thần kháng chiến.
+ Anh thanh niên trong truyện Lặng lẽ Sa Pa: yêu thích và hiểu ý nghĩa của công việc thầm lặng, một mình trên núi cao, có những suy nghĩ và tình cảm tốt đẹp, trong sáng về công việc và đối với mọi người.
+ Bé Thu: tính cách cứng cỏi, tình cảm nồng nàn, thắm thiết với người cha.
+ Ông Sáu: tình cha con sâu nặng, tha thiết trong hoàn cảnh éo le và xa cách của chiến tranh.
+ 3 cô gái TNXP: tinh thần dũng cảm không sợ hi sinh khi làm nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, tình cảm trong sáng, hồn nhiên, lạc quan trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt.

Câu 4 - Trang 144 SGK ngữ văn 9 tập 2: Trong số các nhân vật của những tác phẩm truyện được học ở lớp 9, em có ấn tượng sâu sắc với những nhân vật nào? Nêu cảm nghĩ của em về một nhân vật.

Trả lời

          Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện tình cảm sâu nặng và cao đẹp của ông Sáu đối với con. Ông luôn khao khát được gặp con, được sống trong tình phụ tử thiêng liêng. Ông sung sướng, náo nức khi gặp lại con, nôn nóng muốn được ôm con vào lòng nhưng đứa con lại lảng tránh, hoảng sợ khiến người cha bị hụt hẫng, ông đau đớn không hiểu nguyên nhân vì sao, ông vừa thất vọng, vừa bất lực. Trong 3 ngày nghỉ phép ông chẳng đi đâu xa, chỉ tìm cách gần gũi để được nghe một tiếng gọi “ba” của con bé  nhưng mọi cố gắng của ông từ việc “giả vờ không nghe” đến việc “ồn nó vào thế bí” (chắt nước cơm) đều không có kết quả. Vì thế, trong bữa ăn, do nôn nóng, không kịp suy nghĩ, ông đã đánh con. Người đọc cảm nhận được đằng sau phút nóng giận ấy là trái tim tràn đầy tình yêu thương, là khát khao đến cháy lòng một cử chỉ, một lời nói yêu thương của đứa con. Do đó khi trở về căn cứ ông luôn ân hận, dày vò vì đã trót đánh con. Khi tìm được khúc ngà để làm chiếc lược theo lời hứa với con, ông vui mừng, hớn hở như “một đứa trẻ được quà”. Rồi ông thận trọng, tỉ mỉ, cố công như một người thợ bạc để cưa từng chiếc răng lược rồi gò lưng tẩn mẩn khắc từng nét chữ: “Yêu nhớ thặng Thu con của ba”. Có thể nói chiếc lược ngà đã gỡ rối được phần nào tâm trạng của người cha, chiếc lược ấy là tình cảm, tấm lòng, là yêu thương mà ông gửi gắm – thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi ông lại lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm đẹp. Trước khi hi sinh, ông Sáu móc cây lược ra trao vào tay người bạn chiến đấu. Chỉ khi nhận được lời hứa “mang về trao tận tay cho cháu”, người cha đó mới nhắm mắt được. Có thể nói, đó là điều trăng trối không lời, nó thiêng liêng hơn cả một di chúc bởi nó là ước nguyện cuối cùng, ước nguyện của tình phụ tử. Cử chỉ ấy cho ta hiểu tình cha con mãnh liệt và tha thiết của ông.

Câu 5 - Trang 145 SGK ngữ văn 9 tập 2: Các tác phẩm truyện ở lớp 9 đã được trần thuật theo các ngôi kể nào? Những truyện nào có nhân vật kể chuyện trực tiếp xuất hiện (nhân vật xưng “tôi”)? Cách trần thuật này có ưu thế như thế nào?

Trả lời:

Về phương thức trần thuật: mỗi truyện đã học có một phương thức trần thuật khác nhau. Người kể xưng “tôi” có truyện “Chiếc lược ngà”, “Những ngôi sao xa xôi”. Nhưng nhân vật xưng “tôi” không phải là tác giả xưng “tôi”, mà qua một nhân vật xưng “tôi”. Trong “Chiếc lược ngà” là ông Ba, bạn của ông Sáu. Trong “Những ngôi sao xa xôi” là Phương Định. Những truyện khác “Lặng lẽ Sa Pa”, “Bến quê”, “Làng” kể theo ngôi thứ ba. Tuy nhiên, mỗi truyện lại trần thuật theo điểm nhìn của một nhân vật chính. “Làng” thì qua ông Hai, “Bến quê” qua Nhĩ, “Lặng lẽ Sa Pa” qua ông họa sĩ.

Câu 6 - Trang 145 SGK ngữ văn 9 tập 2: Ở những truyện nào tác giả sáng tạo được tình huống truyện đặc sắc?

Trả lời:

Tình huống truyện:  Ở mỗi truyện, tác giả có một kiểu tạo tình huống truyện riêng, nhưng đều góp phần làm cho nhân vật bộc lộ tính cách, gây hứng thú cho người đọc.
- Trong truyện ngắn “Làng” thì tình huống là tin đồn làng ông Hai theo giặc, trong khi ông lại rất hãnh diện, rất hay khoe về làng mình, đặc biệt là làng ông tham gia kháng chiến.
- Trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” là tình huống ông Sáu ra đi không biết mặt con, và con cũng chỉ nhìn thấy cha trong ảnh. Vì thế, người cha nóng lòng được gặp con, mong được một tiếng “ba”, nhưng con lại bướng bỉnh không chịu. Rồi chiếc lược ngà, một biểu hiện tình thương, cuối cùng cũng đến tay được người con, dù người cha đã hi sinh.
- Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là sự gặp gỡ với một người cô độc nhất thế gian, một người thèm người trên đỉnh Yên Sơn.
- Trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là cuộc sống trên trọng điểm ác liệt, đi phá bom, bom vùi, mưa đá.
- Trong “Bến quê” là nhân vật Nhĩ khi nằm trên giường bệnh chỉ có thể thấy bến quê qua cửa sổ. Những tình huống đó đa dạng và độc đáo, làm nên sức hấp dẫn của mỗi câu chuyện.