Soạn bài Sang thu

1. Sự biến đổi của đất trời sang thu được Hữu Thỉnh cảm nhận bắt đầu từ đâu và gợi tả qua những hình ảnh, hiện tượng gì ? 

2. Phân tích sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ về những biến chuyển trong không gian lúc sang thu. (Gợi ý: qua hương vị, qua vận động của gió, sương, của dòng sông, cánh chim, đám mây, qua nắng, mưa, tiếng sấm. Chú ý các từ phả vào, chùng chình, dềnh dàng…)

3. Theo em, nét riêng của thời điểm giao mùa hạ – thu này được Hữu Thỉnh thể hiện đặc sắc nhất qua hình ảnh, câu thơ nào ? Em hiểu thế nào về hai dòng thơ cuối bài :

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

(Gợi ý :

- Ý nghĩa tả thực về thiên nhiên (hiện tượng sấm, hàng cây) lúc sang thu.

- Tính ẩn dụ của hình ảnh (sấm: những vang động bất thường của ngoại cảnh, cuộc đời; hàng cây đứng tuổi: con người từng trải).

Lời giải:

I. Tác giả 

Nhà thơ Hữu Thỉnh tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1963, Hữu Thỉnh nhập ngũ, vào binh chủng Tăng – Thiết giáp rồi trở thành cán bộ văn hoá, tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ. Ông đã tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khoá III, IV, V. Từ năm 2000, Hữ Thỉnh là Tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 2005, ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2010, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2012, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học Nghệ thuật.

 

II. Bố cục

- Phần 1 (Khổ 1) : Cảm xúc của nhà thơ trước những tín hiệu báo thu về trong không gian gần và hẹp.

- Phần 2 (Khổ 2) : Những biến chuyển của đất trời phút giao mùa trong không gian dài, rộng và cao.

- Phần 3 (Khổ 3) : Những suy ngẫm mang tính triết lí của nhà thơ về bước chuyển mùa qua sự quan sát thiên nhiên.

 

III. Đọc - Hiểu văn bản

Câu 1 trang 71 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2 : Sự biến đổi của đất trời sang thu được Hữu Thỉnh cảm nhận bắt đầu từ đâu và gợi tả qua những hình ảnh, hiện tượng gì ? 

Trả lời :

Sự biến đổi của đất trời sang thu được Hữu Thỉnh cảm nhận hết sức tinh tế trước những tín hiệu thu về ở không gian gần và hẹp. Nhà thơ dùng mọi giác quan để cảm nhận những tín hiệu thu về. Đầu tiên là sự cảm nhận bằng khứu giác và xúc giác: nhà thơ bỗng bất ngờ nhận ra tín hiệu của sự chuyển mùa bắt đầu từ hương ổi phả vào trong gió se. Tinh tế hơn nữa, bằng thị giác, tác giả cảm nhận sương chùng chình qua ngõ. Mùa thu bỗng hiện ra như một con người đang cố ý đi chậm lại như để kéo dài thời gian như bâng khuâng, như nuối tiếc, lưu luyến, quấn quýt bên ngõ xóm đường làng. Thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình như hương và gió, mờ ảo như sương, nhỏ hẹp và gần như ngõ. Từ những cảm nhận tinh tế mà tài hoa ấy, ta như thấy hình bóng một con người bâng khuâng xao xuyến, chín chắn và trầm ngâm với một tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết.

 

Câu 2 trang 71 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2  : Phân tích sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ về những biến chuyển trong không gian lúc sang thu. (Gợi ý: qua hương vị, qua vận động của gió, sương, của dòng sông, cánh chim, đám mây, qua nắng, mưa, tiếng sấm. Chú ý các từ phả vào, chùng chình, dềnh dàng…)

Trả lời :

Cảm nhận tinh tế của nhà thơ về những biến chuyển của trời đất sang thu trong không gian được thể hiện qua sự vận động của thiên nhiên, của dòng sông hay bầy chim. Sông lúc sang thu không còn cuộn chảy dữ dội như những ngày hè mưa lũ mà êm ả, dềnh dàng như đang lắng lại, đang trầm ngâm suy nghĩ. Hơi thu se lạnh khiến lũ chim bắt đầu vội vã bay về phương nam tránh rét. Bên cạnh đó là hình ảnh đám mây mùa hạ lưu luyến bắc chiếc cầu mỏng như dải lụa treo trên bầu trời; ranh giới nửa nghiêng về mùa hạ, nửa nghiêng về mùa thu. Sự cảm nhận những chuyển biến rất nhẹ, khẽ, êm của đất trời sang thu thể hiện cảm xúc say sưa, tâm hồn giao cảm với thiên nhiên. Không những thế, nhà thơ còn nhận thấy trong không gian, nắng vẫn còn nhưng mưa đã vơi dần. Những ngày sang thu, đã ít đi những cơn mưa rào ào ạt và cũng bớt đi những tiếng sấm bất thường chỉ có trong mùa hạ. Dường như sắc hạ đã nhạt dần và sắc thu đậm nét hơn. Qua đó, ta thấy được nhà thơ là người có tâm hồn giao cảm sâu sắc với thiên nhiên.

 

Câu 3 trang 71 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2 : Theo em, nét riêng của thời điểm giao mùa hạ – thu này được Hữu Thỉnh thể hiện đặc sắc nhất qua hình ảnh, câu thơ nào ? Em hiểu thế nào về hai dòng thơ cuối bài :

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

(Gợi ý :

- Ý nghĩa tả thực về thiên nhiên (hiện tượng sấm, hàng cây) lúc sang thu.

- Tính ẩn dụ của hình ảnh (sấm: những vang động bất thường của ngoại cảnh, cuộc đời; hàng cây đứng tuổi: con người từng trải).

Trả lời :

Nét riêng của thời điểm giao mùa hạ - thu được Hữu Thỉnh thể hiện đặc sắc nhất qua những chuyển biến của thời tiết. Những biến chuyển của nắng, mưa, sấm chớp trong lúc giao mùa hiện lên với những nhận xét tinh tế của một người am tường về thời tiết: Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa. Mùa thu nắng sẽ nhạt dần, nhưng lúc giao mùa, nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng. Các từ ngữ: Vẫn còn – đã vơi dần – cũng bớt bất ngờ là những từ chỉ mức độ cho thấy vẫn còn đâu đó dấu ấn, vẫn còn đó dư âm của mùa hạ nhưng tất cả đã đi vào chừng mực, vào thế ổn định mang tính đặc trưng của mưa nắng lúc giao mùa. 

Hai dòng cuối bài có 2 tầng ý nghĩa : tả thực và ẩn dụ.

- Tả thực : sang thu, sấm và mưa nhỏ dần, không đủ sức lay động hàng cây đã bao mùa thay lá.

- Hình ảnh ẩn dụ :

+ Sấm tượng trưng cho những vang động bất ngờ, những khó khăn trở ngại, những chông gai trắc trở…của ngoại cảnh, của cuộc đời.

+ Còn hàng cây đứng tuổi lại tượng trưng cho con người từng trải. 

* Con người từng trải sẽ vững vàng hơn trước những thử thách của cuộc đời. Từ mùa thu thiên nhiên liên tưởng đến mùa thu của đời người, câu thơ mang ý vị triết lí sâu xa.

 

IV. Luyện tập (trang 72 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2)

Dựa vào các hình ảnh, bố cục bài thơ, viết một bài văn ngắn diễn tả cảm nhận của Hữu Thỉnh trước sự biến chuyển của đất trời lúc sang thu.

Học sinh có thể tham khảo bài văn ngắn sau

Bài làm

“Sang thu” là một bài thơ hay, thể hiện những cảm xúc tinh tế của Hữu Thỉnh khi đất trời chuyển mùa từ hạ sang thu. Chỉ với ba khổ thơ năm chữ nhưng những cảm nhận, những hình ảnh và sức gợi của bài thơ lại hết sức mới mẻ.

Trước hết là những cảm nhận nhạy bén, bất ngờ ở bốn câu đầu :

                                       “Bỗng nhận ra hương ổi
                                        Phả vào trong gió se
                                        Sương chùng chình qua ngõ
                                        Hình như thu đã về”.

 

Cảm nhận về mùa thu đến của nhà thơ không có lá rụng như thơ xưa, cũng không có màu vàng như trong thơ mới mà bằng những cảm nhận rất riêng, rất mới. Nhà thơ cảm nhận thu sang bắt đầu bằng khứu giác (hương ổi), rồi xúc giác (gió se), tiếp đó là cảm nhận của thị giác (Sương chùng chình qua ngõ), cuối cùng là cảm nhận của lí trí: “Hình như thu đã về”. Chỉ những người thực sự yêu mùa thu, yêu làng quê và gắn bó với quê hương đất nước mới có được những cảm nhận tinh tế như vậy.

Từ những cảm nhận của các giác quan tác động đến lí trí, cảm xúc của tác giả về mùa thu như tràn ra, hòa vào cảnh vật xung quanh : 

                                       “Sông được lúc dềnh dàng
                                        Chim bắt đầu vội vã
                                        Có đám mây mùa hạ
                                        Vắt nửa mình sang thu”

Sự vật ở thời điểm giao màu hạ - thu đã bắt đầu chuyển đổi. Sông thì “dềnh dàng”, chim thì “vội vã”. Đặc biệt cảm giác giao mùa được tô đậm bằng hình ảnh đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu”.

Ở hai khổ thơ đầu, các từ ngữ “chùng chình”, “dềnh dàng”; “vội vã”, “vắt nửa mình” vốn là những từ dùng để chỉ trạng thái, tính chất của người được tác giả dùng để chỉ thiên nhiên, vì thế cảnh vật trở nên sống động, có hồn. Sang đến khổ thơ cuối, cảm nhận về thời điểm giao mùa đã đi dần vào lí trí. Nắng, mưa ở thời điểm giao mùa hạ - thu được tác giả thể hiện qua quan sát, nhận xét rất tinh tế. Vẫn còn đó dấu ấn của nắng, mưa mùa hạ nhưng giảm dần về số lượng để mang nét đặc trưng của mưa, nắng mùa thu :

                                     “Vẫn còn bao nhiêu nắng
                                      Đã vơi dần cơn mưa”

Đặc biệt, hai dòng cuối bài thơ là hình ảnh thiên nhiên lúc sang thu đầy sức gợi :

                                   “’Sấm cũng bớt bất ngờ
                                     Trên hàng cây đứng tuổi”.

Trước hết, đây là hình ảnh tả thực. Sang thu không những dịu nắng, bớt mưa mà sấm cũng thưa và nhỏ dần, không đủ sức lay động những hàng cây với tán lá già dặn khi đã trải qua hai mùa xuân hạ. Tuy nhiên, “bất ngờ”, “đứng tuổi” vốn là những từ ngữ chỉ đặc trưng của người, khi được dùng ở đây với ý nghĩa tả thực lại gợi cho ta liên tưởng đến một tầng ý nghĩa khác- ý nghĩa về con người và cuộc sống. Cũng giống như “hàng cây đứng tuổi”, khi con người đã từng va chạm, nếm trải trong cuộc sống thì sẽ vững vàng hơn, chín chắn hơn trước mọi tác động bất thường của ngoại cảnh.

Về nghệ thuật, bài thơ hấp dẫn chúng ta bởi những từ ngữ giàu hình ảnh gợi cảm, khơi gợi trong lòng người đọc nhiều nét đẹp về cảnh, về tình. Các phép nhân hóa được tác giả sử dụng một cách tự nhiên làm cho cảnh vật ở thời điểm giao mùa trở nên có hồn, gần gũi với cuộc sống và gợi cho ta nhiều suy nghĩ về quê hương, đất nước, con người.