Soạn bài Kiểm tra tổng hợp cuối kì I - SGK môn Ngữ văn 9 tập 1

Phần I (Trắc nghiệm)

1.  Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời câu hỏi bằng cách chỉ khoanh tròn một chữ cái ở đầu câu trả lời đúng.
Ông Hai đi mãi đến sẩm tối mới về. Cái mặt buồn thỉu mỗi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy… Vừa đến ngõ, ông lão đã lên tiếng:
– Chúng mày đâu rồi, ra thầy chia quà cho nào.
Lũ trẻ ở trong nhà ùa ra, ông lão rút vội cái gói bọc lá chuối khô cho con bé lớn:
– Bánh rán đường đây, chia cho em mỗi đứa một cái.
Dứt lời ông lão lại lật đật đi thẳng sang gian bên bác Thứ.
Chưa đến bực cửa, ông lão đã bô bô:
– Bác Thứ đâu rồi? Bác Thứ làm gì đấy? Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính, ông ấy cho biết… cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả.
Bác Thứ chưa nghe thủng câu chuyện ra sao, ông lão đã lại lật đật bỏ lên nhà trên.
– Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng em vừa lên cải chính… cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Ra láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả!
Cũng chỉ được bằng ấy câu, ông lão lại lật đật bỏ đi nơi khác. Còn phải để cho người khác biết chứ. Ông lão cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người. Ai ai cũng mừng cho ông lão.

(Ngữ văn 9, tập một)

1. Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào?
A – Làng
B – Chiếc lược ngà
C – Lặng lẽ Sa Pa
D – Cố hương
2. Nội dung chính tác giả muốn làm nổi bật qua đoạn trích trên là gì?
A – Cảnh ông hai chia quà cho các con.
B – Việc ông Hai khoe bác Thứ chuyện nhà mình bị đốt.
C – Việc ông Hai khoe với ông chủ nhà tin mới biết về làng Chợ Dầu.
D – Niềm vui của ông Hai khi biết tin làng mình không phải là Việt gian.
3. Chi tiết nào thể hiện rõ nhất tâm trạng vui sướng của ông Hai?
A – “Vừa đến ngõ, ông lão đã lên tiếng
B – “Ông Hai đi mãi đến sẩm tối mới về”.
C – “Ông lão cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người”.
D – “Dứt lời ông lão lại lật đật đi thẳng bên gian bác Thứ”.
4. Người kể chuyện trong đoạn trích trên là ai?
A – Ông Hai
B – Bác Thứ
C – Ông chủ tịch
D – Người kể giấu mình
5. Tác giả để ông Hai nhắc lại câu “Toàn là sai sự mục đích cả.” nhằm mục đích gì?
A – Chế giễu, châm biếm nhân vật.
B – Khắc họa sinh động tính cách nhân vật.
C – Miêu tả tâm trạng vui sướng của nhân vật.
D – Thể hiện sự nhiệt tình của ông Hai đối với cuộc kháng chiến.
6. Trong đoạn trích chỉ thấy ông Hai nói, không thấy người khác nói lại, hình thức đó đã giúp nhà văn thể hiện được điều gì?
A – Thể hiện được thái độ xa lánh của mọi người đối với ông Hai.
B – Thể hiện được thái độ tôn trọng của mọi người đối với ông Hai.
C – Thể hiện được trạng thái đau khổ của ông Hai.
D – Thể hiện được niềm vui sướng vô bờ của ông Hai.
7. Các lời thoại trong đoạn trích diễn ra dưới hình thức nào?
A – Đối thoại
B – Độc thoại nội tâm
C – Độc thoại dưới hình thức đối thoại
D – Không thuộc ba hình thức trên
8. Câu: “Bác Thứ chưa nghe thủng câu chuyện ra sao,…” có nghĩa là gì?
A – Bác Thứ chưa nghe hết câu chuyện của ông Hai.
B – Bác Thứ nghe nhưng chưa hiểu hết câu chuyện của ông Hai.
C – Bác Thứ không nghe được câu chuyện của ông Hai.
D – Bác Thứ không hiểu được câu chuyện của ông Hai.
9. Dòng nào dưới đây liệt kê đúng và đủ các từ ngữ xưng hô trong lời ông Hai nói với bác Thứ?
A – Bác Thứ, nó, tôi, bác (ạ), ông chủ tịch, ông ấy, chúng tôi
B – Nó, tôi, bác (ạ), ông chủ tịch, ông ấy, chúng tôi
C – Bác Thứ, nó , tôi, bác (ạ), ông ấy, chúng tôi
D – Nó, tôi, bác (ạ), ông ấy, chúng tôi
10. Dòng nào dưới đây liệt kê đúng và đủ các từ ngữ địa phương (phương ngữ) trong đoạn trích?
A – Thầy, bực cửa, (chẳng có gì) sất
B – Trầu, thầy, bực cửa, (chẳng có gì) sất
C – Trầu, thầy, bực cửa, sự mục đích, (chẳng có gì) sất
D – Bỏm bẻm, trầu, thầy, bực cửa, sự mục đích, (chẳng có gì) sất
11. Trong lời ông Hai nói với bác thứ có những loại câu nào?
A – Chỉ có câu trần thuật
B – Có hai loại câu: trần thuật và nghi vấn
C – Có ba loại câu: trần thuật, nghi vấn và cảm thán
D – Có đủ bốn loại câu: trần thuật, nghi vấn, cảm thán và cầu khiến
12. Các câu nghi vấn trong lời ông Hai nói với bác Thứ dùng để làm gì?
A – Cả hai câu đều dùng để hỏi.
B – Cả hai câu đều dùng để chào.
C – Câu đầu dùng để hỏi, câu sau dùng để chào.
D – Câu đầu dùng để gọi, câu sau dùng để chào.

Phần II: Tự luận

1. Tóm tắt truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long (hoặc truyện Cố Hương của Lỗ Tấn) trong nửa trang giấy thi.

2. Chọn một trong hai đề sau:
– Viết bài thuyết minh giới thiệu những nét chính về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.
– Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân, trong đó có sử dụng các yếu tố nghị luận và miêu tả nội tâm.

Lời giải:
Phần I (Trắc nghiệm)
 
1 - A; 2 - D; 3 - C; 4 - D; 5 - B; 6 - D; 7 - C; 8 - B; 9 - D; 10 - A; 11 - C; 12 - D
 
Phần II: Tự luận

Câu 1 – trang 228 SGK ngữ văn 9 tập 1: Tóm tắt truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long (hoặc truyện Cố Hương của Lỗ Tấn) trong nửa trang giấy thi.
 
Trả lời

Tóm tắt truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long:
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa các nhân vật trên chuyến xe khách từ Hà Nội lên Lào Cai. Đó là cuộc gặp ngắn ngủi trong vòng ba mươi phút giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư mới tốt nghiệp, bác lái xe với anh thanh niên làm việc ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn, khi xe của họ dừng lại nghỉ tại Sa Pa. Ông họa sĩ và cô gái đã lên thăm nơi ở và nơi làm việc của anh thanh niên trên đỉnh núi. Anh đã kể cho họ nghe và công việc và cuộc sống của mình. Qua câu chuyện anh kể, ông họa sĩ và cô kĩ sư đã nhận thấy những nét đẹp trong tâm hồn của anh thanh niên. Khi ông họa sĩ  kí họa bức chân dung về anh, anh đã từ chối và giới thiệu với ông những người khác ở Sa Pa xứng đáng để vẽ hơn. Họ chia tay nhau trong sự lưu luyến, xúc động.
Câu 2 – trang 228 SGK ngữ văn 9 tập 1:Chọn một trong hai đề sau:
– Viết bài thuyết minh giới thiệu những nét chính về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.– Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân, trong đó có sử dụng các yếu tố nghị luận và miêu tả nội tâm.
 
Bài làm

Viết bài thuyết minh giới thiệu những nét chính về tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
A. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du
- Giới thiệu về kiệt tác “Truyện Kiều”
B. Thân bài:
1. Hoàn cảnh ra đời của “Truyện Kiều”: Đầu thế kỉ XIX (1805 – 1809)
2. Nguồn gốc: Mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc 
3. Nhan đề: 
- Đoạn trường tân thanh : tiếng kêu mới về nỗi đau thương đứt ruột  bộc lộ chủ đề tác phẩm (tiếng kêu cứu cho số phận Kiều, số phận người phụ nữ).
- Truyện Kiều : Tên nhân vật chính – Thuý Kiều (do nhân dân đặt)
4. Tóm tắt những nét chính của “Truyện Kiều”
Phần 1: Gặp gỡ và đính ước
Phần 2: Gia biến và lưu lạc
Phần 3: Đoàn tụ
5. Giá trị tác phẩm
* Giá trị nội dung
- Giá trị hiện thực:
+ Tác phẩm đã phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội đương thời
+ Truyện Kiều phơi bày nỗi khổ đau của những con người bị bóc lột, đặc biệt là người phụ nữ.
- Giá trị nhân đạo:
+ Bộc lộ niềm thương cảm sâu sắc trước những đau khổ của con người.
+ Lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của con người  -  + Trân trọng, đề cao vẻ đẹp, ước mơ, khát vọng chân chính của con người: 
* Giá trị nghệ thuật
- Về ngôn ngữ: Tiếng Việt đã đạt tới đỉnh cao ngôn ngữ nghệ thuật
- Về nghệ thuật tự sự: đã có sự phát triển vượt bậc
- Về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên: 
6. Sự sáng tạo của Nguyễn Du 
- Nội dung: Từ câu chuyện tình ở Trung Quốc đời Minh biến thành một khúc ca đau lòng thương người bạc mệnh (vượt xa Thanh Tâm Tài Nhân ở tinh thần nhân đạo).
- Thể loại: chuyển thể văn xuôi thành thơ lục bát gồm 3254 câu.
- Nghệ thuật
+ Giữ nguyên cốt truyện, nhân vật
+ Thay đổi, sáng tạo các chi tiết: ngôn ngữ, nghệ thuật xây dựng, miêu tả thên nhiên, đặc biệt là bút pháp tả cảnh ngụ tình.
C. Kết bài: Khẳng định “Truyện Kiều” đã và sẽ mãi là sáng tác văn chương đích thực của thiên tài văn học Nguyễn Du.