Soạn bài Lặng lẽ Sa Pa trích

1. Nhận xét cốt truyện và tình huống cơ bản của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa. Tác phẩm này, theo lời tác giả, là “một bức chân dung”. Đó là bức chân dung của ai, hiện ra trong cái nhìn và suy nghĩ của những nhân vật nào?
2. Phân tích nhân vật anh  thanh niên trong truyện.
(Chú ý: Tình huống nhân vật xuất hiện, quan hệ với các nhân vật khác; hoàn cảnh sống và làm việc, suy nghĩ của anh về công việc và cuộc sống; nét đẹp đáng chú ý ở nhân vật này.)
3. Phân tích nhân vật ông họa sĩ.
(Chú ý: Vị trí của nhân vật trong truyện, những suy nghĩ về nghệ thuật và về con người; cảm xúc trước người thanh niên một mình ở trạm khí tượng.)
Nhân vật này cùng với các nhân vật phụ khác đã góp phần tô đậm hình ảnh người thanh niên trong truyện như thế nào?
4. Trong truyện ngắn này có sự kết hợp của các yếu tố trữ tình, bình luận với tự sự. Em hãy chỉ ra các chi tiết tạo nên chất trữ tình của tác phẩm và nêu tác dụng của chất trữ tình đó.
5. Phát biểu chủ đề của truyện.
Lời giải:
I. Tóm tắt:
   Trên chuyến xe từ Hà Nội lên Lào Cai, ông họa sĩ già, bác lái xe, cô kĩ sư trẻ tình cờ quen nhau. Bác lái xe đã giới thiệu cho ông họa sĩ và cô kĩ sư làm quen với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét. Anh thanh niên mời ông họa sĩ và cô gái lên thăm nơi ở và làm việc của mình. Ở đây, người họa sĩ già và cô kĩ sư đã nhận ra vẻ đẹp những người lao động thầm lặng trên cái nền lặng lẽ của Sa Pa. Ông họa sĩ luôn đi tìm hình ảnh lí tưởng cho bức tranh của mình chỉ kịp phác thảo những đường nét cơ bản chân dung anh thanh niên.
II. Bố cục:
– Phần 1 (từ đầu…cô độc nhất thế gian): Anh thanh niên qua lời kể của bác lái xe.
– Phần 2 (tiếp…có vật gì như thế): Cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa anh thanh niên, bác hoạ sĩ và cô kỹ sư.
– Phần 3 (còn lại): Cuộc chia tay giữa ba nhân vật.
 
III. Đọc - hiểu văn bản
 
Câu 1 trang 189 - SGK Ngữ văn 9 tập 1:
 Nhận xét cốt truyện và tình huống cơ bản của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa. Tác phẩm này, theo lời tác giả, là “một bức chân dung”. Đó là bức chân dung của ai, hiện ra trong cái nhìn và suy nghĩ của những nhân vật nào?
Trả lời:
Nhận xét về cốt truyện và tình huống cơ bản của truyện:
  Truyện Lặng lẽ Sa Pa có cốt truyện rất đơn giản, xoay quanh một tình huống gặp gỡ bất ngờ của mấy người khách trên chuyến xe lên Sa Pa (ông hoạ sĩ già, cô kĩ sư trẻ) với anh thanh niên làm công tác khí tượng ở trên đỉnh Yên Sơn thuộc Sa Pa. Với tình huống ấy, nhân vật chính hiện ra qua cái nhìn và ấn tượng của các nhân vật khác, đặc biệt là của ông hoạ sĩ. Cách trần thuật như vậy có tác dụng khắc hoạ nhân vật chính một cách khách quan, góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. 
Theo lời tác giả, truyện ngắn này là “một bức chân dung”. Đó là chân dung nhân vật anh thanh niên. Nhân vật được hiện lên ở một số nét đẹp nhưng chưa được xây dựng thành một tính cách hoàn chỉnh và hầu như chưa có cá tính. Nhân vật anh thanh niên hiện ra qua cái nhìn và ấn tượng của các nhân vật như ông hoạ sĩ, cô kĩ sư và bác lái xe.
 
Câu 2 trang 189 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Phân tích nhân vật anh  thanh niên trong truyện.
Trả lời:
* Hoàn cảnh sống của anh thanh niên vô cùng đặc biệt vì phải vượt qua cô đơn, vắng vẻ, một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây mù không một bóng người.
* Công việc: đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Đó là một công việc gian khổ, đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác và tinh thần trách nhiệm cao. 
* Những nét đẹp của anh thanh niên:
- Tinh thần trách nhiệm cao với công việc (nửa đêm, đúng giờ “ốp” thì dù mưa tuyết, giá lạnh thế nào cũng phải thức dậy ra ngoài trời làm công việc đã quy định)
- Rất yêu nghề và có suy nghĩ đúng đắn về công việc: "Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”“Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”
- Có lí tưởng sống cao đẹp, có những quan niệm rất sâu sắc về cuộc sống: “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?”;  hạnh phúc khi biết mình đã góp phần giúp “không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng”
- Anh biết sắp xếp cuộc sống khoa học, ngăn nắp, chủ động, có niềm vui từ việc đọc sách, tự học, trồng hoa, nuôi gà...
 
Câu 3 trang 189 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Phân tích nhân vật ông họa sĩ.
Trả lời:
* Vị trí:
- Là nhân vật phụ nhưng có vai trò quan trọng trong truyện: vừa là nhân vật tham gia câu chuyện vừa là điểm nhìn trần thuật của tác giả. Dường như chính Nguyễn Thành Long đã hoá thân vào ông họa sĩ để trần thuật, quan sát và miêu tả từ cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính của truyện. Qua nhân vật này, tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc những suy nghĩ về con người, về cuộc sống, về nghệ thuật.
* Vẻ đẹp: 
- Tâm hồn nhạy cảm (xúc động mạnh khi ngay từ những lời giới thiệu của bác lái xe về anh thanh niên; cảm động và bị cuốn hút trước sự chân thành của anh; bối rối khi nghe anh thanh niên kể về công việc; nhận thấy anh thanh niên là một đối tượng nghệ thuật mà ông đang tìm kiếm...)
- Yêu quý và trân trọng thế hệ trẻ (lắng nghe và thấu hiểu những suy nghĩ, hành động của anh thanh niên và cô kĩ sư, dành cho họ những tình cảm yêu mến chân thành dù chỉ mới những phút giây đầu gặp gỡ...)
- Yêu nghề (sắp nghỉ hưu nhưng vẫn đi thực tế để sáng tác; ông chấp nhận những thử thách của quá trình sáng tác: “hoạ sĩ đã ghi xong lần đầu gương mặt người thanh niên. Người con trai ấy đáng yêu thật nhưng cũng làm cho ông nhọc quá. Với những điều người ta suy nghĩ về anh. Và những điều anh suy nghĩ” . Cảm giác nhọc mệt của người nghệ sĩ ấy chính là một niềm vui hạnh phúc khi được sáng tạo, được cống hiến...)
=> Những xúc cảm và suy tư của ông hoạ sĩ về anh thanh niên và về nghệ thuật làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp, tạo nên chiều sâu tư tưởng chủ đề tác phẩm và góp phần làm cho tác phẩm giàu chất thơ.
 
Câu 4 trang 189 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Trong truyện ngắn này có sự kết hợp của các yếu tố trữ tình, bình luận với tự sự. Em hãy chỉ ra các chi tiết tạo nên chất trữ tình của tác phẩm và nêu tác dụng của chất trữ tình đó.
Trả lời:
Chất trữ tình trong tác phẩm: toát lên từ vẻ đẹp của thiên nhiên (những rặng đào với những đường núi quanh co, uốn lượn; những đàn bò thung thăng gặm cỏ, nắng Sa Pa thật kì lạ, mây bị nắng xua, cuộn tròn lại thành từng cục lăn trên các vòm lá ướt sương, luồn cả vào gầm xe, các loài hoa rực rỡ sắc hương...); toát lên từ nội dung truyện (cuộc gặp gỡ tình cờ để lại nhiều dư vị trong lòng mỗi người, từ những nét đẹp giản dị, đáng mến của anh thanh niên, từ tình cảm của những nhân vật trong truyện dành cho nhau...)
* Tác dụng của chất trữ tình trong tác phẩm: làm cho truyện “Lặng lẽ Sa Pa” có dáng dấp như một bài thơ, tạo được không khí trữ tình cho tác phẩm, nâng cao ý nghĩa và vẻ đẹp của những sự việc, con người rất bình dị được miêu tả trong truyện, nhờ thế mà chủ đề của truyện được rõ nét và sâu sắc.

Câu 5 trang 189 SGK Ngữ văn 9: Phát biểu chủ đề của truyện.
Chủ đề của truyện: Tác phẩm ca ngợi những con người lao động như anh thanh niên làm công tác khí tượng và thế giới những con người như anh. Tác giả muốn nói với người đọc: “Trong cái lặng im của Sa Pa [...]. có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Đồng thời qua câu chuyện về anh thanh niên, tác phẩm cũng gợi ra những vấn đề về ý nghĩa và niềm vui của lao động tự giác, vì những mục đích chân chính đối với con người.
 
IV. LUYỆN TẬP:
Phân tích nhân vật ông họa sĩ: 
  Trong truyện, có một người lặng lẽ quan sát, xúc cảm, suy nghĩ và ghi chép là nhân vật người hoạ sĩ già. Dù không phải là nhân vật chính nhưng ông hoạ sĩ có vai trò quan trọng trong truyện. Ông là nhân vật vừa tham gia câu chuyện, đẩy các sự việc, tình tiết tiến tới, vừa là người kể chuyện. Dường như chính tác giả Nguyễn Thành Long đã hoá thân vào người nghệ sĩ cao tuổi, giàu kinh nghiệm, say mê sự nghiệp sáng tạo ấy trần thuật, để quan sát và miêu tả từ cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính của truyện. Qua nhân vật này, tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc những suy nghĩ tâm đắc về con  người, về cuộc sống, về nghệ thuật. Ông hoạ sĩ là người có tâm hồn nhạy cảm. Ngay từ những lời giới thiệu của bác lái xe về anh thanh niên, ông hoạ sĩ đã xúc động mạnh khi nhìn thấy anh thanh niên đang hái hoa, cảm động và bị cuốn hút trước sự cảm động chân thành của anh. Rồi ông lại cảm giác mình bối rối khi nghe anh thanh niên kể về công việc. Bằng sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát của người nghệ sĩ sáng tạo đi tìm đối tượng của nghệ thuật, ông biết mình đang xúc động và rối trí vì bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài. Anh thanh niên là một con người như thế và có thể là nhân vật tương lai trong một tác phẩm của ông. Cảm hứng được khơi gợi đã thôi thúc người hoạ sĩ sáng tác. Trò chuyện với anh, ông hoạ sĩ ngỡ lồng ngực có thêm một trái tim nữa, hay chính là quả tim cũ được đề cao lên. Đang bước vào tuổi già, tuổi của những nghỉ ngơi, ông bỗng thấy mình trẻ lại, thấy thêm yêu cuộc sống, khao khát sống, khát khao sáng tạo. Vừa nói chuyện, ông vừa kí hoạ. Bàn tay như có thần, trái tim rung động, trí tuệ minh mẫn, suy nghĩ biết bao nhiêu điều tốt lành về cuộc sống, con người và mảnh đất Sa Pa…Ông muốn làm một bức phác hoạ chân dung về anh thanh niên nhưng làm thế nào cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà hoạ sĩ vào giữa bức tranh đó? Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài”.  Ông chấp nhận những thử thách của quá trình sáng tác, đã bắt cảm hứng của mình hiện lên trang giấy : “cũng may mà bằng mấy nét, hoạ sĩ đã ghi xong lần đầu gương mặt người thanh niên. Người con trai ấy đáng yêu thật nhưng cũng làm cho ông nhọc quá. Với những điều người ta suy nghĩ về anh. Và những điều anh suy nghĩ”. Như vậy cảm giác nhọc mệt của người nghệ sĩ ấy chính là một niềm vui hạnh phúc, một khát khao tiếp tục được sáng tạo,  được cống hiến.