Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận

I. THỰC HÀNH TÌM HIỂU YẾU TỐ NGHỊ LUẬN TRONG ĐOẠN VĂN TỰ SỰ

1. Đọc đoạn văn sau:

LỖI LẦM VÀ SỰ BIẾT ƠN
Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra một cuộc tranh luận, và một người nổi nóng không kiềm chế được đã nặng lời miệt thị người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”.
Họ đi tiếp, tìm thấy một ốc đảo, và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây giờ bị đuối sức và chìm dần xuống. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Khi đã lên bờ, anh lấy một miếng kim loại khắc trên đá: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.
Người kia hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá”?
Anh ta trả lời: “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xoá nhoà theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người”.
Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.
(Hạt giống tâm hồn, tập 4, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2004)
2. Trong đoạn văn trên, yếu tố nghị luận thể hiện ở những câu nào? Chỉ ra vai trò của các yếu tố ấy trong việc làm nổi bật nội dung của đoạn văn.
II. THỰC HÀNH VIẾT ĐOẠN VĂN TỰ SỰ CÓ SỬ DỤNG YẾU TỐ NGHỊ LUẬN
1. Viết một đoạn văn kể lại buổi sinh hoạt lớp. Trong buổi sinh hoạt đó, em đã phát biểu ý kiến để chứng minh Nam là một  người bạn rất tốt.
2. Viết đoạn văn kể về những việc làm hoặc những lời dạy bảo giản dị mà sâu sắc của người bà kính yêu đã làm cho em cảm động (trong đoạn văn có sử dụng yếu tố nghị luận).
Có thể tham khảo văn bản sau đây:
BÀ NỘI
(Trích)
   Tôi ngẩng cao đầu mới thấy tuổi của bà; chứ cứ nhìn bà chặt củi, nhổ sắn, nhìn bà đứng, bà đi thì không ai biết bà đã gần bảy mươi. Bà làm nhanh, đi nhanh, lưng thẳng. Bà không hút thuốc lào như u tôi, không ăn giầu.
   Bà như một chiếc bóng; lặng lẽ, đi không ai biết, về không ai hay. Bà tất bật, khi đi giồng sắn ở trại, khi đi bắt cua bán, lúc đi cấy thuê. Có lần bà bỏ nhà bốn năm ngày. Tôi hỏi Lĩnh, nó rớm nước mắt. Tuần phu đi rầm rập bắt thuế. Trống dồn sôi cả bụng, đập thình thịch vào cái ngực bé nhỏ của tôi.
   Cả làng đã im ắng. Bà như chiếc bóng giở về. Ít khi tôi thấy bà nói chuyện nói trò với ai ngoài các cháu ra. Ít khi tôi thấy bà đôi co với ai.    Dân làng bảo bà hiền như đất. Nói cho đúng, bà hiền như chiếc bóng. Nếu ai lành chanh lành chói, bà rủ rỉ khuyên. Bà nói nhiều bằng ca dao, tục ngữ. Những chị mồm năm miệng mười, sau khi bà khuyên chỉ còn mồm một, mồm hai.
Người ta bảo: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Bà như thế thì chúng tôi hư làm sao được. […]
Bà tôi có học hành gì đâu, một chữ cắn đôi không biết. Bà lặng lẽ, cứ tưởng bà không biết gì. Bà thuộc như cháo hàng trăm hàng nghìn câu ca. Bà nói những câu sao mà đúng thế. Bà bảo u tôi:
Dạy con từ thuở còn thơ
Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.
Người ta như cây. Uốn cây phải uốn từ non. Nếu để lớn mới uốn, nó gãy.
(Theo Duy Khán, Tuổi thơ im lặng, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1996)
Lời giải:

I. THỰC HÀNH TÌM HIỂU YẾU TỐ NGHỊ LUẬN TRONG ĐOẠN VĂN TỰ SỰ

Câu 2 trang 160 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Trong đoạn văn trên, yếu tố nghị luận thể hiện ở những câu nào? Chỉ ra vai trò của các yếu tố ấy trong việc làm nổi bật nội dung của đoạn văn.

Trả lời:
- Yếu tố nghị luận thể hiện ở câu trả lời của người bạn được cứu và câu kết của văn bản:
+ Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người. 
+ Mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.Tác dụng của yếu tố nghị luận đối với văn bản: làm cho câu chuyện thêm sâu sắc, giàu tính triết lí và có ý nghĩa giáo dục cao, nhắc nhở con người về sự bao dung, lòng nhân ái, vị tha và nhân nghĩa.
II. THỰC HÀNH VIẾT ĐOẠN VĂN TỰ SỰ CÓ SỬ DỤNG YẾU TỐ NGHỊ LUẬN
Câu 1 trang 161 - SGK Ngữ văn 9 tập 1:  Viết một đoạn văn kể lại buổi sinh hoạt lớp. Trong buổi sinh hoạt đó, em đã phát biểu ý kiến để chứng minh Nam là một  người bạn rất tốt.
Trả lời:
   Như thường lệ, tiết cuối ngày thứ bảy bao giờ cũng là tiết sinh hoạt lớp. Buổi sinh hoạt hôm nay khá căng thẳng vì hầu hết các bạn trong lớp đều muốn đưa hiện tượng bạn Nam nhiều lần đi học muộn làm ảnh hưởng đến thi đua của lớp để phê bình và áp dụng các hình thức kỉ luật thích đáng. Cô giáo chủ nhiệm yêu cầu bạn lớp trưởng thống kê số lần đi học muộn của Nam và đề nghị cả lớp cùng thảo luận để tìm ra biện pháp khắc phục. Bạn Nga – tổ trưởng tổ 1 nêu ý kiến cần mời phụ huynh đến trường để viết cam kết với cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở con chấm dứt tình trạng đi học muộn. Bạn Bình đề xuất ý kiến kỉ luật bạn Nam bằng cách yêu cầu bạn Nam phải trực nhật trong hai tuần... Tất cả các bạn trong lớp đều tán đồng ý kiến cần phải có các hình thức kỉ luật nghiêm khắc để bạn Nam nhận thức được sự thiếu ý thức của mình và làm gương cho các thành viên khác của lớp. Trong khi các bạn xôn xao bàn tán, Nam chỉ yên lặng cúi đầu. Cô giáo chủ nhiệm tổng kết lại các ý kiến của lớp: “Như vậy là chúng ta đã thống nhất sẽ phương án đưa ra hình thức kỉ luật bạn Nam một cách hợp lí, nhưng cô nghĩ việc gì cũng có nguyên nhân của nó. Cô muốn nghe ý kiến của Nam”. Nam lặng lẽ đứng dậy và nói: “Thưa cô, em không có ý kiến gì ạ. Em xin chấp hành mọi hình thức kỉ luật của lớp.” Nghe đến đây, tôi liền giơ tay xin phép được trình bày. Được sự đồng ý của cô giáo, tôi nói: “Thưa cô và các bạn, trước hết mình xin lỗi Nam vì đã không giữ lời hứa với bạn. Trong thời gian qua, bạn Nam nhiều lần đi muộn là do bố bạn bị ốm nặng, phải nằm điều trị tại bệnh viện. Mẹ bạn lại đi công tác xa, chưa thể về ngay được. Vì vậy hằng ngày Nam vừa phải chăm sóc bố trong bệnh viện, phải đưa em nhỏ đi học nên mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng bạn ấy vẫn không thể đến trường đúng giờ. Khi biết chuyện, mình đã nói với Nam là lên báo với cô giáo nhưng Nam không muốn làm cô bận tâm vì cô đã có rất nhiều việc phải lo lắng rồi”. Nghe tôi nói xong, cô giáo liền nhìn Nam trìu mến và nói: “Bạn Nam đúng là người con hiếu thảo và là người có lòng tự trọng. Tuy nhiên, cô cũng muốn chúng ta luôn coi nhau như là các thành viên trong một gia đình, cùng sẻ chia mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Việc của Nam như vậy là đã rõ. Chúng ta sẽ không cần tìm hình thức kỉ luật với bạn mà tìm ra cách giúp bạn vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, phải không nào?...”

Câu 2 trang 161 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Viết đoạn văn kể về những việc làm hoặc những lời dạy bảo giản dị mà sâu sắc của người bà kính yêu đã làm cho em cảm động (trong đoạn văn có sử dụng yếu tố nghị luận).
   Viết đoạn văn kể về người bà kính yêu (trong đoạn có sử dụng yếu tố nghị luận). Bà tôi đã già lắm rồi. Nghe bố tôi kể chuyện, ngày xưa gia đình tôi nghèo lắm, thiếu thốn đủ thứ. Tuy vậy, bà vẫn tần tảo một sương hai nắng để chắt chiu, dành dụm, nuôi nấng con cái nên người. Bây giờ, gia đình tôi đã khá giả hơn nhưng bà vẫn giữ thói quen vô cùng tiết kiệm. Bà thường dặn con cháu trong nhà phải biết trân trọng tất cả mọi đồ vật, vì đó là mồ hôi, nước mắt của bao người vất vả mới làm ra được. Bà bảo tôi: “Tiết kiệm là một thói quen tốt, nó không chỉ giúp chúng ta trong cuộc sống mà còn có ích đối với những người khác nữa. Chỉ đơn giản như việc khóa vòi nước sau khi dùng thôi. Chúng ta vừa tránh lãng phí nước, vừa không phải trả tiền nước hàng tháng quá nhiều mà còn giúp biết bao người ở các nơi khác có đủ nước sạch dùng trong sinh hoạt. Tiết kiệm chính là nét đẹp của con người cháu ạ. Nhưng cháu đừng nhầm lẫn giữa tiết kiệm và hà tiện nhé. Tiết kiệm là sử dụng mọi thứ hợp lí, còn hà tiện là bủn xỉn, là không dám sử dụng, chi dùng ở mức độ tối thiểu, như vậy sẽ làm khổ chính mình. Cũng như việc dùng nước sinh hoạt thôi. Nếu cần phải rửa rau dưới vòi nước cho sạch mà để tiết kiệm nước, chúng ta chỉ rửa một lần thì sẽ không đảm bảo vệ sinh, gây thêm bệnh tật và tốn kém nhiều hơn nữa cháu ạ...”. Những lời dạy của bà chẳng biết từ bao giờ đã trở thành cẩm nang trong cuộc sống của chúng tôi.