Soạn bài Phong cách Hồ Chí Minh

1. Vốn tri thức văn hoá nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu rộng như thế nào? Vì sao Người lại có được vốn tri thức sâu rộng như vậy?

2. Lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất Phương Đông của Bác Hồ được biểu hiện như thế nào?

3. Vì sao có thể nói lối sống của Bác là sự kết hợp giữa giản dị và thanh cao?

4. Nêu cảm nhận của em về những nét đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh.

Lời giải:
I. Đọc hiểu - văn bản
 
Câu 1 trang 8 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: 
Vốn tri thức văn hoá nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu rộng như thế nào? Vì sao Người lại có được vốn tri thức sâu rộng như vậy?
Trả lời:
- Hồ Chí Minh có một vốn tri thức văn hóa uyên thâm, thể hiện ở sự am hiểu sâu sắc về các dân tộc và văn hóa thế giới. Đặc biệt, sự hiểu biết về văn hóa thế giới đó đã hòa quyện với gốc văn hóa không gì lay chuyển được ở Người để trở thành một nhân cách, một lối sống bình dị rất Việt Nam, rất phương Đông nhưng đồng thời cũng rất mới, rất hiện đại. 
- Vốn tri thức văn hóa của Hồ Chí Minh có được là bởi trong cuộc hành trình gian nan tìm đường cứu nước, Người đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước,  nhiều vùng trên thế giới. Người nắm vững phương tiện giao tiếp là ngôn ngữ (nói và viết thạo nhiều thứ tiếng nước ngoài như Pháp, Anh, Hoa, Nga...); Người học hỏi thông qua quá trình lao động (làm nhiều nghề khác nhau); và Người luôn có ý thức học hỏi, tìm hiểu kiến thức đến mức sâu sắc.
 
Câu 2 trang 8 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất Phương Đông của Bác Hồ được biểu hiện như thế nào?
Trả lời:
Lối sống bình dị rất Việt Nam, rất phương Đông của Hồ Chí Minh thể hiện qua đời sống sinh hoạt vô cùng giản dị của Người:
- Nơi ở chỉ là một ngôi nhà sàn nhỏ bé với những đồ đạc đơn sơ, mộc mạc.
- Trang phục bình dị (bộ quần áo bà ba, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp...)
- Ăn uống hết sức đạm bạc với những món ăn dân dã quen thuộc của nhân dân (cá kho, rau luộc, cà muối, dưa ghém,...)
 
Câu 3 trang 8 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Vì sao có thể nói lối sống của Bác là sự kết hợp giữa giản dị và thanh cao?
Trả lời:
Nếp sống giản dị và thanh đạm của Hồ Chí Minh chính là biểu hiện vẻ đẹp của một tâm hồn rất mực thanh cao. Giản dị mà không sơ sài, đạm bạc mà không khắc khổ, từ cách bài trí cho đến ăn ở, sinh hoạt hằng ngày đều toát lên sự thanh thản, ung dung.
Cách sống của con người Hồ Chí Minh là một cách sống có văn hóa đã trở thành một quan niệm thẩm mĩ: cái đẹp là sự giản dị, tự nhiên.
 
Câu 4 trang 8 - SGK Ngữ văn 9 tập 1: Nêu cảm nhận của em về những nét đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh.
Trả lời:
Cuộc sống của Bác gần với cuộc sống của một nhà hiền triết nhưng không hoàn toàn như vậy. Bản lĩnh, ý chí của một người chiến sĩ cách mạng vĩ đại đã hòa nhập cùng tâm hồn một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa lớn. Khát khao cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân bao nhiêu thì Người càng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống bấy nhiêu. Vẻ đẹp của các yếu tố ngoại cảnh, từ ngôi nhà, vườn cây, ao cá cho đến trang phục, cách ăn ở, giao tiếp... đã thể hiện rất rõ vẻ đẹp tâm hồn Người, rất mạnh mẽ song cũng rất lãng mạn, rất thơ.
 
II. Luyện tập
 
Sưu tầm và kể lại một mẩu chuyện về lối sống giản dị của Bác Hồ.
 
Kỉ niệm về những bộ trang phục giản dị của Bác Hồ
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai bộ quần áo được anh em giúp việc đặt tên là “bộ kháng chiến”, “bộ ka-ki vàng”. “Bộ kháng chiến” được may từ khi Bác lên Việt Bắc và Bác đã mặc trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp.
Ngoài hai bộ trên, Bác còn một bộ quân phục màu xanh, một bộ lụa Hà Đông màu gụ. Mùa rét, Bác mặc bên trong một áo len, khoác ngoài một áo “ba-đờ-xuy” – chiến lợi phẩm dài quá đầu gối, quà của một đơn vị tặng Người. Trong chiến dịch Biên giới 1950, khi đến thăm thương binh, thấy một chiến sĩ bị mất máu nhiều, rét, Bác đã cởi chiếc “ba-đờ-xuy” này đắp lên người đồng chí đó.
Trên chiếc áo quân phục có một miếng mạng ở vai phải, “kỉ niệm” một đầu nhọn chiếc đinh đòn gánh của một cụ già dân công phục vụ chiến dịch Biên giới, qua suối, trượt chân ngã đã làm toạc vai áo Bác.
Thường khi đưa áo đi giặt, Bác nhắc các người lính cần vụ:
- Giặt xong các chú xem có chỗ nào sờn thì sửa lại cho Bác, đừng đem nhờ các cô ở cơ quan. Các cô còn bận nhiều việc, để dành thì giờ cho các cô chăm sóc, dạy dỗ các cháu nhỏ...

 
(Kể chuyện Bác Hồ, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003)